Chứng ‘mất não’ sau sinh: có thật hay chỉ là ám ảnh?
Một ông chồng sử dụng Facebook có tên Minh Hoàng ở Hà Nội đã chia sẻ câu chuyện dở khóc dở cười về bệnh hay quên của vợ sau khi sinh con: mua hàng xong trả tiền quên không mang đồ về, đi nộp tiền điện thì quên ví tiền ở nhà, quên điện thoại, phải nhờ người quen ở chỗ thu tiền điện gọi cho chồng mang tiền ra.
Trong lúc bối rối, chị vợ ‘chất lừ’ này còn sập cốp xe máy, bỏ luôn chìa khóa trong cốp, chồng lại phải hì hục đi xe ra đón rồi tìm cách giải quyết hậu quả. Ngồi sau xe chồng, chị còn thỏ thẻ ‘trình bầy’ là không làm sao nhớ được số điện thoại của chồng, may có người quen ở đó có điện thoại gọi hộ…
Đi rửa xe máy, chị vợ quên không lấy xe về, về nhà ngủ một giấc dậy thì khóc lóc ầm ỹ vì ngỡ mình bị trộm lấy mất xe.
Khách hàng gọi điện đặt mua hàng, hì hục đi chụp ảnh để gửi qua mạng, chụp xong chị không nhớ được phải gửi cho khách nào. Đang cầm bút viết viết lách lách, chị có thể quay sang cắm bánh, cắm thịt đưa lên miệng ăn vì: ‘Ôi em tưởng mình đang cầm đũa’…
Theo ý kiến của giới chuyên môn, triệu chứng quên quên nhớ nhớ của các bà mẹ bỉm sữa là có thật. Triệu chứng này có thể xuất hiện từ khi mang bầu, và kéo dài đến sau khi sinh. Cá biệt, có người 10 năm sau khi sinh con vẫn bị bệnh ‘quên quên nhớ nhớ’.
Trong khi chắc chắn về sự tồn tại của tình trạng suy giảm trí nhớ do mang thai và sinh con, các nhà khoa học hiện vẫn chưa tìm ra nguyên nhân thực sự của chứng bệnh này.
Một số nguyên nhân đưa ra như stress kéo dài, mất ngủ, thay đổi lịch trình sinh hoạt… được đưa ra như những giải thích ban đầu về tình trạng này.
5 cách để mẹ bỉm sữa đối phó với tình trạng ‘lú lẫn’
Nhiều người cho rằng sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, đặc biệt là các ông chồng sẽ làm vợ được giảm bớt mức độ căng thẳng, dần dần ‘lấy lại trí nhớ’.
Việc được chồng chia sẻ công việc trong chăm sóc em bé cũng giúp các bà mẹ không bị ‘bù đầu’ vì chăm con, có thể tập trung khi làm các việc khác .
Ngoài ra, các mẹ cũng có thể tự chăm sóc mình bằng 5 mẹo sau đây để đối phó với tình trạng ‘lú lẫn’ sau khi sinh.
Áp dụng chế độ ăn tốt cho trí nhớ
Ngoài việc ăn uống đủ dinh dưỡng, các bà mẹ nên tập trung ăn nhiều các loại rau, quả, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt gia cầm, dầu ô liu… Đây là các thực phẩm giàu protein, omega-3, chất chống oxy hóa, chất xơ.
Các dưỡng chất này tốt cho trí nhớ, có thể giảm nguy cơ mắc chứng ‘quên sau khi sinh’ tới 35%.
Mẹ bỉm sữa nên ăn ít thịt đỏ (như thịt bò), bơ, pho mát, đồ ngọt và thực phẩm chiên. Đây là những thực phẩm giầu năng lượng, khó tiêu hóa và không tốt cho trí nhớ.
Vận động giúp tăng tuần hoàn máu, kích hoạt các vùng não chứa ‘hồi ức’
Theo các nhà khoa học, một số vùng não chứa thông tin về ‘hồi ức’ sẽ được kích hoạt mạnh mẽ khi bạn tập các bài tập cardio – như đi xe đạp hoặc chạy.
Nếu không có thời gian, các mẹ có thể ‘thu hồi bộ nhớ’ đơn giản bằng cách đi bộ, vận động nhẹ nhàng vào sáng sớm, khi con còn đang ngủ hoặc sau 9 giờ tối, sau khi bé đã ngủ ngon.
Hoặc đơn giản hơn, mẹ tranh thủ đi bộ đi chợ, đi dạo trong siêu thị cùng con.
Đọc sách báo, các tài liệu về chăm sóc trẻ
Đừng ham sa đà trong các diễn đàn trên mạng xã hội hay đọc e – book, các mẹ bỉm sữa hãy làm bạn với sách in. Nên đọc các cuốn sách về kỹ năng chăm sóc trẻ, khoa học thường thức về chăm sóc nuôi dạy trẻ… vừa để bổ sung kiến thức cần thiết, vừa như một bài thể dục cho trí não.
Các nghiên cứu cho thấy người đọc trên các thiết bị điện tử có khả năng nhớ tồi tệ hơn hẳn so với người có thói quen đọc sách.
Các nhà nghiên cứu lý thuyết hóa rằng chuyển động vật lý của việc lướt qua các trang bằng các ngón tay và cảm nhận những dữ liệu đang tăng lên ở não trái có thể hỗ trợ tái tạo lại các chi tiết.
Ngủ đủ giấc
Những đảo lộn trong lịch trình sinh hoạt, lo lắng về việc chăm sóc em bé có thể khiến mẹ bỉm sữa mất ngủ triền miên.
Tình trạng mất ngủ khiến não không có thời gian nghỉ ngơi, bị căng thẳng quá mức. Ngay cả những thông tin đơn giản như số điện thoại của chồng, để chìa khóa ở đâu, địa chỉ của một phòng khám quen thuộc… cũng sẽ bị ‘thổi bay’ khỏi đầu óc các mẹ nếu họ không được ngủ đủ giấc.
Giảm stress tối đa
Dường như tình yêu dành cho con là không bao giờ có giới hạn, nhưng trước hết, các mẹ cũng cần yêu thương chính bản thân mình.
Khi cảm thấy những dấu hiệu của bệnh hay quên sau khi sinh, các mẹ hãy xem xét xem mình có bị stress do đang ‘ôm đồm’ quá nhiều trách nhiệm, kỳ vọng quá nhiều vào bản thân trong giai đoạn đặc biệt này của cuộc đời hay không.
Nếu câu trả lời là ‘Có’, tốt nhất các mẹ bỉm sữa hãy tìm cách giảm bớt gánh nặng cho mình. Tìm sự hỗ trợ từ gia đình, thuê người giúp việc theo giờ, sử dụng các dịch vụ… là những gợi ý tốt để các bà mẹ bỉm sữa không bị rối bời vì quá nhiều công việc, dẫn đến tình trạng căng thẳng đầu óc và không ngừng nhớ nhớ quên quên.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết 5 mẹo chữa bệnh 'nhớ nhớ quên quên' của các mẹ bỉm sữa tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].