Bác sĩ Tara Lynn Frankhouser (Anh) gần đây đã công bố một công trình nghiên cứu về hội chứng trầm cảm sau sinh của các bà mẹ. Công trình này xuất phát từ những kinh nghiệm của chính cô, khi cô cũng trải qua tình trạng trầm cảm sau sinh nghiêm trọng sau khi sinh đứa con trai đầu lòng năm 2011.
Một trong những nguyên nhân làm chứng trầm cảm sau sinh thêm trầm trọng là các bà mẹ thường e ngại nói về tình trạng này của mình.
Bác sĩ Frankhouser, người đã từng nhiều năm điều trị cho các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh, đã tưởng rằng mình hoàn toàn hiểu rõ về căn bệnh này. Nhưng thực ra không phải như vậy.
6 năm sau khi sinh đứa con trai đầu lòng, giờ đây bác sĩ Frankhouser mới dũng cảm lên tiếng về những cảm xúc bao gồm sợ hãi và oán giận cô đã có khi mới sinh con.
Bá sĩ Frankhouser nói rằng mình chưa bao giờ làm hại con, tuy nhiên, khi bị trầm cảm sau sinh, cô cảm thấy sợ phải bế con quá lâu.
Cô đã tìm cách che giấu, chối bỏ tình trạng tâm lý tồi tệ này, ngay cả khi cô đã có thời gian tách khỏi con. Giờ đây, cô cũng nhận ra nhiều bệnh nhân cố gắng để che giấu những triệu chứng bệnh của họ.
6 năm đã trôi qua, giờ đây đã là mẹ của 3 đứa con hạnh phúc và khỏe mạnh, bác sĩ Frankhouser đã có thể đối mặt với thời gian đáng sợ khi mình mới làm mẹ lần đầu.
Cô đã viết ra những phân tích, thống kê của mình về tình trạng trầm cảm sau sinh.
Mong muốn của cô là những bác sĩ sẽ có thể căn cứ vào đó để định hình những dấu hiệu bị che giấu của bệnh trầm cảm sau sinh.
‘Rất nhiều phụ nữ đã thực sự ở trong một show diễn. Hội chứng trầm cảm sau sinh là một điều gì đó mà ai cũng muốn che dấu.
Các chị em có thể ‘giả vờ’ hoàn toàn bình thường trong hàng giờ liền, khi chúng ta ăn tối cùng gia đình hay ngay cả khi chúng ta được bác sĩ thăm khám’ – bác sĩ Frankhouser nhận xét.
‘Tôi cũng đã hoàn hảo khi giả vờ như thế’ – cô nói với báo Daily Mail Online.
Cô nhớ lại, sau khi sinh, các bác sĩ thường hỏi cô ‘Chị cảm thấy thế nào?’ và cô luôn trả lời: ‘Vâng, tôi khỏe, tôi rất ổn’, nhưng thực tế lại không như vậy.
Ngay khi chồng cô, Charles, rời nhà đến chỗ làm, cô cảm thấy bản thân mình ‘hóa đá’ khi chỉ còn lại một mình với đứa con mới sinh luôn luôn gào khóc, trong căn nhà đầy ngập bình sữa, tã bỉm và máy hút sữa.
Sau đó, khi đã có người trông trẻ chăm sóc con trai, bác sĩ Frankhouser lại tự hành hạ mình bởi ý nghĩ ‘Sao một bà mẹ không thể xoa dịu con của mình khỏi nỗi sợ những hành động của chính cô ấy?’.
Tâm trạng ‘tự đổ lỗi’ của các bà mẹ chính là điều mà bác sĩ luôn tìm cách đấu tranh, đặc biệt là những người mới làm mẹ và muốn trở thành ‘mẹ siêu nhân’.
Frankhouser vẫn hết lần này đến lần khác đến gặp bác sĩ riêng.
Cô chỉ phàn nàn với bác sĩ của mình về triệu chứng ‘đau đầu’ và bác sĩ cũng không thể nào phát hiện ra đúng bệnh tình của cô.
Người đầu tiên bác sĩ Frankhouser nói về nỗi sợ mình mắc phải trầm cảm sau sinh là chồng của cô, Charles.
Đây là bước tiến ‘vượt bậc’ của cô để thoát khỏi tình trạng luẩn quẩn như đi trong sương mù, với những cảm xúc tiêu cực không có lối thoát.
Charles ngay lập tức đưa cô đến gặp bác sĩ. Cô nhớ lại câu trả lời đẫm nước mắt của mình khi bác sĩ hỏi cô có bao giờ có ý định làm đau con trai hay chính bản thân mình không.
Cô đã nói: ‘Tôi không làm đau con. Tôi không bao giờ muốn làm hại con.
Tôi chỉ đặt con xuống và đi ra ngoài khi tôi cảm thấy dường như tôi không thể chịu đựng thêm nữa.
