Quy chuẩn Sữa học đường: Bao giờ mới có?

Khi cha mẹ học sinh đang băn khoăn về chất lượng, giá thành của sữa học đường thì việc Bộ Y tế và Hiệp hội Sữa VN đề xuất: 'ngoài sữa tươi, sữa dạng lỏng cũng được tham gia SHĐ' khiến vấn đề càng phức tạp

Xem thêm

Phụ huynh hoang mang không hiểu “sữa dạng lỏng” là gì?

Theo Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, sữa tươi sẽ được sử dụng cho Chương trình Sữa học đường (SHĐ).

Cụ thể, Chính phủ đã giao Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình SHĐ, định mức, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại (tức sau 2 năm Chương trình SHĐ có hiệu lực), nhiều tỉnh thành phố đã triển khai Chương trình SHĐ tới từng trường, lớp học thì một bộ quy chuẩn về sữa học đường vẫn chưa được hoàn thiện và ban hành.

Tất cả mới chỉ đang dừng ở: “Dự thảo Thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình SHĐ cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020” do Bộ Y tế biên soạn đang chờ lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Chính vì chờ lấy ý kiến đóng góp nên trong văn bản gần đây nhất của Hiệp hội sữa Việt Nam gửi Bộ Y tế đã kiến nghị: “ Không nên chỉ quy định riêng đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường vì như thế dễ gây ra sự hiểu lầm đối với người sử dụng và thiếu công bằng đối với các nhà sản xuất”. 

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, nhóm sản phẩm phục vụ Chương trình sữa học đường sẽ bao gồm các sản phấm Sữa dạng lỏng, Sữa bột công thức, Sữa lên men, sữa đậu nành, ... đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, phù hợp nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sẽ đủ điều kiện tham gia Chương trình sữa học đường.

Cần có quy chuẩn sữa học đường để phụ huynh yên tâm.

Chính vì thế, tại hội nghị “Chuyên đề truyền thông sữa và sản phẩm sữa với dinh dưỡng học đường” do Hiệp hội Sữa Việt Nam tổ chức sáng 31/10, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự băn khoăn: “Quy chuẩn của Bộ Y tế về Sữa học đường cụ thể là thế nào? Quy chuẩn này đang đi đâu về đâu khi liên tục có sự thay đổi?

Khi các Sở GD&ĐT triển khai chương trình này tới phụ huynh học sinh, đã thông báo về việc sử dụng sữa tươi cho các con mà nay lại thêm các sữa dạng lỏng khác là sao?”

Tại hội thảo, đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế dẫn chiếu QCVN 5:1/2010 Quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng thì sữa dạng lỏng phân ra 5 loại, trong đó 4 loại là sữa tươi (gồm Sữa tươi nguyên chất thanh trùng; Sữa tươi nguyên chất tiệt trùng; sữa tươi tiệt trùng; sữa tươi thanh trùng) và loại còn lại là sữa tiệt trùng.

Cuối năm 2017, tên gọi sữa tiệt trùng đã được Bộ Y tế gọi rõ tên là sữa hoàn nguyên (sữa bột pha lại) và sữa hỗn hợp (nền tảng chủ yếu là sữa bột pha với một ít sữa tươi)

Như vậy, có thể hiểu “sữa dạng lỏng khác” là sữa bột pha lại. Hiện nay, giá sữa bột gầy (là loại sữa sau khi phun sấy khô đã tách hết chất béo và mất một số vi chất dinh dưỡng do gia nhiệt) chỉ khoảng 1.700 USD/tấn. Sau khi nhập khẩu về, các loại sữa bột này được bổ sung thêm dầu thực vật, đường, hương vị và đóng gói... Tính chi phí trên 1 ly sữa bột pha lại chỉ hơn 2.000 đồng.

