Cúng ông Công ông Táo là tập tục dân gian được truyền lại từ bao đời của người Việt.
Theo quan niệm dân gian, hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép lên Thiên đình chầu trời, báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người.
Vì vậy, cứ vào dịp này, các gia đình Việt sẽ dành thời gian dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa mâm lễ nhỏ cùng tấm lòng thành dâng lên thần linh, gia tiên và cúng tiễn ông Táo lên chầu trời.
Người xưa quan niệm, việc sắm 1 mâm lễ cúng đủ đầy tượng trưng cho ước muốn 1 năm mới may mắn, sung túc.
Tùy theo từng vùng miền, địa phương mà mâm cỗ cúng ông Công ông Táo sẽ gồm các lễ vật khác nhau.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo miền Bắc gồm những gì?
Ở miền Bắc, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo thường có:
- Ba bộ mũ quan (2 bộ đàn ông, 1 bộ đàn bà), vàng mã, 3 con cá chép đỏ, trầu cau, hoa quả, đĩa muối, đĩa gạo,...
- Mâm cỗ mặn: Gà luộc, xôi/bánh chưng, giò/chả, món xào thập cẩm, canh miến/canh bóng thả,...
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo miền Nam gồm những gì?
Ở miền Nam, ngoài các món như mâm cỗ cúng của người miền Bắc thì còn có một số món như:
- Đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen, bộ cò bay ngựa chạy (gồm 1 con cò và 1 con ngựa cắt bằng giấy).
- Một số nơi có thêm chè xôi hoặc mâm trái cây.
Người miền Nam không có tục thả cá chép, không hóa vàng áo mũ thờ vì tập tục từ xa xưa không thờ áo mũ.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo miền Trung gồm những gì?
Mâm lễ cúng ông Táo cả người miền Trung thường có cá thu hoặc cá ngừ, ngựa giấy, hoa tươi, hoa quả, đặt tượng mới và tượng cũ cạnh nhau.
Một số vùng như Huế và Hội An có tục cúng tượng đất Táo quân và dựng cây nêu trước nhà hay sân đình vào sáng ngày 23 tháng Chạp để xua đuổi ma quỷ khi các ông Táo “đi vắng” và vào mùng 7 tháng Giêng sẽ có lễ hạ nêu.
Lễ tiễn Táo Quân về trời vào ngày 23 tháng Chạp ở miền Trung thường diễn ra trọng thể. Đầu tiên, gia chủ sẽ phải thay cát mới trong bát hương và lau dọn bàn thờ ông Táo sạch sẽ. Sau đó bày đồ lễ lên bàn thờ, thắp hương và đọc bài khấn cúng ông Công ông Táo.
Sau khi cúng xong, họ hạ tượng ba ông Táo cũ bằng đất nung trên bàn thờ bếp. Các bức tượng này sẽ được đặt cạnh các am miếu ở đầu xóm hay ở dưới gốc cây cổ thụ ngã ba đường. Sau đó, tượng ba ông Táo mới sẽ được rước lên bàn thờ để bắt đầu một năm làm việc tiếp theo.
Trên đây là một số thông tin hữu ích về mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam để bạn đọc tham khảo.
Dù là ở vùng miền nào đi chăng nữa thì các gia chủ cũng không nên sắm sửa phung phí mà phải dựa vào điều kiện kinh tế của gia đình.
* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo 2022 gồm những gì? tại chuyên mục Tin mới của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].