Tôi đọc báo thì thấy các bác sĩ nói rằng, trẻ bị nhiễm hay biến chứng bệnh hô hấp do vệ sinh mũi họng chưa đảm bảo. Tôi muốn hỏi bác sĩ rõ hơn về vấn đề này cũng như cách vệ sinh như thế nào cho đúng?
(Nguyễn Hoàng Minh Tâm - P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức, TP HCM):
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 trả lời:
Viêm, nhiễm đường hô hấp ở trẻ em là bệnh thường gặp với tỉ lệ 30-50%. Bệnh này ở trẻ em thường xảy ra khi thời tiết chuyển mùa hay giao mùa, môi trường nóng, lạnh đột ngột và ô nhiễm.
Bởi khi vi khuẩn phát triển nhiều trong mũi, miệng, tai… có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ nhỏ. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, dịch mũi sẽ chảy xuống họng gây viêm họng hoặc chảy vào tai gây ra bệnh viêm tai giữa.
Chính vì vậy, việc vệ sinh đường hô hấp không chỉ góp phần giảm khả năng mắc bệnh mà còn giúp trẻ dễ hô hấp hơn, khỏe mạnh hơn. Để vệ sinh đường hô hấp cho trẻ đúng cách, toàn diện, cha mẹ cần nhớ vệ sinh thường xuyên răng miệng, mũi, tai cho trẻ.
Cách vệ sinh răng miệng:
- Rơ (súc) miệng mỗi ngày cho trẻ vào buổi tối trước khi đi ngủ bằng nước sạch hay nước muối sinh lý hay dung dịch denicol hay borate…
-Nếu là bé sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết súc miệng thì dùng gạc sạch để lau miệng cho bé. Với trẻ đã có răng thì cũng chà răng bằng gạc cùng nước muối sinh lý. Còn trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể để bé dùng kem đánh răng.
- Loại bỏ các thói quen xấu của trẻ như hạn chế bú bình ban đêm sẽ làm sâu và mòn men răng của các răng sữa. Tập cho trẻ uống sữa bằng cốc và phải vệ sinh răng trước khi đi ngủ.
-Không cho trẻ ăn nhiều bánh kẹo, uống nhiều nước ngọt là một trong những yếu tố làm răng dễ bị sâu. Do chất ngọt trong các thực phẩm trên bị vi khuẩn trong miệng lên men thành acid gây sâu răng.
- Không ăn ngậm, ăn thức ăn quá nóng hay quá lạnh có thể làm hại sức khỏe răng miệng của trẻ. Vệ sinh răng miệng ngay sau khi ăn và trước khi đi ngủ là biện pháp chăm sóc răng miệng hiệu quả và ít tốn kém nhất.
-Khi có điều kiện cho trẻ đi khám răng định kì mỗi 6 tháng
Cách vệ sinh mũi cho trẻ:
- Nhỏ mũi nước muối sinh lý sau tắm mỗi bên 1 giọt, sau khi đi ra ngoài về cũng nhỏ
- Ngay sau khi đi nhà trẻ về thì làm sạch mũi ngay. Nhỏ nước muối sinh lý như vậy không có gì làm lạm dụng.
- Không dùng tăm bông ngoáy mũi, trong trường hợp cần tác động thì làm bấc sâu kèn.
- Không nên hút mũi bằng dụng cụ vì không thể làm sạch và áp lực không chính xác gây trầy niêm mạc.
Vệ sinh tai cần:
- Để lấy ráy tai cho trẻ có thể nhỏ nước muối sinh lý rồi bé tự đẩy ra.
- Không tự lấy ráy tai, nếu cần thì đi bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng xử lý để đảm bảo an toàn.
- Không cho bé chơi tăm bông ngoáy tai, không cho bắt chước người lớn tự ngoáy tai.
Ngoài ra, cha mẹ nên học cách sử dụng quạt, điều hòa hợp lý, không xối thẳng quạt, điều hòa vào người, vào mặt của bé; Không nên cho bé ăn đồ ăn thức uống lạnh; Cần chú ý bù đủ nước mất cho cơ thể, cung cấp nhiều vitamin từ trái cây, rau tươi để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trẻ./.
Hồng Ngọc/GIADINHMOI.VN
Bạn đang xem bài viết Mẹ vệ sinh chưa đúng dễ làm vi khuẩn lan mạnh trong tai, mũi, miệng của con tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].