Những làng nghề truyền thống nổi tiếng Thanh Hóa

Thanh Hóa nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống, lưu giữ những giá trị về sản vật địa phương, văn hóa và giúp người dân làm giàu.

Tính đến năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã Quyết định công nhận được 116 nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống cho 14 địa phương. Trong đó, có 30 nghề truyền thống, 29 làng nghề và 57 làng nghề truyền thống. 

Làng nghề truyền thống không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị vượt thời gian mà còn tiềm năng hứa hẹn cho việc phát triển kinh tế.

Theo dòng chảy thời gian, làng nghề truyền thống tại Thanh Hóa không bị mất đi, mà được phát triển phù hợp với thời cuộc, thu hút nhiều người về quê làm giàu, lập nghiệp trên đất quê hương.

Làng nghề chè lam Phủ Quảng

Phủ Quảng nay là thị trấn Vĩnh Lộc, thuộc huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa). Nghề làm chè lam ở đây xuất hiện từ thời Hồ Quý Ly lên làm vua, chọn thành nhà Hồ làm kinh đô.

truyen-thong-thanh-hoa-13

Chè lam Phủ Quảng - Thức quà của người xứ Thanh (Ảnh: Báo Dân Việt)

Đây là làng nghề lâu đời, nổi tiếng tại xứ Thanh và nhiều nơi khác với hương vị đặc biệt. Chè lam Phủ Quảng được làm với bí quyết riêng, có vị dẻo thơm của gạo nếp, vị bùi của lạc, vị cay dịu của gừng, vị ngọt đậm từ mật mía.

Đặc biệt mật mía được lấy ở huyện Thạch Thành, nơi được coi là đất mía của tỉnh với vị ngọt đậm và sóng sánh hiếm có. Miếng chè lam có màu nâu nhạt, hoa trắng do lạc tạo nên.

Khác với chè lam truyền thống ăn dẻo thơm, chè lam Phủ Quảng lại giòn tan, chỉ cần vỗ nhẹ một cái là vỡ ra thành từng mảnh nhỏ. Chè lam thường được thưởng thức cùng nước chè xanh, cho hương vị thêm hòa quyện.

Làng nghề nước mắm Ba Làng

Nước mắm Ba Làng là niềm tự hào của người dân xứ Thanh, nằm tại xã Hải Thanh (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Đây là làng nghề tồn tại và phát triển suốt gần 40 năm qua.

truyen-thong-thanh-hoa-3

Các nghệ sĩ của chương trình "Về quê làm giàu" trải nghiệm quá trình làm nước mắm Ba Làng (Ảnh: Về quê làm giàu)

Công thức chế biến và phương pháp ủ chượp cá được truyền lại qua nhiều đời, đảm bảo chất lượng cũng như hương vị đặc trưng của nước mắm Ba Làng. Hương vị nước mắm nơi đây đậm đà, không quá gắt, không lẫn với bất kỳ sản phẩm nào khác trên thị trường.

Bí quyết đầu tiên để có nước mắm thượng hạng nằm ở nguyên liệu. Cá phải thật tươi, được muối ngay trên tàu để giữ trọn độ đạm tự nhiên. Người dân Ba Làng còn có một nguyên tắc quan trọng: muối dùng để làm mắm phải được ủ từ 1-2 năm để loại bỏ hết vị chát, giúp nước mắm có vị mặn thanh mà không gắt.

Một trong những điểm làm nên sự khác biệt chính là sự kết hợp giữa nguyên liệu tinh tuyển và bí quyết gia truyền. Mỗi hộ gia đình làm mắm lại có những bí kíp riêng, được truyền lại qua nhiều thế hệ. 

Làng chiếu cói Nga Sơn 

Thương hiệu chiếu cói Nga Sơn nổi tiếng của Thanh Hóa từ lâu, tại huyện Nga Sơn có 8 huyện đều trồng cói. Sản phẩm được dệt thủ công, sợi chiếu nhỏ, mềm và óng mượt. Chiếu cói Nga Sơn đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, trang trí và giá cả. 

truyen-thong-thanh-hoa-8

Chiếu cói Nga Sơn nổi tiếng khắp nơi nhiều năm qua (Ảnh Tạp chí Thương hiệu và Pháp luật)

Nói đến chiếu cói Nga Sơn, nhiều người nghĩ ngay đến vật biểu trưng cho niềm hạnh phúc lứa đôi, gia đình truyền thống…Làng nghề truyền thống được lưu truyền qua bao đời, bao thế hệ.

Ngày nay, sản phẩm chiếu cói Nga Sơn được phân phối đi khắp nơi trên cả nước với chất lượng tốt. Từ nhiều năm trước, các hộ sản xuất chiếu tại Nga Sơn đã liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, xuất khẩu chiếu rộng rãi đến các quốc gia.

