Đầu bếp ăn dặm chỉ cách tạo hứng thú cho trẻ trong chặng đường ăn dặm, giúp mẹ nhàn tênh

Linh Ly
Cho con ăn dặm thế nào để nuôi con không còn là "cuộc chiến" là điều mà nhiều cha mẹ đang tìm kiếm. Vậy làm cách nào để giúp trẻ ăn dặm ngon miệng, hứng thú, cha mẹ nhàn tênh?

Chia sẻ với Gia Đình Mới về chủ đề này, đầu bếp ăn dặm Hoàng Cường - CEO Công ty FamiCook cho biết, trước khi bước vào giai đoạn ăn dặm, trẻ trải qua quá trình bổ sung dinh dưỡng hoàn toàn từ sữa mẹ hoặc sữa công thức (với những trường hợp người mẹ ít sữa, không có sữa).

Khi trẻ lớn dần lên, nhu cầu dưỡng chất và năng lượng cung cấp cho cơ thể ngày càng tăng. Đến khoảng 6 tháng tuổi, sữa mẹ hay sữa công thức không còn đáp ứng đủ cho quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ nữa. Lúc này, trẻ cần làm quen và chuyển sang giai đoạn ăn dặm song song với sữa mẹ hay sữa công thức.

“Để con hứng thú với quá trình ăn dặm, có một từ khóa mà cha mẹ cần nhớ là “để con được đói đúng cách”.

Chỉ khi cha mẹ để con được đói đúng cách thì đến bữa ăn con mới có thể ăn ngon, ăn tốt được. Còn đến bữa ăn mà con lửng dạ thì trẻ sẽ không có hứng thú ăn uống gì, dù cha mẹ có nấu rất ngon, rất đẹp mắt” – đầu bếp Hoàng Cường chia sẻ bí kíp.

Để con được đói đúng cách thì đến bữa con mới hào hứng ăn và ăn ngon miệng

Để con được đói đúng cách thì đến bữa con mới hào hứng ăn và ăn ngon miệng

Nói rõ hơn về việc cho trẻ được đói đúng cách, vị đầu bếp ăn dặm này chỉ rõ, cho trẻ đói đúng cách không phải là cha mẹ thấy con không thích ăn thì cho con nhịn.

Đói đúng cách ở đây là: Phải có quy tắc bàn ăn với trẻ; Phải thiết lập lịch sinh hoạt phù hợp với trẻ; Giờ nào ăn sáng, giờ nào ăn trưa, giờ nào ăn tối, giờ nào ăn bữa phụ; Các bữa ăn chính phải cách nhau khoảng 4 tiếng…

Ví dụ, cha mẹ có thể thiết lập lịch sinh hoạt cho trẻ với khung giờ như sau: 7 giờ cho trẻ ăn sáng, 11 giờ cho trẻ ăn trưa và 6 giờ cho trẻ ăn tối. Khoảng cách giữa bữa trưa và bữa tối sẽ thêm 1 bữa phụ lúc 15 giờ, thêm 1 bữa sữa buổi tối trước khi trẻ đi ngủ.

Trẻ chỉ cần ăn 5 bữa như vậy là đủ năng lượng, không nhất thiết phải ăn quá nhiều bữa. Vì việc chia ra quá nhiều bữa ăn vừa gây mệt mỏi cho người ăn là trẻ, vừa mệt cho người chuẩn bị bữa ăn là cha mẹ, ông bà.

Khi đến bữa ăn, cha mẹ cho trẻ ngồi vào bàn ăn và thực hiện quy tắc 3 cơ hội. Cha mẹ mời con ăn bình thường, nếu trẻ không muốn ăn trẻ sẽ thể hiện bằng các cử chỉ như lắc đầu, ngoảnh mặt đi, đòi cái này, đòi cái kia, đòi ra ngoài, hất đồ ăn…

Đầu bếp ăn dặm Hoàng Cường - CEO Công ty FamiCook

Đầu bếp ăn dặm Hoàng Cường - CEO Công ty FamiCook

“Với con trai tôi, trong bữa ăn, nếu con không muốn ăn thì con thường lấy cớ là con đau bụng. Khi đó, tôi sẽ mời lại con: “Con có ăn nữa không? Nếu con không ăn nữa thì bố mẹ dọn nhé!”

Tôi hỏi con như vậy khoảng 2 – 3 lần, nếu con vẫn không ăn thì tôi sẽ dọn bữa ăn. Sau đó, tôi không cho con ăn vặt, ăn bù gì hết, đến bữa tiếp theo con mới được ăn. Cha mẹ kiên trì như vậy sẽ rèn được nếp ăn tốt cho con và giải quyết được vấn đề biếng ăn ở trẻ.

"Tất nhiên là sẽ có sự điều chỉnh trên từng trẻ vì mỗi trẻ là những cá thể độc lập, không trẻ nào giống nhau. Nhưng về cơ bản thì phải có quy tắc, rèn kỷ luật cho trẻ thì con mới ăn tốt và mẹ mới nhàn được” – đầu bếp ăn dặm Hoàng Cường chỉ cách.

"- Cha mẹ sắp xếp được lịch sinh hoạt khoa học và kiên trì theo được thì con có đồng hồ sinh học thông minh.

- Cha mẹ lên được thực đơn đa dạng dinh dưỡng thì con ăn uống được đa dạng chất và lượng.

- Cha mẹ nấu chuẩn và nấu ngon thì con được ăn đầy đủ chất và ăn ngon hơn.

- Cha mẹ tôn trọng con khi vào bữa ăn bằng cách cho ăn đúng và có quy tắc thì con sẽ vui vẻ hào hứng mỗi khi vào bữa ăn.

- Cha mẹ để cho con được đói khi vào bữa thì con sẽ thèm ăn và ăn ngon miệng hơn".

                                                                        - Đầu bếp ăn dặm Hoàng Cường -

Những dấu hiệu quan trọng nhận biết nhu cầu trẻ bắt đầu ăn dặm

- Trẻ tỏ ra thích thú với bữa ăn của người lớn: Khi người lớn ăn cơm, nếu trẻ há miệng và không ngừng cử động tay chân, đó chính là dấu hiệu trẻ muốn ăn, trẻ muốn được thử sức với các loại đồ ăn, thức ăn khác ngoài sữa mẹ.

- Trẻ có thể tự ngồi khi có người đỡ: Cha mẹ có thể quan sát thấy trẻ ngồi cứng cổ và vững khi bạn đỡ trẻ. Thời điểm này cha mẹ có thể tập cho trẻ ăn dặm.

- Trẻ có biểu hiện nhanh đói: Cha mẹ có thể quan sát thấy trẻ đòi ăn, thèm ăn mặc dù chưa đến cữ bú thông thường, lúc này cha mẹ có thể cho trẻ bắt đầu ăn dặm.

- Phản xạ bú, khả năng bú của trẻ giảm đi: Khi cha mẹ thấy trẻ đói, đòi ăn nhưng khi cho thìa vào miệng mà trẻ ít dùng lưỡi để mút (giảm phản xạ bú) cũng là một dấu hiệu.

- Trẻ có phản xạ ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn ăn món ăn nào đó.

- Cân nặng: Thông thường thời điểm bắt đầu cho bé ăn dặm cân nặng của trẻ thường gấp đôi hoặc hơn so với thời điểm mới sinh.

Empty

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính