Học sinh Hà Nội: Không phải ngày nào cũng được uống sữa!

Theo Sở GD& ĐT Hà Nội, với mức đóng tiền ăn bán trú hiện nay của phụ huynh học sinh, nhiều trường ở Hà Nội chưa đủ điều kiện thực hiện thực đơn chuẩn "Bữa ăn học đường" do Viện Dinh dưỡng quốc gia xây dựng

Trước thắc mắc của rất nhiều phụ huynh ở Hà Nội về việc có cần thiết phải bổ sung sữa trong bữa ăn học đường hàng ngày cho trẻ sau khi ngành giáo dục Hà Nội chính thức cho triển khai chương trình sữa học đường từ năm học 2018 - 2019, PGS.TS Bùi Thị Nhung – Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia thẳng thắn nêu quan điểm: “Sữa học đường là một thành phần không thể thiếu của bữa ăn học đường, nhất là đối với học sinh mầm non, tiểu học.

  PGS.TS Bùi Thị Nhung khẳng định:

PGS.TS Bùi Thị Nhung khẳng định: "Sữa học đường là cần thiết nhưng nên bổ sung các thành phần khác trong bữa ăn học đường để có hiệu quả tốt nhất".

Bởi sữa và các chế phẩm sữa là 1 trong 8 nhóm thực phẩm được tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo trong bữa ăn hàng ngày, là một nhóm thực phẩm có mặt ở tháp dinh dưỡng của tất cả các nước trên thế giới.

Năm 2015, Viện dinh dưỡng quốc gia đã xây dựng Bộ thực đơn Bữa ăn học đường. Bộ thực đơn này dành cho các nhà trường, trong đó có 40 bữa ăn khác nhau, không lặp lại, trong đó có nhắc tới vai trò quan trọng của sữa đối với sự phát triển của trẻ"- bà Nhung nhấn mạnh.

"Trên thực tế, đã có một số trường sử dụng sữa trong các bữa phụ cho trẻ nhưng vẫn chưa đồng đều, không phải ngày nào trẻ cũng được dùng sữa. Một số trường do điều kiện kinh tế của phụ huynh khó khăn, mức kinh phí đóng góp tiền ăn còn thấp nên không mấy khi học sinh được uống sữa trong các bữa phụ"- PGS.TS Bùi Thị Nhung phân tích. 

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tuấn – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, mức đóng góp tiền ăn bán trú hiện nay cho học sinh, nhiều trường mầm non và tiểu học ở Hà Nội chưa đủ điều kiện để thực hiện thực đơn chuẩn "Bữa ăn học đường" do Viện Dinh dưỡng quốc gia phối hợp xây dựng.

"Nguyên nhân là bởi để có thể thực hiện được thực đơn chuẩn này, kinh phí đóng góp phải đạt 20.000 – 25.000 đồng/ngày. Song hiện nay, hầu hết các trường ngoại thành mới đóng ở mức 15.000 đồng/ngày, nội thành 20.000 đồng/ngày.

Theo khảo sát của chúng tôi, một số trường mầm non, tiểu học đã sử dụng sữa trong các bữa ăn phụ tại trường, nhưng chưa đồng đều, không phải ngày nào các em cũng được uống sữa. Chính vì thế mà việc triển khai chương trình sữa học đường ở các trường Hà Nội nhằm bổ sung sữa học đường mỗi ngày cho trẻ"- ông Tuấn cho hay.

  Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, với mức đóng góp hiện nay của phụ huynh, nhiều trường chưa thể thực hiện được thực đơn

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, với mức đóng góp hiện nay của phụ huynh, nhiều trường chưa thể thực hiện được thực đơn "Bữa ăn học đường" theo chuẩn của Viện Dinh dưỡng Quốc gia

PGS. TS Bùi Thị Nhung cũng cho biết thêm: "Một số trường quan niệm cần thay đổi các bữa ăn phụ bằng bánh quy, bánh rán, bánh giò… để các con không bị ngán. Nhưng tôi khuyên rằng, nên sử dụng sữa đều đặn cho trẻ để các em có nền tảng phát triển chiều cao, cân nặng hợp lý. Bởi cứ 100ml sữa thì bổ sung tới 70kcal, một tỷ lệ hợp lý để trẻ phát triển khỏe mạnh".

PGS. TS Bùi Thị Nhung cũng nhấn mạnh: "Bổ sung mỗi ngày một lượng sữa nhất định cho trẻ là rất tốt cho sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, tất cả chúng ta phải hiểu rằng, không nên chỉ chú trọng tới sữa học đường mà xem nhẹ các thành phần khác của bữa ăn học đường.

Có thể không nhất thiết phải đưa ra các chương trình “Thịt bò học đường”, “Rau học đường”… nhưng các nhà quản lý giáo dục nên chú trọng bổ sung đầy đủ tất cả những thành phần cần thiết của một bữa ăn học đường, khi đó chương trình Sữa học đường mới có được hiệu quả.

Trước đó, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia từng cảnh báo: “Không chỉ sữa, về lâu dài, chúng ta phải cải tiến bữa ăn học đường”.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, từ năm học 2018-2019, hơn 3,9 triệu học sinh mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn Hà Nội sẽ được uống sữa năm lần/tuần theo Ðề án Chương trình Sữa học đường.

Chương trình này nhằm thực hiện Đề án Sữa học đường của Chính Phủ, với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội

 Học sinh nghèo, cận nghèo, học sinh dân tộc thiểu số, diện chính sách được uống sữa miễn phí. Ngân sách thành phố hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%. 

Bảo An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính