Ngày 31/10, Hiệp hội Sữa Việt Nam tổ chức hội thảo “Chuyên đề truyền thông sữa và sản phẩm sữa với dinh dưỡng học đường” với sự tham gia của đại diện Sở Giáo dục & Đào tạo một số tỉnh như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và đặc biệt Phòng Giáo dục & Đào tạo của 10 quận, huyện của Hà Nội cũng như một trường mầm non, tiểu học quận Cầu Giấy…
Tại hội thảo vẫn còn những ý kiến trái ngược nhau giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chỉ sử dụng loại sữa tươi hay bổ sung thêm các loại sữa khác cho Chương trình sữa học đường (SHĐ)
Hiệp hội sữa Việt Nam muốn mở rộng các sản phẩm sữa trong Chương trình SHĐ
Theo Ban tổ chức hội thảo, ngày 17/9/2018 vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản số 5454 – BYT/ATTP đề xuất với Chính Phủ: ngoài sản phẩm sữa tươi, các sản phẩm sữa dạng lỏng cũng được tham gia Chương trình Sữa học đường.
Trong báo cáo gửi Chính Phủ của Bộ Y tế nêu rõ: Triển khai Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 theo Quyết định số 1340/QĐ –TTg của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/QĐ- BYT (28/9/2016) quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường.
Hiện tại, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Quyết định của Bộ Y tế về việc quy định sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường, với sự tham gia góp ý của cơ quan chức năng và đơn vị có liên quan.
Tuy nhiên trên cơ sở góp ý, đặc biệt ý kiến của Hiệp hội sữa Việt Nam cho rằng: “Việc ban hành chỉ đối với sản phẩm sữa tươi sẽ dẫn tới việc hạn chế sự lựa chọn các loại sữa khác trong khi các sản phẩm sữa khác vẫn có thể đáp ứng mục tiêu dinh dưỡng của Chương trình Sữa học đường.
Quy định “cứng” như trên sẽ tạo ra rào cản tham gia thị trường của nhiều doanh nghiệp, cụ thể: chỉ có các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp sản phẩm sữa tươi mới có thể tham gia chương trình, còn các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các sản phẩm sữa khác không được tham gia chương trình. Trong khi nhiều sản phẩm khác đã được Bộ Y tế cấp công bố cho phép lưu hành sử dụng cho lứa tuổi học đường.
Đủ sữa tươi cho học đường mà không cần loại khác
Đáng chú ý, theo báo cáo của Hiệp hội sữa Việt Nam, sản lượng sữa tươi trong nước mới đáp ứng được khoảng 34% nhu cầu của cả nước.
Thế nhưng, TS.Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) khẳng định, sản lượng sữa nguyên liệu từ đàn bò trong nước hoàn toàn cung cấp đủ cho chương trình SHĐ. Thậm chí, hiện mỗi năm chúng ta còn xuất khẩu được một lượng sữa tươi trị giá khoảng 300 triệu USD.
TS Chinh dẫn số liệu: Năm 2017, sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước là 801 ngàn tấn. Đến năm 2018, dự kiến tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu đạt trên 980.000 tấn. Như vậy, chỉ tiêu đến năm 2020 là 1 triệu tấn trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 là hoàn toàn có thể đạt được. Cục Chăn nuôi cũng đã ước tính về nhu cầu tiêu dùng của Chương trình SHĐ, cũng như khả năng cung ứng của ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trong nước.
Theo đó, với nhu cầu mỗi học sinh sử dụng 180ml sữa/ngày nhân với 260 ngày đến lớp nhân với khoảng 11 triệu học sinh (mẫu giáo đến lớp 6) thì sản lượng sữa cần cho chương trình sữa học đường khoảng 514.000 tấn, tương đương 22.000 tỷ đồng.
"Nhu cầu sữa tươi nguyên liệu chế biến cho Chương trình SHĐ tại các doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng được” - ông Chinh khẳng định.
Cũng theo TS Chinh, việc ưu tiên sử dụng sữa tươi còn thúc đẩy tăng trưởng đàn bò sữa trong nước, tạo việc làm cho nông dân; hạn chế nhập khẩu sữa bột vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm, chiến tranh thương mại...
Do vậy, khi chưa có văn bản nào thay thế, bổ sung thì nên tuân thủ theo Quyết định 1340 của Thủ tướng Chính phủ, sử dụng sữa tươi, có thể áp dụng sữa thanh trùng, tiệt trùng tùy điều kiện cho từng trường, từng địa phương.
Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Sữa học đường (SHĐ) để cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Chương trình đặt ra 7 mục tiêu, trong đó đến năm 2020, 100% học sinh mẫu giáo và tiểu học ở các huyện nghèo, 70% học sinh mẫu giáo và tiểu học ở các vùng nông thôn, thành thị được uống sữa theo chương trình SHĐ.
Đặc bieeth, mục tiêu quan trọng và bao trùm là đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi ở nước ta tăng 1,5-2 cm ở cả trẻ trai và trẻ gái so với năm 2010.
Kinh phí thực hiện chương trình được huy động từ ngân sách địa phương, sự tham gia hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước; sự đóng góp của gia đình và cộng đồng.
B.ABạn đang xem bài viết Chương trình sữa học đường: Ngoài sữa tươi, có cần bổ sung loại sữa dạng lỏng khác? tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].