Nhưng hành động đó không phải là kiểu người mẹ mà tôi muốn mình nên trở thành’.
Nỗi sợ ‘bị đánh giá là bà mẹ tồi’ chính là căn nguyên của nỗi xấu hổ khiến nhiều bà mẹ che giấu, né tránh các phương pháp điều trị dành cho trầm cảm sau sinh.
Hàng năm có 3 triệu phụ nữ mắc hội chứng trầm cảm sau sinh tại Mỹ. Khoảng 1/5 số này im lặng, cam chịu chứng bệnh này. Trầm cảm sau sinh có nhiều biểu hiện như buồn rầu, mất ngủ, hay quên, khó chịu và khó để giao tiếp với trẻ.
Nhiều bà mẹ còn có ý định gây tổn thương cho con và cho chính bản thân mình do hội chứng này.
Bác sĩ Frankhouser nhớ lại cô đã rất căng thẳng, lo lắng và cảm thấy có lỗi chỉ vì chuyện cho con bú.
‘Điều quan trọng số 1 của mỗi bà mẹ là thực hiện được việc cho con bú. Nhưng tôi đã không bao giờ làm được việc đó’ – Frankhouser nhớ lại.
Trong tháng đầu tiên sau khi sinh con trai đầu lòng, cô không mấy khi ngủ, cứ 3 giờ đồng hồ lại vắt sữa một lần, cố gắng để cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ.
Mọi tài liệu khoa học cô biết đã nói rằng chỉ có 5% các bà mẹ không thể cho con bú, do các vấn đề về cơ thể.
Tuy nhiên, gần đây có mới biết rằng hơn 90% các mẹ đều gặp khó khăn với việc cho con bú, ít nhất là ngay sau khi con họ vừa sinh ra.
‘Thật kinh khủng khi cảm thấy bạn chẳng thể nào làm được, trong khi cả thế giới nói rằng bạn nên làm được.
Ngay cả khi bạn không muốn lệ thuộc vào dư luận, họ vẫn chờ đợi bạn làm được nhiều điều’ - Frankhouser lý giải cảm xúc của mình.
Cuối cùng, cô đã tự cho phép mình dừng việc cho con bú. ‘Giờ tôi thấy các bà mẹ đang tiếp tục tự trừng phạt mình giống tôi khi trước.
Tôi nói với họ rằng họ có các biện pháp hỗ trợ, con của họ có thể bú bình và việc đó là ok’ – bác sĩ kiêm bệnh nhân Frankhouser nói.
Ngay khi bác sĩ Frankhouser thừa nhận rằng mình đang trải qua chứng trầm cảm sau sinh và việc cho con bú bình là bình thường, cô đã có sự chăm sóc y tế mà cô cần thiết.
Cô bắt đầu uống thuốc chống trầm cảm và thấy cơ thể và tâm trạng của mình tốt lên hàng ngày.
Giờ đây, bác sĩ Fankhouser đã có cả thay 3 đứa con khỏe mạnh. Cô áp dụng rất nhiều kinh nghiệm của bản thân khi chăm sóc các bà mẹ sau sinh.
Cô xem xét kỹ lưỡng tình trạng trầm cảm sau sinh ở tất cả các bà mẹ, ngay cả khi họ trả lời cô rằng ‘Tôi khỏe, mọi thứ đang rất tuyệt’.
Hơn 8% phụ nữ Việt Nam có dấu hiệu trầm cảm sau sinh
Đây là kết quả của nghiên cứu liên ngành ‘Tác động của bạo lực lên sức khỏe sinh sản của phụ nữ ở Tanzania và Việt Nam’ (Dự án PAVE).
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành khảo sát nghiên cứu trên gần 1.400 phụ nữ trước và sau sinh.
Kết quả, trầm cảm sau sinh tại Việt Nam chiếm tỷ lệ tương đương với các nước trong khu vực và các nghiên cứu khác.
Một số yếu tố liên quan chặt chẽ với trầm cảm bao gồm bạo lực do chồng, tiền sử thai lưu, lo âu trong mang thai và hỗ trợ gia đình...
Trầm cảm sau sinh có thể gây ra những tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và trẻ em, cũng như mối quan hệ của họ với các thành viên trong gia đình.
Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm sau sinh ở phụ nữ là khá phổ biến với tỷ lệ là 13,0%.
Trầm cảm nếu không được phát hiện và điều trị, có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tâm thần nặng và ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần và tính cách của trẻ trong tương lai.
Bà mẹ bị trầm cảm biểu hiện những cảm xúc tiêu cực hơn như buồn phiền, lo âu, căng thẳng, dễ cáu gắt.
Nghiêm trọng hơn, người mẹ có thể xuất hiện ý định tự tử, tự hủy hoại bản thân và con của họ.