Trong bối cảnh áp lực đô thị ngày càng gia tăng và nhu cầu tìm kiếm một cuộc sống tự chủ, yên bình, ý tưởng trở về quê hương lập nghiệp đang thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ.
Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa giấc mơ về quê làm giàu đòi đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm lớn lao để có thể tận dụng tốt những cơ hội và vượt qua mọi thách thức.

Cuộc sống áp lực, ngột ngạt nơi thành thị khiến không ít người trẻ muốn bỏ phố, về quê lập nghiệp. (Ảnh: VnExpress)
Áp lực đô thị và ước mơ về quê
Đối với nhiều người trẻ, thành phố là nơi hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập ổn định và cơ hội phát triển sự nghiệp.
Kiều Linh, sinh ra ở Hà Tĩnh và hiện đang làm nhân viên văn phòng tại TP.HCM, chia sẻ: “Công việc hiện tại của mình khá áp lực, làm việc 8 tiếng mỗi ngày, buổi tối còn phải tăng ca. Ngoài ra, mình còn phải lo chi phí tiền trọ, tiền sinh hoạt hàng ngày, nên đôi khi cảm thấy rất căng thẳng và mệt mỏi”.
Lê Hồng Hào, một nhân viên cắt tỉa cây xanh, cũng nhắc đến những khó khăn khi sống ở thành phố: “Chi phí sinh hoạt cao, tiền trọ đắt đỏ, đồ ăn ở đây cũng không rẻ. Nhưng bù lại, cuộc sống nhiều tiện lợi và thu nhập chắc chắn cao hơn ở quê”.
Cả Kiều Linh và Hồng Hào đều nhấn mạnh rằng, dù áp lực, thành phố vẫn là nơi giúp họ có nguồn thu nhập ổn định, điều mà cuộc sống ở quê chưa thể mang lại.
Dù cuộc sống đô thị mang lại nhiều cơ hội, không ít người trẻ vẫn ấp ủ giấc mơ trở về quê để lập nghiệp. Đối với họ, quê hương không chỉ là nơi chốn bình yên mà còn chứa đựng nhiều tiềm năng chưa được khai thác.
Kiều Linh chia sẻ mong muốn mở một xưởng sản xuất kẹo cu đơ trên mảnh đất quê hương của mình. Cô cho biết: “Hà Tĩnh nổi tiếng với làng nghề kẹo cu đơ truyền thống. Nếu có vốn trong tay, mình sẽ trở về quê và góp phần phát triển làng nghề này, đưa sản phẩm quê hương đến với nhiều người hơn”.
Tương tự, Lê Hồng Hào cũng bày tỏ mong muốn quay về Tiền Giang để khởi nghiệp: “Tiền Giang có rất nhiều đặc sản như trái cây miệt vườn, hủ tiếu Mỹ Tho. Nếu có vốn, tôi sẽ nhất định trở về quê để tận dụng tiềm năng này. Cuộc sống ở thành phố tuy sôi động nhưng cũng đầy bon chen. Quê hương vẫn luôn là nơi yên bình nhất để gắn bó lâu dài”.
Không ít bạn trẻ đã lên kế hoạch rõ ràng cho việc trở về quê hương lập nghiệp. Trần Nam Khánh, sinh viên Trường Đại học TP.HCM, đang tích lũy kinh nghiệm và vốn để quay lại Vũng Tàu. Cậu nói: “Vũng Tàu đang phát triển mạnh, môi trường cạnh tranh ít khốc liệt hơn so với TP.HCM, mở ra nhiều cơ hội cho những người trẻ muốn lập nghiệp”.
Trang, nhân viên văn phòng vừa tốt nghiệp ở TP.HCM, cho biết muốn trở về Buôn Mê Thuột để phát triển thương hiệu cà phê của riêng mình: “Mình muốn dùng kiến thức kinh tế học được để mở một cửa hàng và quảng bá rộng rãi sản phẩm cà phê Buôn Mê Thuột. Mình cũng mong các bạn trẻ sẽ góp phần phát triển nông sản hoặc các sản phẩm đặc thù của địa phương, vừa làm giàu cho bản thân vừa giúp quê hương phát triển”.
