GS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Điểm danh những sai lầm khi cho con ăn dặm khiến trẻ lười ăn

Ly Linh
Cho trẻ ăn dặm (ăn bổ sung) một cách khoa học và hợp lý sẽ giúp trẻ giúp trẻ hấp thu đủ dưỡng chất, phát triển toàn diện, tăng đề kháng để không bị ốm vặt.

Trẻ nhỏ cần được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Trong trường hợp người mẹ ít sữa, không có sữa hoặc có vấn đề về sức khỏe không thể cho con bú thì có thể cho trẻ sử dụng sữa công thức. Sau 6 tháng tuổi, trẻ cần được cho ăn bổ sung hợp lý để đáp ứng với nhu cầu phát triển của trẻ, đồng thời tiếp tục duy trì cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức ít nhất cho đến khi trẻ được 18 - 24 tháng.

Ăn bổ sung (ăn dặm) là quá trình trẻ chuyển từ chế độ ăn hoàn toàn từ sữa mẹ, sữa công thức sang chế độ ăn kết hợp với các loại thức ăn thô khác như bột, cháo, rau củ, hoa quả… Ăn bổ sung một cách khoa học và hợp lý sẽ giúp trẻ dễ dàng hấp thụ đủ dưỡng chất và phát triển toàn diện.

Hiện, có 3 phương pháp ăn dặm đang được nhiều mẹ bỉm sữa áp dụng gồm: Ăn dặm kiểu truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm bé chỉ huy. Mỗi phương pháp ăn dặm nói trên đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Tùy vào thể trạng của em bé và hoàn cảnh gia đình mà cha mẹ sẽ lựa chọn phương pháp ăn dặm phù hợp với con mình.

Nhưng cha mẹ cần nhớ những nguyên tắc khi cho con ăn dặm là: cho trẻ ăn từ ít đến nhiều, tăng dần về số lượng, từ lỏng đến đặc, cho con ăn đa dạng các loại thực phẩm, chia thành các bữa… Việc cha mẹ cho trẻ ăn dặm không đúng có thể gây ra các vấn đề về rối loạn tiêu hóa, trẻ phát triển chậm đi, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tầm vóc của trẻ và ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ.

GS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai

GS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, trong quá trình bắt đầu cho con ăn dặm, không ít cha mẹ mắc phải những sai lầm dưới đây khiến trẻ lười ăn, bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết dẫn đến trẻ suy dinh dưỡng, hay ốm vặt.

1. Cha mẹ cho trẻ ăn dặm quá sớm

Nhiều cha mẹ tập cho trẻ ăn dặm quá sớm (từ 3 - 4 tháng tuổi). Đây là sai lầm vô cùng tai hại, có thể làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ. Cha mẹ cần nhớ, trẻ dưới 6 tháng tuổi sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho con. Thời điểm thích hợp nhất để cho bé ăn dặm là từ 6 tháng tuổi.

2. Trộn và xay nhuyễn nhiều loại thực phẩm với nhau

Cho nhiều loại thực phẩm vào máy xay nhuyễn rồi nấu thành cháo, bột cho con ăn là cách mà nhiều cha mẹ đang áp dụng để chế biến đồ ăn dặm cho con.

Với cách làm này, cha mẹ cứ tưởng con sẽ được ăn đủ chất từ nhiều loại thực phẩm trong một bữa ăn và thức ăn được xay nhuyễn con sẽ dễ dàng tiêu hóa hơn. Tuy nhiên, cách cho con ăn dặm này là sai lầm, bởi việc xay nhuyễn các loại thực phẩm khiến trẻ không được học nhai, chỉ biết nuốt chửng, từ đó không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dẫn đến nhanh chán, lười ăn.

Hơn nữa, trẻ mới tập làm quen với các loại thực phẩm thì có thể sẽ gặp phải tình trạng dị ứng, nếu trộn chung các loại thực phẩm trong một bát cháo sẽ không biết trẻ bị dị ứng với thực phẩm nào để tránh sau này.

Cha mẹ cần hiểu rõ, các chuyên gia dinh dưỡng, nhi khoa thường khuyên cho con ăn đa dạng thực phẩm tức là thay đổi nhiều loại thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày, chứ không phải bữa nào cũng giống nhau với đủ loại thực phẩm trộn lẫn và xay nhuyễn nấu thành một bát cháo, bột không rõ mùi vị.

