Các nhà nghiên cứu đã phát hiện tức giận có tác động khác biệt đối với sức khỏe mạch máu so với các cảm xúc tiêu cực thông thường khác, chẳng hạn như buồn bã hoặc lo lắng.
Mặc dù những tác động này có thể hồi phục trong thời gian ngắn, nhưng những cơn tức giận lặp đi lặp lại có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch về lâu dài.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (Journal of the American Heart Association) ngày 1/5 vừa qua giúp làm sáng tỏ mối liên hệ phức tạp giữa sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể chất.
"Chúng tôi phát hiện ra rằng, không giống như những cảm xúc khác, sự tức giận có tác động tiêu cực đến sức khỏe mạch máu. Vì vậy, tức giận có thể 'độc cho tim'. Điều này giải thích tại sao cảm giác tức giận có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch" - Bác sĩ Daichi Shimbo, Giáo sư chuyên ngành Tim mạch, Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Cơn giận có thể làm giảm chức năng mạch máu
Giáo sư Shimbo và nhóm của mình đã áp dụng phương pháp nghiên cứu tịnh tiến (một dạng nghiên cứu chuyển giao tri thức từ nghiên cứu cơ bản sang ứng dụng trong thực tế).
Mục tiêu của nhóm là nghiên cứu mối quan hệ giữa trạng thái cảm xúc và sức khỏe của tế bào nội mô, một chỉ số về sức khỏe mạch máu. Tế bào nội mô lót bên trong mạch máu và là một cơ chế thiết yếu để duy trì lưu thông máu khỏe mạnh khắp cơ thể.
Achrekar nói: "Mạch máu của chúng ta không chỉ là những ống dẫn; chúng là những cơ quan tự điều chỉnh và hoạt động để cải thiện hoặc đôi khi làm xấu đi sức khỏe tim mạch của chúng ta."
Nghiên cứu trên 280 người trưởng thành khỏe mạnh được phân ngẫu nhiên vào 1 trong 4 "nhiệm vụ hồi tưởng cảm xúc". Trong quá trình hồi tưởng cảm xúc, những người tham gia được yêu cầu nhớ lại những ký ức và trải nghiệm liên quan đến một cảm xúc nhất định. Họ được phân ngẫu nhiên các loại cảm xúc "tức giận", "lo lắng", "buồn bã" và "trạng thái trung tính về cảm xúc".
Sau đó, các nhà nghiên cứu dựa trên các dấu ấn huyết thanh để đánh giá sức khỏe của tế bào nội mô. Ngoài ra, họ còn kiểm tra dấu hiệu tăng tưới máu phản ứng (chỉ sự tăng lưu thông máu tạm thời đến một khu vực sau một thời gian tắc nghẽn mạch máu).
Ví dụ, khi bạn ngủ quên trên cánh tay và bị tê, thì đó chính là hiện tượng thiếu máu cục bộ, giảm lưu thông máu ở chi. Cảm giác "như kim châm" mà bạn nhận được khi di chuyển cánh tay là kết quả của việc lưu thông máu trở lại.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cơn tức giận ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của tế bào nội mô bằng cách làm suy giảm khả năng giãn nở của mạch máu, hạn chế lưu thông máu. Tình trạng suy giảm này kéo dài đến 40 phút sau khi hồi tưởng rồi mới trở lại mức cơ bản.
Những phát hiện này không được xác định với các trạng thái cảm xúc khác.
Shimbo nói: "Dữ liệu của chúng tôi cho thấy có thể cơ chế giải thích sự lo lắng và buồn bã trong nguy cơ mắc bệnh tim khác với cơ chế giải thích sự tức giận. Vì vậy, nó nhắc nhở chúng ta: Hãy cẩn thận khi gộp chung các cảm xúc tiêu cực khác nhau vào một nhóm."
Tác động của tức giận với nguy cơ mắc bệnh tim
Sự tức giận có ảnh hưởng sâu sắc đến cơ thể và tâm trí, nhưng nó thường bị bỏ qua trong các cuộc thảo luận về sức khỏe tâm thần. Đó là một cảm xúc mạnh mẽ tác động sâu sắc đến phản ứng "chiến-hay-chạy".
Bác sĩ David Spiegel, Phó Chủ tịch Khoa Tâm thần học & Khoa học Hành vi, Giám đốc Trung tâm Căng thẳng và Sức khỏe và Giám đốc Trung tâm Y học Tích hợp tại Trường Y Đại học Stanford cho biết:
"Tức giận được kích hoạt ở đáy não, hạch hạnh nhân (amygdala), kích thích giao cảm chuẩn bị cho cơ thể chiến đấu hay chạy trốn".
Khi bạn tức giận, cơ thể bạn sẽ tràn ngập các hormone căng thẳng gọi là catecholamines. Đây là một nhóm gồm các chất như dopamine, epinephrine (adrenalin) và norepinephrine (noradrenalin). Các hormone này dẫn đến những thay đổi sinh lý có thể nhận thấy như tăng nhịp tim và tăng huyết áp.
Một nghiên cứu nổi tiếng được các nhà nghiên cứu tại Harvard công bố vào năm 2014 cho thấy rằng sau một cơn tức giận, bạn sẽ có nguy cơ cao bị mắc các biến cố tim mạch như đau tim hoặc đột quỵ, đặc biệt là trong vòng 2 giờ đầu tiên. Họ cũng phát hiện ra rằng tần suất tức giận càng cao thì nguy cơ mắc các biến cố tim mạch bất lợi càng lớn.
Mặc dù cơ chế chính xác về tác động của tức giận với các biến cố tim mạch bất lợi vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng có vẻ như các nhà nghiên cứu đang đi đúng hướng.
Spiegel nói: "Điều này nhắc nhở chúng ta rằng tâm trí thực sự được kết nối với cơ thể. Nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả những trải nghiệm tức giận thoáng qua nhưng dữ dội cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng kích thích tim mạch của dòng máu."
Xem toàn bộ nghiên cứu tại đây: https://www.ahajournals.org/doi/full/10.1161/JAHA.123.032698
(Theo Healthline)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Nghiên cứu mới: Tức giận có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].