Tập luyện thể dục hàng ngày là một trong những biện pháp được các chuyên gia y tế khuyến cáo giúp phòng chống cúm, ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19. Tại sao tập luyện thể dục lại giúp phòng chống cúm?
Tư vấn của chuyên gia BSCKII Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhân dân 115:
Miễn dịch là hệ thống bảo vệ và phát hiện của cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh do ngoại lai như virus, vi khuẩn… Có thể phân ra hai hệ thống là miễn dịch tự nhiên (miễn dịch không đặc hiệu) và miễn dịch thu được (miễn dịch đặc hiệu).
Các globulin miễn dịch (trong miễn dịch đặc hiệu) đã được chứng minh có tác dụng ức chế sự nhân lên của một số virus.
Các globulin miễn dịch như IgA, IgG, IgD tăng lên ở người tập luyện mức độ trung bình và tập nặng; IgM giảm ở người tập luyện nặng (vận động viên chuyên nghiệp) và trở lại bình thường sau tập, nhưng lại tăng ở người tập trung bình và tập sức bền. Do đó lời khuyên trong mùa dịch nên tập ở mức độ trung bình, đều đặn.
Các nghiên cứu về IgA đều cho thấy IgA có nhiều trong nước bọt, nước mắt và niêm mạc miệng, mũi, ruột.
Nếu tập đều đặn, cường độ vừa phải như đi bộ 45 phút/ngày, trong 5-7 ngày/tuần thì nồng độ IgA và các globulin miễn dịch khác cũng tăng đáng kể, kể cả người lớn tuổi cường độ tập có thể ít hơn cũng tăng các globulin miễn dịch.
Bác sĩ Thắng dẫn chứng, một nghiên cứu so sánh ở người trên 70 tuổi đi bộ 7.000 bước mỗi ngày thì sự tăng IgA là có ý nghĩa so với nhóm tập 3.000 bước mỗi ngày. Tăng IgA từ việc luyện tập sức bền là rất quan trọng để ngăn chặn virus trong mùa dịch, đây là chốt chặn đầu tiên hạn chế virus đi vào đường hô hấp.
Nghiên cứu trên người lớn tuổi có tập luyện cho thấy khả năng đáp ứng miễn dịch với cúm mùa tốt hơn, mặc dù hệ miễn dịch của cơ thể có thể giảm 2%-3% hàng năm kể từ khi chúng ta 20 tuổi. Như vậy tập luyện giúp làm chậm sự suy giảm miễn dịch theo tuổi.
Người mắc cúm, mắc các bệnh mạn tính có nên tập luyện thể dục?
Nhiệt độ cơ thể tăng hơn khi tập luyện mức độ trung bình cũng làm ức chế virus phát triển. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra sự tương quan giữa nhiệt độ khi tập luyện giúp bệnh nhân mắc cúm mau lành hơn. Do đó, ngay cả khi đang bị mắc cúm vẫn có thể tập luyện.
Bệnh nhân có các bệnh mạn tính thường có nguy cơ cao mắc cúm, như đái tháo đường, bệnh tim mạch, trầm cảm, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư.
Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh sự suy giảm khả năng bảo vệ cơ thể của bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính này trước sự tấn công của vi trùng, virus do giảm sức đề kháng và kèm theo là quá trình thoái hóa cơ thể theo tuổi tác.
Nếu mắc bệnh đái tháo đường, ngoài suy giảm chức năng miễn dịch thì các loại vi trùng, virus sẽ trở nên nguy hiểm hơn ở môi trường đường máu cao. Tập luyện luôn luôn là chỉ định của bác sĩ dành cho bệnh nhân đái tháo đường và đương nhiên có lợi cho việc tăng cường sức đề kháng với virus.
Đối với bệnh tăng huyết áp: Các nghiên cứu cho thấy tác dụng của việc tập luyện giúp điều hòa và giảm huyết áp. Điều này có thể lý giải do tập luyện có tác dụng điều hòa hệ thần kinh không tự chủ nên giúp điều hòa huyết áp.
Chính vì vậy, người dân nên hình thành thói quen tập luyện thể dục mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng với virus, kể cả khi đang mắc bệnh mạn tính, lớn tuổi hoặc cả khi đang bị nhiễm virus cúm. Nên tập luyện đều đặn, luyện sức bền, còn luyện tập sức mạnh thì không nên trong giai đoạn đang có dịch cúm như hiện nay.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì chỉ nên tập luyện nhẹ nhàng tại nhà, không nên ra những chỗ đông người, không tụ tập nhóm đông để tập luyện nhằm tránh dịch bệnh lây lan.