Làng nem chả Đông Hương

Nói đến Thanh Hóa, chắc chắn không thể không nhắc về nem chua, đây được xem là niềm tự hào nơi xứ Thanh. Nem chả Đông Hương là một trong những làng nghề về nem chua truyền thống lâu đời, đặc biệt bởi công thức bí truyền, nguyên liệu được lựa chọn khéo léo. 

htp01418-1552

Nem chua là đặc sản phải thử khi đến Thanh Hóa (Ảnh: Về quê làm giàu)

Nem được làm bằng thịt lợn nạc lọc kỹ để bỏ gân, giã nhỏ mịn. Bì lợn cạo sạch, luộc chín thái chỉ trộn với thịt nạc xay, nêm muối tinh rang khô, nước mắm ngon, mì chính hạt tiêu và thính.

Thính được làm từ gạo rang chín vàng thơm rồi xay thật nhỏ. Người làm nem khéo léo lót một nhánh lá đinh lăng bánh tẻ nhỏ, đôi ba lát tỏi mỏng và ít lát ớt tươi rồi dùng lá chuối gói lại sao cho chặt và kín. 

Tại Đông Hương, nem chả dường như được bán quanh năm, không riêng gì lễ tết. Đây là món ăn hằng ngày và cũng là món quà mà nhiều du khách mua về biếu tặng. Ngoài sản phẩm đặc trưng là nem, giò, chả, tại Đông Hương còn nổi tiếng với món chả rán béo ngậy.

Hiện nay, nem giò chả Đông Hương được bán ở khắp nơi trên cả nước với chất lượng và giá cả phải chăng.

Làng nghề bánh gai Tứ Trụ

Làng nghề bánh gai Tứ trụ thuộc làng Mía (xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) từ lâu nổi tiếng với hương vị thơm ngon, dân dã.

Quy trình để làm ra chiếc bánh gai rất kỳ công, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mẩn và con mắt nghề lâu năm của người thợ lành nghề.

banh-gai

Bánh gai Tứ Trụ với hương vị đặc biệt, khiến người ăn nhớ mãi về xứ Thanh (Ảnh Báo Thanh Hóa).

Một chiếc bánh gai đạt yêu cầu phải vừa dẻo mịn, vừa thơm đặc trưng của lá chuối tiêu, hòa quyện vị dịu mát của lá gai, gạo nếp, mật mía, phảng phất hương thơm dầu chuối, ngọt thanh của nhân đậu, bùi của dừa khô, đậm đà của thịt nạc…

Nhiều gia đình ở làng Mía thoát nghèo nhờ nghề làm bánh gai truyền thống. Hiện tại nhiều người dân vẫn giữ nghề làm bánh gai, duy trì và phát triển, lan rộng đến nhiều vùng miền trên cả nước.

Làng nghề dệt sợi gai

Dệt sợi gai là nghề đặc trưng của người Thổ, sống ở vùng núi Như Xuân, lâu đời và mang bản sắc tinh hoa, văn hóa xứ Thanh. Sợi gai được dệt từ vỏ cây gai, qua bàn tay khéo léo của người dân.

truyen-thong-thanh-hoa-12

Làng nghề dệt sợi gai mang nét đẹp của người Thổ tại Thanh Hóa (Ảnh: Tạp chí làng nghề Việt Nam).

Người Thổ có những bí quyết dệt sợi gai rất riêng, khiến cho vải thành phẩm cực kì tinh xảo, bắt mắt. Đa phần công cụ dệt vẫn còn thô sơ, nhưng từ đó cho ra vải chất lượng đến từng chi tiết.

Để sợi gai được đẹp, người Thổ phải tìm kiếm vỏ và các loại củ cây như lá khót vàng, lá thơm để nhuộm. Qua đủ quy trình, đến được tới công đoạn dệt thì sự khó khăn càng khó khăn hơn. Chỉ những người quen tay hay làm mới biết mắc sợi vào khung cửi. 

Vải sợi gai thường dùng để làm váy, làm khăn đội đầu, thắt lưng, vỏ chăn…Từ những cây gai xù xì, người Thổ lại sáng tạo nên những sợi gai để làm ra các dụng cụ, trang phục đa dạng.

Những làng nghề truyền thống cũng là điểm nhấn được tôn vinh trong chương trình “Về quê làm giàu” cho Tập đoàn truyền thông Halotimes sản xuất. Chương trình sẽ lên sóng lúc 20h tối thứ 7 hàng tuần, trên kênh HTV7, bắt đầu từ ngày 29/3/2025.

Phương Thảo

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/ 

Mã số chuẩn quốc tế (ISSN): e-ISSN 3093-3269

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: toasoan@giadinhmoi.vn 

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính