Sự thật phía sau câu nói “dân Thanh Hóa ăn rau má, phá đường tàu”

Nhiều định kiến đôi khi xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hoặc từ những câu chuyện truyền miệng chưa được kiểm chứng

Nhiều định kiến đôi khi xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hoặc từ những câu chuyện truyền miệng chưa được kiểm chứng. Bài viết này sẽ cùng bạn khám phá định kiến về người Thanh Hóa và sự thật bất ngờ phía sau.

image2

Người Thanh Hóa vẫn phải đối mặt với không ít định kiến từ những người xung quanh (Ảnh: Báo Tri thức nông dân)

Định kiến “Ăn rau má, phá đường tàu” 

Một trong những định kiến nổi tiếng và gây tranh cãi nhất về người Thanh Hóa là câu nói “Ăn rau má, phá đường tàu”. Câu nói này thường được dùng để ám chỉ người Thanh Hóa có tính cách nóng nảy, bất cần và sẵn sàng làm những việc táo bạo, thậm chí phá hoại. Tuy nhiên, đằng sau câu nói này là một câu chuyện lịch sử và văn hóa sâu sắc hơn nhiều.

image3

Rất ít người có thể hiểu nguồn gốc hàm ý tốt đẹp của câu nói “Ăn rau má, phá đường tàu” (Ảnh: laodong.vn) 

Câu nói “Ăn rau má, phá đường tàu” xuất phát từ thời kỳ Pháp thuộc, khi thực dân Pháp xây dựng hệ thống đường sắt xuyên Việt. Trong quá trình xây dựng, người dân Thanh Hóa đã tham gia vào các cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức của thực dân. Họ đã phá hủy các tuyến đường sắt như một hành động phản kháng, thể hiện tinh thần bất khuất và không chịu khuất phục trước ách đô hộ.

Sự thật bất ngờ phía sau định kiến 

Ông Tiến Phú (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), hiện đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thanh Hóa là vùng đất giàu tiềm năng với địa hình đa dạng,  có rừng, có núi, trung du và đồng bằng. Nhờ đó, nơi đây hội tụ đầy đủ điều kiện để phát triển cả về văn hóa, kinh tế và xã hội.

Nhắc đến đặc sản, Thanh Hóa có vô số món ngon, những sản vật độc đáo đã được giới thiệu ra thế giới. Trong đó, tôi đặc biệt yêu thích nước mắm Ba Làng, đây là đặc sản nổi tiếng của vùng ven biển thị xã Nghi Sơn. Nước mắm ở đây được ủ chượp nhiều tháng liền, tạo nên hương vị đậm đà, truyền thống”. 

Khi được hỏi về câu nói ‘Ăn rau má, phá đường tàu’, ông Tiến Phú cho biết, câu nói mang cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Theo lời ông bà kể lại, ngày xưa, vào những năm 1970, người dân Thanh Hóa phải ra đường tàu để hái rau má, loại cây đã từng cứu đói biết bao thế hệ.

Rau má không chỉ là một sản vật, mà còn là biểu tượng của sự kiên cường, tình nghĩa, sự sẻ chia của người dân xứ Thanh trong những giai đoạn khó khăn. Người Thanh Hóa có mặt ở khắp nơi, không ngừng tìm kiếm cơ hội để phát triển và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Dù làm nghề gì, ở đâu, họ luôn học hỏi để thích nghi với thị trường, chọn hướng đi mang lại lợi nhuận và giá trị bền vững cho xã hội. 

“Tuy nhiên, không phải ai học hành ở nước ngoài rồi trở về quê cũng có thể lập nghiệp dễ dàng. Muốn phát triển, cần có đòn bẩy từ chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề, vốn đầu tư và định hướng rõ ràng. Việc kêu gọi trở về quê hương không thể chỉ là khẩu hiệu, mà cần đi kèm với giải pháp thực tế, lộ trình cụ thể để thu hút nguồn lực và giúp người trẻ yên tâm phát triển lâu dài”, ông Phú chia sẻ. 

Câu chuyện về Tùng, một chàng trai trẻ ở xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, là minh chứng rõ nét cho tinh thần nhân ái của người Thanh Hóa. Dù còn trẻ, Tùng đã dành nhiều thời gian cho công tác thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi và người già neo đơn. Không chỉ hoạt động tại quê nhà, anh còn đến những vùng sâu, vùng xa như Hà Giang, Điện Biên, Sơn La để mang hơi ấm tình người đến với những hoàn cảnh khó khăn.

Tùng không ngại đi xa, có khi sáng ở miền Bắc, chiều đã có mặt ở miền Nam chỉ để trao một phần quà nhỏ bé cho gia đình gặp hoạn nạn. Nhận thức được tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người, anh đã tình nguyện hiến máu 12 lần, thậm chí có lần phải di chuyển hàng chục km trong đêm khuya để kịp thời cứu sống một bệnh nhân nguy kịch.

image1

Chàng trai Dương Văn Tùng (Ảnh: Báo Thanh Hóa)

Nhờ sự kết nối của Tùng, hơn 10.000 người trên cả nước đã đăng ký tham gia hiến máu nhân đạo. Chỉ riêng năm 2023, hơn 1.000 lượt hiến máu đã được thực hiện, góp phần cứu sống hàng nghìn người bệnh.

Không chỉ có Tùng, hơn 70 chàng trai Thanh Hóa cũng từng vượt quãng đường 500km đến Lào Cai để giúp bà con vùng lũ sửa xe, thay dầu miễn phí. Họ mang theo không chỉ kỹ năng mà còn là cả tấm lòng thiện nguyện, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai gặp khó khăn.

Người Thanh Hóa giống như bất kỳ địa phương nào khác, có những con người tốt và chưa tốt. Tuy nhiên, những định kiến phiến diện không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của họ trong mọi lĩnh vực. Thay vì duy trì những định kiến cũ kỹ, hãy nhìn nhận người Thanh Hóa bằng sự công bằng và khách quan hơn. Bởi đằng sau những lời đồn đại, vẫn còn đó những câu chuyện đẹp về lòng nhân ái và tinh thần cống hiến của con người xứ Thanh.

Thiên Mã

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/ 

Mã số chuẩn quốc tế (ISSN): e-ISSN 3093-3269

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: toasoan@giadinhmoi.vn 

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính