Báo Điện tử Gia đình Mới

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhắm vào giới trẻ, tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá điếu thông thường

Chỉ trong năm 2023 đã ghi nhận tới 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, báo động tác hại khôn lường của các loại thuốc lá mới này.

Báo động tình trạng nhập viện do thuốc lá điện tử, thuốc lá mới

Ngày 01/10/2022, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Saint Paul tiếp nhận bệnh nhân sinh năm 2006 ở Thạch Thất, Hà Nội trong tình trạng hôn mê, đồng tử giãn tối đa, bệnh nhân đã được đặt nội khí quản. Sau khi tỉnh, bệnh nhân đã nói là hút thuốc lá điện tử được bơm tinh dầu mua trên thị trường .

Vào ngày 9/11/2022, một nam sinh 12 tuổi hút thuốc lá điện tử đã được đưa đến bệnh viện. Sau khi hút, xuất hiện các cơn run, chóng mặt, khó thở và co giật. Các bác sĩ đã lấy mẫu thuốc lá điện tử sử dụng, gửi Viện pháp y quốc gia để xét nghiệm độc tố. Kết quả, trong thuốc có thành phần của một số chất gây nghiện và đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị ngộ độc .

Ngày 5/12/2022, 7 học sinh lớp 3 trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội được đưa vào khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng buồn nôn, đau đầu. Nguyên nhân là do các em đã thử hoặc hít phải thuốc lá điện tử. 

Chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Đó chỉ là 3 trong số hàng nghìn ca phải nhập viện cấp cứu vì thuốc lá điện tử, thuốc lá mới. Theo thông tin từ PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch HĐ Y Khoa quốc gia, Cục trưởng Cục QL Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTH của Thuốc lá, theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Trong đó: 27 trẻ em dưới 16 tuổi; có 44 trẻ vị thành niên (16 – 18 tuổi), 58 người từ 19 – 24; 138 người từ 25 – 44; 377 người từ 45 – 64 tuổi; 580 người từ 65 tuổi trở lên.   Trong đó, 1.096 người là nam; 128 người là nữ.

PGS.TS Khuê cũng cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020 , trong khi đó, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7,0% .

Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023 , . - Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 , lên 8% năm 2023 .- Ở nữ giới tuổi 11-18, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra 11 tỉnh thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4.3% năm 2023. 

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhắm vào giới trẻ, ảnh hưởng tới cả một thế hệ

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang được quảng cáo tràn lan và nhắm vào giới trẻ. Mặc dù các nhà sản xuất tuyên bố các sản phẩm này là giải pháp thay thế cho người hút thuốc và không nhắm vào giới trẻ, tuy nhiên các bằng chứng thực tiễn đều cho thấy các sản phẩm này nhắm tới một lượng lớn khách hàng mới (chưa từng hút thuốc) bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.

Các nhà sản xuất cũng đã và đang sử dụng nhiều cách thức khác nhau để thu hút thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng như: hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang, theo xu hướng công nghệ, bán hàng qua mạng (bán qua app điện thoại thông minh, quảng cáo và mua bán trên internet) là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng, tài trợ cho người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên mạng xã hội để giúp quảng cáo các sản phẩm và dễ dàng tiếp cận với giới trẻ.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhắm vào giới trẻ, ảnh hưởng tới cả một thế hệ.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhắm vào giới trẻ, ảnh hưởng tới cả một thế hệ.

TS NguyễnTrung Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống Độc BV Bạch Mai cho biết, thực tế cho thấy, thuốc lá điện tử và kể cả một số loại thuốc lá nung nóng mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.

Đối với thanh thiếu niên, sử dụng nicotine gây hại lớn đến sự phát triển não bộ, vì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25. Nicotine đã được chứng minh làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.  

Mặt khác, TLĐT/TLNN cũng làm tăng nguy cơ dẫn tới sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở người trẻ. Nghiên cứu cho thấy thanh thiếu niên và người trẻ chưa bao giờ hút thuốc lá nhưng sử dụng thuốc lá điện tử thì có nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn 3,5 lần so với với những người chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.

Đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, nung nóng

Thông tin với báo chí, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để lại những hệ quả rất lớn.

Thứ nhất, mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp, bao gồm nicotin, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác, không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về y tế, kinh tế, an ninh trật tự mà ảnh hưởng đến giống nòi và nhiều lĩnh vực khác. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và lan nhanh trong cộng đồng; Tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotin và các chất gây nghiện khác như ma tuý do không có sự ngăn chặn kịp thời. 

Thứ hai, thuốc lá điện tử sẽ tiếp tục gây gánh nặng bệnh tật và chi phí bệnh tật lớn tại Việt Nam. Tại Việt Nam, WHO ước tính sử dụng thuốc lá gây ra ít nhất 40 ngàn ca tử vong mỗi năm. Chi tiêu cho hút thuốc lá 49.000 tỷ VND/năm : mua thuốc lá (Ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020). Chi phí điều trị mới chỉ 5/25 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam khoảng 1% GDP tương đương với 3 tỷ USD (67.000 tỷ đồng). Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng không làm giảm đi các vấn đề này mà thậm chí sẽ làm tăng các chi phí hơn nữa.

Thứ ba, việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về Phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá và Luật PCTH của thuốc lá. Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá của Việt Nam, các nguyên tắc của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam là thành viên đều thể hiện quan điểm nhất quán chính sách của Nhà nước ta là từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá. Việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới sẽ làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá trở lại, gây khó khăn cho công tác phòng chống tác hại của thuốc lá và nỗ lực của công tác cai nghiện thuốc lá, trái với nguyên tắc giảm nguồn cung và giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết Bộ Y tế đang đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mớ

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết Bộ Y tế đang đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mớ

Trước những tác hại rõ ràng của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ Y tế nhận định: Thuốc lá mới là vấn đề đang rất nóng, dư luận cực kỳ quan tâm, các sản phẩm có khả năng gây nghiện nhanh, đặc biệt đối tượng học sinh, sinh viên. Do đó, cần phải khẩn trương có biện pháp để ngăn chặn kịp thời, tránh cho có thêm nhiều người trong tương lai nghiện nicotine và nguy hại đến sức khoẻ.

Tuy nhiên, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.Việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTH thuốc lá là rất cần thiết để quy định cấm các sản phẩm thuốc lá mới. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần nhiều thời gian, dự kiến tối thiểu 3-5 năm. 

Do vậy, trước mắt, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để xem xét sửa đổi, bổ sung Luật PCTHTL để bổ sung quy định này vào Luật để bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.

- Thuốc lá điện tử là sản phẩm có hệ thống phân phối điện tử (e-cigarette) dạng thiết bị hay tách riêng các bộ phận, được thiết kế để tạo ra sol khí mà người dùng hít vào, được vận hành bằng cách làm nóng dung dịch các chất chứa nicotine hoặc không chứa nicotine, chất tạo hương vị, thường hòa tan thành propylene glycol và/hoặc glycerine, không chứa thành phần thuốc lá.

Có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong sol khí/khói tạo ra từ thuốc lá điện tử và gần 20.000 loại hương vị khác nhau.

- Thuốc lá nung nóng được định nghĩa là: Các sản phẩm tạo ra các sol khí có chứa nicotine và hóa chất độc hại khi thuốc lá được làm nóng hoặc khi một thiết bị có chứa thuốc lá được kích hoạt. Những sol khí này được người dùng hít vào trong quá trình hút hoặc hít thuốc lá nung nóng bằng việc sử dụng một thiết bị. Chúng chứa chất gây nghiện cao nicotine cũng như các chất phụ gia không thuốc lá, và thường có hương vị.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO