Vệ sinh mũi cho con bằng nước muối là thói quen phổ biến của nhiều người nuôi con nhỏ.Thế nhưng, không ít cha mẹ đang thực hành sai cách hoặc hiểu biết không đầy đủ, khiến trẻ bị viêm tai, ứ dịch nặng dẫn đến xoang hoặc có nguy cơ bị điếc.
Hỏi: Thấy con nhỏ 3 tuổi cứ đưa tay vào tai ngoáy, tôi kiểm tra thì phát hiện có mùi hôi. Đưa con đến phòng khám tai mũi họng thì thấy có khá nhiều trẻ giống con tôi. Thậm chí có những bé bị viêm tai giữa nặng, tai chảy mủ, dịch có mùi hôi đến khám, điều trị. Xin hỏi bác sĩ, vì sao trẻ lại bị vậy dù chúng tôi vệ sinh cho bé rất cẩn thận?
(Vulinh19....@gmail.com)
Trả lời:
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những trường hợp trẻ bi biến chứng viêm tai giữa do bệnh đường hô hấp kéo dài không khỏi không phải hiếm gặp. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ, phổ biến sau các bệnh viêm đường hô hấp. Tại Mỹ, 83% trẻ dưới 3 tuổi tại Mỹ có ít nhất một lần bị viêm tai giữa trong đó độ tuổi mắc cao nhất là 6 -18 tháng.
Dù là bệnh hay gặp nhưng cũng có trường hợp khó chẩn đoán. Biểu hiện có sự khác nhau theo từng lứa tuổi. Ở trẻ sơ sinh, các dấu hiệu thường không rõ ràng, có khi chỉ là kích thích, quấy khóc, bỏ bú. Trẻ lớn hơn có thể bị sốt, kèm (hoặc không kèm) viêm hô hấp trên, đau tai, màng nhĩ viêm đỏ…
Song theo PGS Nguyễn Tiến Dũng có hai yếu tố để chẩn đoán chắc chắn bệnh gồm: viêm và có tiết dịch ở tai giữa. Dấu hiệu quan trọng nhất qua soi tai là có thể thấy màng nhĩ phồng lên, thấy ứ dịch trong đó, thậm chí có mủ ở dưới đục, vàng. Một số trường hợp còn thấy chảy nước, mủ ra tai ngoài. Dù vậy không phải lúc nào soi cũng thấy hình ảnh như vậy.
Bên cạnh đó, BS CKI Dương Thị Thanh Huyền – Phòng Khám Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc cho biết, qua quá trình khám bệnh, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều sai lầm trong kiến thức vệ sinh mũi của các bậc phụ huynh: từ việc dùng sai dung dịch, sai cách, sai tư thế của trẻ.
Theo bác sĩ Huyền, trong mũi, xoang mũi có lớp niêm mạc liên tục tiết ra dịch này. Đây là các dịch sinh lý không ngừng đào thải ra khỏi xoang, hốc mũi đóng vai trò vệ sinh, bảo vệ hệ thống mũi xoang. “Dịch niêm mạc có chất kết dính, khi hô hấp, con người có thể hít cả bụi bẩn … Lúc này, màng niêm mạc như màng chắn, bảo vệ, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dị vật. Đồng thời, theo cơ chế chuyển động kể trên, những dị vật, bụi bẩn được luân chuyển ra ngoài cơ thể dưới dạng “gỉ mũi”, bác sĩ Thương Thị Thanh Huyền cho biết.
Ngoài ra, trong môi trường dịch nhầy luôn căn bằng trực khuẩn, tức có cả vi khuẩn có lợi và có hại. Tuy nhiên, cha mẹ không hiểu được rõ nguyên lý, bản chất hoạt động đó của niêm mạc mũi, vô tình, khi vệ sinh sai cách, họ có thể làm mất cân bằng vi khuẩn, từ đó gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp cho trẻ nhỏ. Chưa kể, khi mất cân bằng vi khuẩn, niêm mạc mũi khô rát rất dễ bị viêm, trẻ có nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm mãn tính. Trong khi đó, mũi – tai – họng thông nhau, việc viêm mũi kéo dài có thể dẫn tới viêm tai, viêm họng. Và viêm tai lâu ngày, vừa khó điều trị dứt điểm, trẻ lại có nguy cơ bị điếc do viêm nhiễm nặng.