Xay nhuyễn các loại thực phẩm khi chế biến đồ ăn dặm cho con sẽ khiến trẻ không được học nhai, chỉ biết nuốt chửng. Ảnh minh họa

Xay nhuyễn các loại thực phẩm khi chế biến đồ ăn dặm cho con sẽ khiến trẻ không được học nhai, chỉ biết nuốt chửng. Ảnh minh họa

3. Cho trẻ ăn quá ít hoặc quá nhiều rau, củ, quả

Trong quá trình trẻ ăn dặm, cha mẹ cho trẻ ăn quá nhiều hoặc quá ít rau, củ, quả đều không tốt cho trẻ. Cha mẹ cần nhớ, dạ dày của trẻ rất nhỏ nên trẻ chỉ ăn được một lượng thưc phẩm nhất định. Nếu bổ sung nhiều rau, củ, quả trong khẩu phần ăn thì đồng nghĩa với việc giảm số lượng thực phẩm có nguồn gốc động vật, giảm tinh bột trong bữa ăn của trẻ và sẽ dẫn đến trẻ bị thiếu chất.

Hơn nữa, việc cha mẹ lựa chọn rau củ cho con ăn cũng chưa khoa học. Ví như thay vì cho trẻ ăn phong phú các loại rau, củ thì cha mẹ chỉ chọn những loại hạt, củ quả như hạt đậu, cà rốt, bí đỏ… ăn thường xuyên gây đơn điệu mùi vị và nhàm chán cho trẻ… Trong khi đó, những loại rau có lá màu xanh đậm lại rất tốt cho trẻ.

Ngoài ra, việc bổ sung ít rau, củ, quả trong bữa ăn cũng không tốt cho trẻ vì khiến trẻ dễ bị táo bón. Tốt nhất, cha mẹ nên phối hợp đa dạng các loại rau, củ, quả để bữa ăn của trẻ luôn thay đổi màu sắc, mùi vị và hấp dẫn.

Cha mẹ cũng không nên ninh/hầm các loại rau củ quá lâu hay lưu giữ lâu trong tủ lạnh gây mất chất dinh dưỡng và dễ bị nhiễm khuẩn thức ăn trong quá trình bảo quản.

Cho trẻ ăn quá ít hoặc quá nhiều rau, củ, quả đều không tốt cho trẻ, cha mẹ nên cho trẻ ăn vừa đủ và đa dạng các loại rau, củ, quả. Ảnh minh họa

Cho trẻ ăn quá ít hoặc quá nhiều rau, củ, quả đều không tốt cho trẻ, cha mẹ nên cho trẻ ăn vừa đủ và đa dạng các loại rau, củ, quả. Ảnh minh họa

4. Cho trẻ ăn quá nhiều đạm

Không ít cha mẹ nghĩ rằng, cho con ăn nhiều thịt, cá, trứng… sẽ giúp con tăng cân nhanh. Tuy nhiên, đây lại là sai lầm nghiêm trọng, bởi chế độ ăn quá nhiều đạm có thể gây rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, thiếu hụt vi chất cho trẻ.

Để bổ sung đủ dưỡng chất, chế độ ăn của trẻ phải đa dạng các nhóm thực phẩm, ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm (nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng - xanh thẫm).

5. Không bổ sung dầu, mỡ cho trẻ

Bổ sung dầu, mỡ vào bữa ăn hàng ngày của trẻ là việc rất quan trọng, giúp trẻ có đủ năng lượng cần thiết để phát triển trí não, phát triển thể chất. Hơn nữa, dầu và mỡ giúp hòa tan các chất, vitamin như A, D, E… khiến cơ thể dễ hấp thu.

6. Chỉ cho trẻ ăn nước mà không ăn cái

Nhiều cha mẹ thường có thói quen ninh xương, xay thịt, xay rau… rồi lọc lấy nước để nấu cháo, bột cho con và bỏ phần cái vì sợ trẻ bị hóc, ói. Hoặc khi cho con ăn hoa quả cũng xay, ép lấy nước cho con uống và bỏ phần cái. Cách làm này dẫn tới mất đi lượng lớn chất dinh dưỡng, chất xơ trong thực phẩm.

7. Không quan tâm cho trẻ uống nước

Không ít cha mẹ nghĩ rằng trẻ nhỏ chỉ cần ăn mà không cần uống hoặc trong đồ ăn dặm của trẻ (cháo, súp, sữa) đã có sẵn nước nên không cần cho trẻ uống thêm nước. Sai lầm này của cha mẹ sẽ làm cho cơ thể trẻ thiếu nước, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa của trẻ, gây ra tình trạng táo bón kéo dài.

Vậy nên, để tốt cho quá trình tiêu hóa của trẻ, để giúp cho các cơ quan trong cơ thể trẻ hoạt động trơn tru, cha mẹ cần hình thành thói quen cho trẻ uống nước hàng ngày.

banner-mobile-3-2-1920

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính