Báo Điện tử Gia đình Mới

Bị cúm ăn gì nhanh khỏi? 6 thảo dược trị cúm hiệu quả theo chuyên gia Đông y

Trong đông y có khá nhiều vị thuốc, bài thuốc dân gian và món ăn bài thuốc có thể áp dụng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể trước các loại virus gây bệnh trong đó có các loại virus cúm.

Theo chia sẻ của BSCKII Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhân dân 115, tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới hiện đang có nhiều diễn biến phức tạp, với biện pháp phòng tránh chủ yếu là ngăn chặn sự lây nhiễm và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Trong Đông y có khá nhiều vị thuốc, bài thuốc dân gian và món ăn bài thuốc có thể áp dụng để nâng cao khả năng tự bảo vệ của cơ thể trước các loại virus gây bệnh, như một số thảo dược dưới đây.

  BSCKII Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ bí quyết phòng ngừa bệnh cúm bằng thảo dược Đông y

BSCKII Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng khoa Y học cổ truyền – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ bí quyết phòng ngừa bệnh cúm bằng thảo dược Đông y

1. Trà xanh

Nghiên cứu về tác dụng của trà trên hệ miễn dịch cho thấy người uống trà thường xuyên thì phản ứng miễn dịch nhanh gấp 5 lần người không uống. Do đó, nên uống một ly trà vào mỗi buổi sáng, giúp tăng cường sức khỏe, phòng ngừa cảm cúm và bệnh đường hô hấp.

2. Tỏi

Tỏi không chỉ là một gia vị quen thuộc mà còn là một vị thuốc trong Đông y với rất nhiều công dụng phòng và chữa cảm cúm, tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị ung thư, cải thiện tiêu hóa, giảm mỡ máu, chống oxy hóa…

Các nghiên cứu về tác dụng kháng virus của tỏi đã chứng minh nó có tác dụng ức chế các loại virus: cúm mùa (A và B), rhinovirus, herpes, rotavirus… nhờ tác dụng của chất allicin có trong tỏi.

Để phòng ngừa cúm, với người có thể ăn được tỏi tươi, có thể ăn hàng ngày 1-3 tép tỏi.

Người không ăn được tỏi tươi có thể tăng cường thêm một chút tỏi làm gia vị hoặc dùng tỏi ngâm.

Ngoài việc đeo khẩu trang, có thể dùng tỏi giã nhỏ rồi cho một ít nước muối sinh lý, gạn lấy nước, nhỏ 1-2 giọt vào hai lỗ mũi cũng là cách góp phần ngăn chặn virus xâm nhập vào cơ thể.

  Để phòng ngừa cúm có thể ăn hàng ngày 1-3 tép tỏi tươi

Để phòng ngừa cúm có thể ăn hàng ngày 1-3 tép tỏi tươi

3. Mật ong

Mật ong có tác dụng chính là bồi bổ cơ thể, nâng cao sức khỏe, có tính sát trùng và chống viêm tốt, nếu cơ thể bị các tổn thương thì giúp hồi phục các tổn thương. Với bệnh đường hô hấp thì điển hình là bài mật ong ngâm với chanh hoặc quất rất hiệu quả trong giảm ho, chống viêm, giảm xuất tiết.

Khi nghiên cứu về mật ong, người ta thấy có các enzyme, nhiều vitamin, khoảng 31 loại khoáng chất, flavonoid và polyphenol hoạt động như chất chống oxy hóa và điều hòa miễn dịch, là hai phân tử hoạt tính sinh học chính có trong mật ong.

4. Chanh

Chanh, có thể đơn giản dùng nước chanh giải khát là có tác dụng tốt. Trong đông y thường dùng cả vỏ chanh để tăng thêm tính kháng lại vi khuẩn ở đường hô hấp, nên trong trường hợp này nên dùng cả quả chanh.

Nghiên cứu về tác dụng kích hoạt hệ thống miễn dịch cơ thể chống lại virus cúm của quả họ cam chanh cho thấy nó giúp đẩy nhanh miễn dịch đặc hiệu, làm tăng hiệu quả của vaccine. Tác dụng này có được do trong quả họ cam chanh có beta sitosterol.

  Nước uống pha từ chanh, sả, mật ong có tác dụng phòng ngừa bệnh cúm hiệu quả

Nước uống pha từ chanh, sả, mật ong có tác dụng phòng ngừa bệnh cúm hiệu quả

5. Sả

Sả là một vị thuốc hay dùng để xông khi bị cảm cúm trong dân gian. Tuy nhiên trong Đông y còn dùng sả trong nhiều mục đích khác như chữa ho, giải độc, giúp làn da đẹp hơn, tóc đẹp hơn, chống đầy bụng khó tiêu, thư giãn cơ, giảm mỡ máu…

Một trong những công dụng đặc biệt của sả là sát khuẩn mà không gây hại cho cơ thể người, do đó một số người còn dùng tinh dầu sả xông trong phòng để phòng ngừa dịch bệnh.

Cách dùng mật ong, chanh, sả để phòng ngừa cúm rất đơn giản. Lấy 1-2 quả chanh, thái lát (dùng cả vỏ), khoảng 3 nhánh sả, nấu trong khoảng 5 phút với 1 lít nước, chắt lấy nước, để ấm, pha thêm 1-2 thìa (muỗng) cà phê mật ong, khuấy đều, ngày uống 1 đến 2 lần. Cũng có thể chế biến với lượng nhiều, để tủ lạnh và dùng dần. Hoặc cũng có thể dùng riêng mật ong, hòa với nước ấm để uống.

6. Hành

Hành không là gia vị giúp các món ăn thêm ngon miệng mà còn giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng trước vi khuẩn, virus.

Với những người đang bị cúm, cảm, ăn các món ăn có hành lại giúp tấn công vi khuẩn vì tính sát khuẩn rất tốt của hành. Tính sát khuẩn của hành cũng đã được các thầy thuốc Đông y áp dụng cho những bệnh nhân bị vết thương hoặc vết loét khó lành.

  Món ăn có chứa hành giúp phòng ngừa bệnh cúm, cảm lạnh hiệu quả

Món ăn có chứa hành giúp phòng ngừa bệnh cúm, cảm lạnh hiệu quả

Nghiên cứu về tác dụng tăng tính miễn dịch của hành cho thấy điểm số độ mạnh miễn dịch tăng ở nhóm sử dụng hành trong 4 tuần so với giả dược. Đặc biệt ở nhóm sử dụng liều cao thì độ mạnh miễn dịch càng tăng hơn.

Ngoài việc sử dụng các loại thảo dược Đông y để phòng bệnh cúm, một số việc khác nên làm để tăng sức đề kháng của cơ thể như:

- Tập luyện thể lực cũng nên được thực hiện đều đặn để hệ miễn dịch luôn được hoạt động tốt để phòng chống bệnh

- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng

- Uống đủ nước và nên uống nước ấm

- Sưởi nắng vào buổi sáng

- Mở cửa cho thoáng gió nếu có thể. 

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO