Thả cá chép ngày ông Công ông Táo là một trong những tập tục của người Việt vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách thả cá chép đúng.
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, mỗi gia đình lại làm mâm cỗ cúng tiễn ông Táo về trời.
Đây là ngày ông Táo về Thiên đình thông báo sự việc trong gia đình năm qua với Ngọc Hoàng.
Việc thờ cúng ông Táo nhằm thể hiện mong muốn Táo quân giúp giữ bếp lửa gia đình để luôn hạnh phúc và ấm áp.
Người xưa quan niệm rằng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân sẽ cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình.
Vì vậy sau khi cúng bái xong, người thân thường thả cá chép ra sông, hồ để đưa Táo lên chầu trời.
Ngoài ra hành động thả cá chép cũng mang ý nghĩa phóng sinh, thể hiện sự từ bi của người Việt.
Để Táo quân về chầu trời, các gia đình mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ. Tùy vào điều kiện kinh tế gia đình, có thể chọn kích cỡ cá chép, loại cá chép khác nhau.
Trước khi cúng thì gia chủ khấn theo bài khấn, hương cháy 2/3 thì đưa vàng mã ra hóa, đổ 3 chén rượu vào tro, đưa cá chép ra sông, hồ phóng sinh.
1. Thả cá chép đúng cách là thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông, hồ để cá còn có cơ hội được sống. Khi thả cá, dùng tay từ từ nghiêng miệng bao nilon hoặc đồ đựng cá xuống dưới mặt nước để cá tự bơi ra.
2. Không nên dùng tay chạm vào cá vì có thể làm mất lớp nhầy trên vảy cá, khiến cá dễ bị nhiễm trùng và chết.
3. Tuyệt đối không đứng ở thành cầu hay các điểm trên cao ném cá xuống sông, hồ, khiến cá không thể sống được.
4. Không phóng sinh cá ở những nơi môi trường bị ô nhiễm vì cá sẽ ít cơ hội để sống sót.
5. Tránh hành vi thả cá ồ ạt, theo phong trào, không chú ý xem cá có cơ hội sống sót hay không.
6. Tuyệt đối không vứt túi ni lông, chân hương, tàn hương hay các vật dụng thờ cúng khác xuống sông hồ (chân hương, tàn hương sau khi hóa nên đổ ra gốc cây sạch sẽ).