Thậm chí, nhiều bà mẹ, khi thấy con “thò lò mũi”, tự ý dùng xi lanh rửa mũi cho trẻ. Với trường hợp này, trẻ đã bị ngạt mũi, khi bơm nước không chảy ra được sẽ chảy vào hai tai hoặc trẻ nuốt dễ dẫn đến sặc gây ra viêm tai giữa. Dịch nhày do viêm mũi, không thoát ra ngoài chảy ngược ra vòi nhĩ, ứ dịch hòm nhĩ gây ra viêm tai giữa.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo không sử dụng xi lanh làm dụng cụ vệ sinh mũi cho trẻ. Bởi vì, đầu xi lanh rất sắc, không hoàn toàn vô khuẩn, cha mẹ sử dụng không cẩn thận rất dễ gây xước xát mũi cho trẻ, gây viêm nhiễm, tăng bệnh.
Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ tự ý pha nước muối đặc, ngâm nước muối sinh lý kèm tỏi để vệ sinh mũi cho con. “Điều đó vô cùng sai lầm. Mặc dù tỏi có rất nhiều hoạt chất có ích cho con người, có chứa hoạt chất SAC tăng miễn dịch cơ thể và Anixil có khả năng kháng khuẩn, kháng vi rút… Tuy nhiên, tỏi rất cay, khi cha mẹ dùng nhỏ mũi cho trẻ có thể khiến niêm mạc mũi bỏng rát, phù nề, cháy niêm mạc…
Còn với nước muối quá đặc, ngoài pha không đảm bảo độ tinh khiết cũng như nồng độ, nước muối đặc sẽ kéo nước từ tế bào ra, gây viêm niêm mạc mũi”, bác sĩ Huyền chia sẻ.
Chỉ vệ sinh mũi khi có chỉ định
Theo bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ không rửa mũi cho trẻ nếu không có chỉ định. “Bình thường trẻ mũi khô sạch sẽ, không làm sao mà rửa mũi vô hình chung, bố mẹ đã làm cho mất hết lớp bảo vệ tự nhiên của cơ thể.
Chỉ những trường hợp như viêm nhiễm: ngạt mũi, chảy mũi tiết nhiều dịch nhầy, lúc đó bắt buộc rửa mũi hoặc khi bé có gỉ mũi khô, ngoáy mũi nhiều do ngứa, để tránh trẻ bóc khô gây rát mũi, cha mẹ nên vệ sinh giúp trẻ. Ngoài ra, trẻ đi xa, đi qua vùng bụi bẩn nhiều cũng nên rửa mũi cho bé.
Với những bé quá nhỏ, cha mẹ không nên dùng phương pháp xịt mũi cho vì áp lực quá mạnh có thể làm niêm mạc mỏng mảnh của bé tổn thương. Khi mùa lạnh, xịt bình khó giữ ấm, không khí lạnh trực tiếp vào niêm mạc mũi dẫn đến viêm niêm mạc. Với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, cha mẹ nên dùng nước muối sinh lý có ngâm qua nước ấm. Như vậy, sẽ yên tâm hơn, đảm bảo và trẻ không bị giật mình.
Với rửa mũi cho bé, người nhà cần dùng ống hút trẻ sơ sinh hút dịch còn đọng lại. Với trẻ lớn, cha mẹ hướng dẫn cháu xì ra.
Tư thế đúng cho việc vệ sinh mũi cho trẻ:
Cần có hai người, một người giữ đầu bé. Cho bé nằm lên bàn, tư thế mông cao hơn đầu và nghiêng về một bên.Phía dưới cổ, đầu cần đặt khăn xô khi bơm nước chảy ra có thể lau luôn cho bé.Sau đó, dùng dụng cụ rửa mũi đặt cửa mũi, bóp nhẹ cho nước muối vào.Dùng ống hút, đặt vào cửa mũi hút dịch ra. Với trẻ chảy mũi xanh, khi dịch thấy trong là được.Tiếp tục quay ngược rửa mũi bên kia theo thứ tự như vậy.
Hồng Ngọc/GIADINHMOI.VN