Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tiến - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy, không có một loại thực phẩm, thức ăn nào phù hợp nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như sữa mẹ. Sữa mẹ chính là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đảm bảo cho sự phát triển đầy đủ của trẻ.
Trong sữa mẹ có đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu phát triển của trẻ như chất đạm, chất bột đường, chất béo, axit amin, vitamin và khoáng chất… Hơn nữa, các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ lại có tỷ lệ thích hợp, cân đối, phù hợp với hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ, giúp trẻ dễ dàng hấp thu, tiêu hóa và phát triển tối ưu cả về thể chất, trí tuệ và phòng chống suy dinh dưỡng.
Đặc biệt, sữa mẹ còn là nguồn cung cấp kháng thể dồi dào cho trẻ, nhất là trong hai năm đầu đời, giúp cho trẻ tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp. Ngoài ra, sữa mẹ còn có vai trò giúp phát triển hệ miễn dịch tự nhiên cho trẻ bằng cách tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi phát triển, diệt trừ các vi khuẩn có hại. Chính vì tác dụng kháng khuẩn của sữa mẹ nên trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh.
Đồng quan điểm đó, GS.Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản cũng cho hay: “Nếu phải liệt kê một loại món ăn mà có đầy đủ hơn 40 loại chất dinh dưỡng giúp con người phát triển thì trên thế giới chỉ có 1 loại duy nhất, đó là sữa mẹ. Mọi người có thấy là em bé sau khi chào đời chỉ uống mỗi sữa mẹ thôi mà bé phát triển rất nhanh.
Bởi vì, trong sữa mẹ có đầy đủ tất cả các loại chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của em bé. Sữa mẹ giàu dinh dưỡng và kháng thể tự nhiên mà không một loại thực phẩm nào có được. Vì vậy, việc nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời sẽ giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển toàn diện”.
Bác sĩ Tiến cho biết thêm, các thành phần dinh dưỡng có trong sữa mẹ có sự thay đổi kỳ diệu trong quá trình cho con bú để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của em bé. Sự thay đổi của sữa mẹ thường được chia thành ba giai đoạn sau:
- Giai đoạn sữa non: Sữa mẹ trong 3 - 4 ngày đầu sau sinh gọi là sữa non. Sữa non có màu vàng nhạt và đặc sánh. Trẻ sơ sinh cần được bú sữa non, bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh. Bởi trong sữa non có chứa nhiều chất dinh dưỡng, một lượng lớn kháng thể IgA, IgG, IgF,... giúp trẻ chống nhiễm khuẩn, nhiễm virus và dị ứng.
Sữa non còn giúp trẻ đào thải phân xu, giúp trẻ đỡ bị vàng da, giúp bộ máy tiêu hóa non nớt của trẻ dần hoàn thiện. Trong sữa non còn có nhiều vitamin A giúp chống nhiễm khuẩn và tăng trưởng. Chính vì vậy, để tốt cho sức khỏe của trẻ, các mẹ nên cho con bú càng sớm càng tốt, không nên cho trẻ ăn hoặc uống bất kỳ một loại thức ăn, thức uống nào trước khi trẻ bú mẹ.
- Giai đoạn sữa chuyển tiếp: Đến khoảng 4 - 5 ngày sau sinh, cơ thể người mẹ sẽ tiết ra một lượng lớn sữa chuyển tiếp để thay thế sữa non. Sữa chuyển tiếp có đặc điểm béo và sệt hơn cho đến 10 - 14 ngày sau sinh. Lúc này bầu ngực của bà mẹ sẽ to ra và trở nên cứng hơn do phải sản xuất ra một lượng sữa chuyển tiếp nhiều hơn so với lượng sữa non, để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.
- Giai đoạn sữa trưởng thành: Khoảng gần 2 tuần sau sinh, cơ thể người mẹ sản xuất sữa trưởng thành. Sữa trưởng thành có 2 loại là sữa đầu và sữa cuối. Sữa đầu được tiết ra trước, chứa nhiều nước và kháng thể, giúp trẻ không bị khát và tăng cường sức đề kháng.
Sữa cuối được tiết ra sau, có màu hơi đục và chứa nhiều chất béo hơn giúp trẻ không bị đói và tăng cân. Trong một bữa bú, mẹ cần cho trẻ bú cả sữa đầu và sữa cuối để trẻ nhận được đủ dưỡng chất cần thiết, giúp trẻ no lâu và tăng cân tốt hơn.
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ nhưng với điều kiện người mẹ phải có sức khỏe tốt và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Với những trường hợp người mẹ có vấn đề về sức khỏe, mẹ bị ít sữa, mẹ sau sinh không may bị mất sữa thì cho con bú sữa công thức là một lựa chọn tối ưu.
Đặc biệt, trong trường hợp mẹ từng có phẫu thuật ngực hoặc mắc các bệnh lý ở tuyến vú, việc sản xuất sữa mẹ có thể gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng sữa mẹ. Nếu mẹ cảm thấy lượng sữa mẹ không thể cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ, mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn chọn sữa công thức phù hợp cho trẻ.
Hoặc với những trường hợp sau khi sinh con mà người mẹ phải sớm trở lại công việc, công đoạn hút sữa tại nơi làm việc gặp nhiều bất tiện, thậm chí nhiều mẹ còn bị giảm lượng sữa sau khi đi làm trở lại. Với những trường hợp này, nếu lượng sữa mẹ không đủ để dự trữ trong tủ đông thì mẹ có thể cân nhắc bổ sung sữa công thức cho trẻ.
GS.Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản khuyên rằng, các mẹ có thể sử dụng sữa công thức để thay thế nguồn sữa mẹ bị mất/bị thiếu. Ngày nay, với công nghệ hiện đại, sữa công thức đã được nghiên cứu, phát triển, bổ sung các chất dinh dưỡng gần giống với sữa mẹ (chứa protein, đường, chất béo và vitamin theo yêu cầu của trẻ sơ sinh) và rất an toàn cho trẻ.
“Trên thế giới có rất nhiều các em bé được nuôi bằng sữa công thức và bây giờ vẫn phát triển rất tốt. Vì vậy, những bà mẹ không may bị mất sữa, không có sữa, ít sữa có thể yên tâm sử dụng sữa công thức cho con. Ưu tiên hàng đầu cho trẻ vẫn là sữa mẹ, nhưng nếu không có sữa mẹ thì có thể dùng sữa công thức để thay thế” - GS.Nakamura Teiji nói.
Ưu điểm quan trọng của sữa công thức là rất tiện dụng và an toàn cho trẻ. Đây là một lựa chọn thay thế cho những bà mẹ cảm thấy khó cho con bú do tình trạng sức khỏe không cho phép. Các vi chất dinh dưỡng trong sữa công thức được các nhà khoa học nghiên cứu, bổ sung theo đúng tỉ lệ thích hợp, có tác dụng cộng hợp giúp cơ thể dễ hấp thu, dễ phát huy tác dụng. Chẳng hạn như vitamin A, D hấp thu tốt hơn nhờ chất béo, giúp mắt sáng; Sắt, vitamin C giúp tái tạo hồng cầu hiệu quả…
Cha mẹ cũng cần chú ý, mỗi loại sữa tùy theo lứa tuổi mà sẽ cho thành phần dinh dưỡng khác nhau, giúp trẻ phát triển đúng giai đoạn. Do đó, khi chọn sữa cho con, ngoài các yếu tố về chọn sản phẩm rõ nguồn gốc, của các thương hiệu lớn thì cha mẹ cũng cần chọn sữa phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe của con mình.