Cafe sáng: Y đức và mưu sinh

Một bác sỹ học ở nước ngoài 9 năm, về nước học thêm chuyên khoa định hướng gần 1 năm rồi học tiếp tiến sỹ, lương 3,7 triệu đồng 1 tháng, thấp hơn công nhân làm cho Samsung.

Thật buồn khi biết người nhà bệnh nhân đuổi đánh bác sỹ vì vòi tiền. Thầy giáo của tôi có vợ nằm bệnh viện than phiền vào đây như thiên la địa võng. Đồng nghiệp của tôi khi có người nhà vào viện cũng phải than phiền…

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Người bệnh, đặc biệt là người bệnh ở nông thôn ra thành phố chữa bệnh gặp nhiều khó khăn lắm.

Nhiều bác sỹ, nhiều điều dưỡng tốt nhưng không phải là không có người xấu. Kê đơn thuốc quá mức, chỉ định xét nghiệm quá mức không phải không có, dọa dẫm bệnh nhân để kiếm tiền không phải không có.

Những vụ việc không hay giữa người nhà bệnh nhân và thầy thuốc có trường hợp hoàn toàn do người nhà sai (hống hách, hạch sách cậy mình có tiền coi nhân viên y tế như người làm thuê) nhưng nhiều trường hợp có lí do từ thầy thuốc.

Thái độ lạnh lùng hoặc kĩ năng tương tác, giải thích cho người bệnh không tốt là nguyên nhân trong nhiều vụ xô xát. Các trường Y chưa dạy cho sinh viên các kĩ năng này. Thái độ cửa quyền, ban ơn từ thời bao cấp còn rơi rớt lại thấm sâu vào không ít người.

Tôi vẫn dạy học trò rằng người bệnh đến bệnh viện là để chữa bệnh không phải đến để gây chuyện, khiếu kiện vì vậy khi họ không hài lòng cần phải soi lại mình trước.

Tuy nhiên với lương của nhân viên y tế hiện nay cũng rất khó để họ toàn tâm phục vụ người bệnh một cách vô tư.

Một bác sỹ học ở nước ngoài 9 năm, về nước học thêm chuyên khoa định hướng gần 1 năm rồi học tiếp tiến sỹ, lương 3,7 triệu đồng 1 tháng, thấp hơn công nhân làm cho Samsung, thấp hơn lương thợ nề, thấp hơn người giúp việc nhà.

Bởi vậy, làm thế nào để đủ tiền cho cuộc sống mưu sinh và Y đức là một câu hỏi nan giải.

GS Nguyễn Thanh Liêm 

Xem thêm

Tin liên quan