Hồng Thái, sinh viên quê Bến Tre, cũng ấp ủ giấc mơ phát triển làng nghề kẹo dừa truyền thống: “Em muốn làm cho kẹo dừa Bến Tre không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vươn ra thế giới. Điều đó không chỉ giúp bản thân em mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương”.

Mỗi vùng quê không chỉ là nơi chốn bình yên mà còn chứa đựng nhiều tiềm năng chưa được khai thác. (Ảnh minh họa)
Thách thức trên hành trình về quê
Dù vây, việc từ bỏ cuộc sống đô thị để trở về quê không hề dễ dàng. Kiều Linh thừa nhận: “Ở quê, mức thu nhập thường thấp hơn và cơ hội việc làm cũng hạn chế. Để trở về, mình cần một số vốn lớn và phải chắc chắn với hướng đi của mình”.
Lê Hồng Hào cũng nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là phải có công việc ổn định hoặc nguồn thu nhập vững vàng trước khi quyết định quay về quê”.
Ngoài ra, một số bạn trẻ lo ngại về khả năng thất bại khi khởi nghiệp tại quê nhà. Trần Nam Khánh thừa nhận: “Mình sợ nhất là không đủ kinh nghiệm và thất bại khi lập nghiệp ở quê”.
Xu hướng về quê lập nghiệp đang ngày càng phổ biến, thể hiện mong muốn chân thành của những người trẻ muốn góp phần phát triển địa phương, là minh chứng rõ ràng cho tinh thần dám nghĩ, dám làm của thế hệ trẻ.
Dù con đường phía trước có nhiều khó khăn, khát khao mang lại sự đổi thay cho quê hương vẫn là động lực lớn lao để họ kiên trì theo đuổi mục tiêu. Quê hương, với tất cả tiềm năng và sự yên bình, có thể không chỉ là nơi bắt đầu, mà còn là đích đến lâu dài của những người trẻ muốn làm giàu trên chính mảnh đất sinh ra mình.
Mô hình “Về Quê Làm Giàu” của Halotimes là một sáng kiến truyền thông và phát triển kinh tế nông thôn, được thiết kế để kết nối thế hệ doanh nhân thành thị với nguồn lực và tiềm năng của các vùng quê. Đây cũng là sự kết hợp độc đáo giữa đổi mới công nghệ số và giá trị truyền thống, giúp mở ra cơ hội phát triển kinh tế bền vững cho các vùng nông thôn, đồng thời lan tỏa những câu chuyện cảm hứng về sự gắn kết giữa con người và quê hương.
Chương trình truyền hình thực tế "Về Quê Làm Giàu" dự kiến khám phá các địa điểm nổi bật như: Nước mắm Ba Làng (Thanh Hóa); Hương xạ Cao Thôn (Hưng Yên); Chè Vân Bản Sen (Quảng Ninh); Bánh đa gấc Kẻ sặt (Hải Dương); Bánh ép Thuận An (Huế); Bánh tráng Túy Loan (Đà Nẵng),…
Với mục tiêu quảng bá văn hóa và sản vật địa phương, chương trình không chỉ tập trung vào hoạt động bán hàng mà còn hướng đến việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, giúp người dân gia tăng thu nhập, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.
Ngoài việc quảng bá, chương trình còn thể hiện trọn vẹn 4 giá trị cốt lõi của Halotimes: Phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; giữ gìn bản sắc dân tộc; đổi mới sáng tạo công nghệ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp và thu nhập cho người dân.
Anh ThịnhBạn đang xem bài viết Người trẻ nghĩ gì về ý tưởng ‘Về quê làm giàu’? tại chuyên mục Làm giàu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: bankhoahoc@giadinhmoi.vn.
Tin liên quan