Trong khi đó, Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ coi sử dụng sữa tươi cho chương trình Sữa học đường là một giải pháp bởi nó đạt được 3 mục đích: trẻ em được uống sữa tươi với đầy đủ 18 axit amin và các dưỡng chất tự nhiên phù hợp với sự hấp thu của trẻ; góp phần phát triển chăn nuôi trong nước, chủ động nguồn sữa nguyên liệu thay vì nhập khẩu sữa bột về pha lại; tạo việc làm cho nông dân

Trước việc chưa đồng thuận trong việc lựa chọn sữa cho chương trình Sữa học đường giữa Bộ Y tế, Bộ Nông Nghiệp và phát triển nông thôn và các bên liên quan, khiến nhiều phụ huynh hoang mang.

Anh Nguyễn Đức (phụ huynh học sinh quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Lẽ ra, trước khi triển khai lấy ý kiến chương trình SHĐ tới các nhà trường và phụ huynh học sinh, các Bộ, ngành liên quan đã phải thống nhất và công bố được bộ quy chuẩn chính thức về SHĐ.

Từ đó, các địa phương làm cơ sở triển khai tổ chức đấu thầu công khai minh bạch, cũng như giúp phụ huynh chúng tôi có cơ sở nhìn vào để kiểm tra, giám sát chất lượng sữa cung cấp cho con em mình có được đảm bảo an toàn về mặt sức khỏe ra sao? Chứ không phải đến giờ này vẫn còn tranh cãi và kiến nghị là sản phẩm cung cấp cho chương trình SHĐ là sữa tươi hay cả các dạng sữa lỏng khác”

Tiêu chuẩn SHĐ: Mỗi nơi, mỗi cách

Cho tới thời điểm hiện tại, Hà Nội và một số tỉnh, thành đang triển khai chương trình này.

Ngành GD&ĐT Hà Nội đã chốt được 3 đơn vị tham gia đấu thầu, chỉ ít ngày nữa sẽ biết doanh nghiệp nào trúng thầu, trở thành đơn vị cung cấp sữa cho học sinh mẫu giáo và tiểu học Thủ đô.

Nhưng trên thực tế, quy chuẩn mà phụ huynh chờ đợi, nhà trường kỳ vọng vẫn chưa thực sự rõ ràng. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế  mới đưa ra quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường (ban hành năm 2017). Quy định này cũng chưa cụ thể về các vitamin, khoáng chất bổ sung vào sữa.

Nay, Bộ Y tế lại đề xuất có thêm sữa dạng lỏng tham gia chương trình. Với các loại sữa này, quy định về vitamin, khoáng chất trong sữa ra sao, lại cần thêm thời gian để kiểm định.

Chưa có quy chuẩn chính thức nên trước băn khoăn của phụ huynh về loại sữa được chọn, có lẽ lãnh đạo ngành GD&ĐT Hà Nội đặt niềm tin vào các hãng sữa lớn có uy tín.

(Ảnh minh họa)

Ngay cả với ngành GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh – đơn vị đã triển khai chương trình Sữa học đường từ năm 2010 - tuy đạt được một số thành quả nhất định trong việc triển khai chương trình SHĐ như:  tỷ lệ trẻ thấp còi bậc mầm non giảm; số trẻ tăng từ 1, 4 – 1,5 kg, chiều cao tăng từ 2,3 – 2,4 cm, nhưng theo bà Lương Thị Bình – Trưởng phòng giáo dục Mầm Non, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh thừa nhận: tỉnh này cũng chưa đưa ra được tiêu chuẩn sữa học đường cụ thể.

Thiết nghĩ, khi chương trình SHĐ ngày càng phủ rộng trong các nhà trường, trong từng bữa ăn của hàng triệu học sinh Việt nam, càng cần thiết sớm công bố một quy chuẩn kiểm soát chất lượng sữa, sản phẩm sữa. Nếu không, mục tiêu "Sữa học đường nâng cao tầm vóc Việt" sẽ khó đạt được như kỳ vọng.

Dư luận cũng đặt câu hỏi: trong khi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có quy chuẩn về sữa tươi nguyên liệu từ năm 2017, vậy tại sao Bộ Y tế đến giờ vẫn chưa ban hành bộ quy chuẩn về sữa học đường?

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan