Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu núi Phú Sĩ ở Nhật Bản thức tỉnh?

Chuyên gia cho rằng núi Phủ Sĩ phun trào trở lại có thể trở thành “thảm họa lớn” ngay cả khi Nhật Bản đã chuẩn bị kế hoạch ứng phó.

Nhật Bản vừa công bố một báo cáo chi tiết các biện pháp đối phó cần thực hiện nếu núi Phú Sĩ phun trào và giải phóng lượng lớn tro bụi núi lửa bao phủ khu vực phía đông đất nước, bao gồm cả Tokyo.

Mặc dù không có dấu hiệu nào cho thấy hoạt động núi lửa sắp xảy ra, các nhà khoa học cảnh báo một vụ phun trào vẫn có thể trở thành “thảm họa lớn” ngay cả khi đã chuẩn bị kế hoạch ứng phó.

Núi Phú Sĩ. (Ảnh: Taro Nagoya/Wikimedia)

Núi Phú Sĩ. (Ảnh: Taro Nagoya/Wikimedia)

Báo cáo, dựa trên nghiên cứu của các chuyên gia và được chính phủ công bố hôm 21/3, ước tính rằng một vụ phun trào lớn của đỉnh núi mang tính biểu tượng nhất Nhật Bản có thể giải phóng tới 490 triệu mét khối tro bụi vào khí quyển.

Con số này gấp khoảng 10 lần lượng mảnh vỡ do trận động đất và sóng thần năm 2011 gây ra, đã tàn phá phần lớn khu vực đông bắc Nhật Bản.

Dựa trên điều kiện gió hiện tại, phần lớn tro bụi có thể bay về phía đông của núi Phú Sĩ, bao phủ khu vực từ quận Sagamihara phía tây Tokyo - cách đỉnh núi khoảng 60 km - với lượng tro dày tới 30 cm.

Hầu hết tỉnh Shizuoka, các thành phố Yokohama và Kawasaki, cũng như 23 quận của Tokyo, sẽ chịu khoảng 3 cm tro bụi, trong khi lượng nhỏ hơn có thể rơi xuống khu vực Kanto ở phía đông Nhật Bản và xa đến tận tỉnh Fukushima.

Báo cáo cũng tập trung vào các biện pháp bảo vệ người dân, trong đó chính quyền khuyến nghị người dân tìm nơi trú ẩn trong trường hợp xảy ra phun trào, để tránh lượng tro bụi lớn tích tụ trên các bề mặt. Theo báo cáo, thảm họa cấp độ 4 sẽ yêu cầu sơ tán hoàn toàn khỏi khu vực bị ảnh hưởng.

Lượng tro bụi lớn có thể khiến phương tiện giao thông ngừng hoạt động, làm gián đoạn nguồn cung cấp điện và thiết bị điện tử. Chỉ cần 10 cm tro bụi cũng đủ khiến xe bốn bánh không thể hoạt động.

Giáo sư Takeshi Sagiya tại Trung tâm Nghiên cứu Địa chấn, Núi lửa và Giảm thiểu Thảm họa của Đại học Nagoya, cho biết tro bụi núi lửa có thể gây ra vô số vấn đề không lường trước.

“Loại tro bụi này bao gồm các mảnh đá nóng chảy nhỏ li ti, thực chất là một loại bột thủy tinh rất mịn”, ông nói. “Bột này có thể phá hủy bất kỳ thiết bị điện tử nào nó xâm nhập vào, làm xước bề mặt nếu ai đó cố lau sạch. Nó cũng có thể làm sập nhà cửa, ùn tắc giao thông và dừng hoạt động đường sắt”.

Giáo sư Sagiya nói thêm: “Thậm chí, tro bụi còn nguy hiểm hơn với máy bay đang bay vì nó có thể làm ngừng động cơ khi bị hút vào”. Ông đề cập đến tình trạng hỗn loạn mà các hãng hàng không toàn cầu phải đối mặt trong nhiều tháng sau vụ phun trào núi lửa ở Iceland năm 2010.

“Việc dọn dẹp 30 cm tro bụi trên một khu vực rộng lớn hoàn toàn khác so với dọn cùng một lượng tuyết”, ông Sagiya nói. “Không nơi nào có thể chứa được lượng tro bụi khổng lồ đó và giao thông sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng”.

Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy núi Phú Sĩ cao 3.776 m sẽ phun trào trong thời gian tới, nhưng các cơ quan chức năng vẫn đang theo dõi sát sao vì Phú Sĩ được xếp loại là núi lửa đang ngủ yên, chứ không phải đã tắt.

Núi Phú Sĩ lần cuối phun trào vào tháng 12/1707, sau hai năm xảy ra các trận động đất ở chân núi. Được biết đến với tên gọi vụ phun trào Hoei, sự kiện này đã tạo ra một miệng núi lửa ở sườn tây nam của núi, vẫn còn có thể nhìn thấy đến ngày nay.

Vụ phun trào khi đó kéo dài 16 ngày đã đẩy đá bọt, tro và tro bụi vào tầng bình lưu, nơi các luồng gió trên cao thổi về phía đông. Vụ phun trào giải phóng khoảng 800 triệu mét khối tro bụi, phủ kín trung tâm Edo - ngày nay là Tokyo - với lớp tro bụi dày đến vài centimet.

Vụ phun trào ảnh hưởng nặng nề đến mùa màng, dẫn đến nạn đói trên diện rộng vào năm sau đó, đồng thời phá hủy các công trình gỗ truyền thống. Không có số liệu thống kê đáng tin cậy nào về số người chết do vụ phun trào hoặc hậu quả của thảm họa.

Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương tại các khu vực xung quanh núi Phú Sĩ đã xây dựng bản đồ thảm họa và lên kế hoạch sơ tán để cư dân tránh dòng dung nham có thể xảy ra. Người dân cũng được hướng dẫn tích trữ nhu yếu phẩm như thực phẩm, nước và vật tư y tế.

“Chính phủ đã rất có trách nhiệm khi chuẩn bị kế hoạch ứng phó, nhưng nếu xảy ra một vụ phun trào tương tự như năm 1707, chúng ta vẫn có thể đối mặt với một thảm họa lớn”, ông Sagiya nói.

Anh Thịnh (Theo SCMP)

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/ 

Mã số chuẩn quốc tế (ISSN): e-ISSN 3093-3269

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: toasoan@giadinhmoi.vn 

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính