Bác sĩ Trần Quốc Khánh, Khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Việt Đức chia sẻ về các dự án về sức khoẻ mà anh đã, đang và sẽ làm cho cộng đồng.
Cộng đồng mạng gọi Khánh là ‘bác sĩ hotboy’, ‘bác sĩ ngàn like’ nhưng anh từ chối nói về điều này. Chia sẻ với Gia Đình Mới, bác sĩ Khánh say mê nói về các dự án đã, đang và sẽ làm vì cộng đồng.
Mới đây, anh ra mắt kênh Youtube chuyên về tư vấn sức khoẻ ‘Sống khoẻ cho bạn’. Anh đã mất bao lâu để chuẩn bị cho điều này?
- Tôi đã mất tới gần một năm để chuẩn bị. Tôi chủ yếu mất thời gian vào việc nghiên cứu và biên tập các nội dung đăng tải định kỳ trên kênh đó.
Mọi người vào kênh youtube ‘Sống khoẻ cho bạn’ thì đã có một thư viện kiến thức rồi. Tôi nghĩ mình đã cho đi điều gì thì nên cho những gì giá trị và xứng đáng. Bản thân tôi rất trau chuốt và nâng niu nó.
Trước đó, anh thường xuyên tư vấn kiến thức về sức khoẻ cho cộng đồng qua trang cá nhân và website. Có lý do gì đặc biệt khiến anh lập hẳn một kênh youtube chuyên về sức khoẻ?
- Tôi nhận thấy, nhìn chung hiện nay, trang bị kiến thức về sức khoẻ của cộng đồng chưa thật cao, dù đó chỉ là những kiến thức thường thức về y khoa.
Hầu như người dân đều ít biết về các bệnh cột sống cũng như các bệnh khác. Nhắc đến các bệnh liên quan đến cột sống thì nhiều người còn rất mơ hồ và lo lắng.
Xuất phát từ đó, tôi đã bắt đầu dịch, tổng hợp và sắp xếp các bài viết rồi viết lại cho cộng đồng dễ hiểu hơn. Qua đó, ít nhiều mọi người có thêm những kênh thông tin về sức khoẻ để tham khảo.
Từ đầu năm 2017, tôi bắt đầu ‘live stream’ tư vấn các vấn đề liên quan tới cột sống cũng như các vấn đề khác liên quan đến sức khoẻ cho bệnh nhân.
Tôi nhận thấy, sự tương tác của việc ‘live stream’ hiệu quả hơn các bài viết. Ở đó, bác sĩ và bệnh nhân có sự tương tác hai chiều nên tạo ra sự gần gũi và dễ dàng hơn cho việc tư vấn.
Nội dung các video nói về những gì, thưa bác sĩ?
- Chuyên khoa của tôi là xương khớp, cột sống nên bước đầu, hầu hết các video tôi đăng tải trên youtube tập trung nói về nội dung này.
Thêm vào đó, tôi đưa ra một vài kiến thức về ăn uống, kiểm tra sức khoẻ định kỳ… để mọi người tham khảo.
Sắp tới, nếu nhiều người yêu cầu thì tôi sẽ mời chuyên gia từ các lĩnh vực khác để tư vấn thêm.
Các bác sĩ mà anh dự tính mời để tư vấn cho cộng đồng là ai?
- Tôi mời các bác sĩ ít nhất đã từng học nội trú ra. Vì nội trú chính là sự bảo đảm về chuyên môn, và đó cũng là thương hiệu rất đáng tự hào của những ai hành nghề y.
Tần suất xuất bản các video là bao lâu?
- Tôi cố gắng mỗi tuần xuất bản một video. Tôi nghĩ đó là một kênh hữu ích để mọi người tham khảo.
Các bài viết trên Facebook là một hình thức đơn giản. Tuy nhiên, với các video thì đòi hỏi nhiều công đoạn hơn. Anh đã có những sự trợ giúp như thế nào trong quá trình thực hiện các video?
- Về cơ bản, tôi thực hiện các video với sự trợ giúp của một vài người bạn. Tôi biên tập các nội dung, nhờ bạn quay giúp và dựng video rồi up lên.
Tôi lên nhiều nội dung cho một buổi quay hình để tiết kiệm thời gian. Dung lượng mỗi video không dài, khoảng năm phút đến hơn chục phút cho mỗi bệnh thôi.
Sau khoảng thời gian đăng tải nhiều thông tin hữu ích trên các kênh, chắc hẳn anh nhận được nhiều phản hồi từ cộng đồng. Anh thấy những phản hồi đó như thế nào?
- Qua các kênh, nhiều người đã tiếp cận được nhiều kiến thức cơ bản về y học. Tôi rất mừng vì nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng. Điều này cũng thôi thúc tôi thực hiện các bài viết và các video tiếp theo để phục vụ mọi người.
Ngoài việc cộng đồng tương tác trực tiếp trên các bài viết, các video thì mọi người còn gọi điện để chia sẻ những vấn đề sức khoẻ đang vướng mắc. Dựa trên tình hình thực tế mà tôi đưa ra lời khuyên cũng như tư vấn.
Anh thường khuyên mọi người những điều gì?
- Mọi người hãy tham gia bảo hiểm y tế. Với một khoảng tiền không quá lớn hằng năm, nhưng đổi lại, bảo hiểm y tế là một sự bảo đảm tài chính khi chúng ta gặp những rủi ro về sức khoẻ bất ngờ.
Công tác ở một trong những bệnh viên có lượng người tai nạn lớn nhất cả nước, tôi hiểu được giá trị của bảo hiểm y tế trong những trường hợp đột ngột, đó quả thật là một sự cứu cánh.
Có người nói để được hưởng bảo hiểm thì thủ tục quá rườm rà. Nhưng mọi người yên tâm nhé! Trong những trường hợp cấp cứu, hầu hết các bệnh nhân có bảo hiểm đều giải quyết.
Mọi người nên xây dựng kế hoạch tài chính cho gia đình, trong đó có quỹ y tế để đề phòng lúc ốm đau. Chúng ta kiếm tiền hằng ngày để mua quần áo, giày dép mới, để xây nhà to đẹp hơn, để mua xe đắt hơn, để tụ tập bạn bè thường xuyên hơn… nhưng có mấy ai trích ra một khoản hằng tháng để làm quỹ sức khoẻ phòng lúc ốm đau đột ngột, điều mà có thể xảy ra với bất kỳ ai.
Tuỳ vào thu nhập hằng tháng của mình để cân đối, nhưng tôi khuyên mỗi gia đình nên có quỹ đó, nó thực sự rất cần thiết lúc ốm đau.
Mọi người cần xây dựng thói quen đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho mình và người thân trong gia đình. Không quá tốn kém cả về thời gian và tiền bạc nhưng chúng ta lại có thể dự phòng và phát hiện sớm các bệnh.
Siêu âm ổ bụng, tuyến giáp, tuyến vú ở nữ, tinh hoàn ở nam kết hợp xét nghiệm máu, chụp Xquang phổi, điện tim. Và rất quan trọng là nội soi toàn bộ đường ruột ít nhất một năm một lần. Như vậy là chúng ta đã đảm bảo kiểm tra được một tỷ lệ lớn các cơ quan quan trọng trong cơ thể rồi.
Nếu ai cũng có ý thức trong việc này, sẽ chẳng có chuyện khối u làm tắc cả ruột, sẽ chẳng có chuyện một gia đình phải xin cho người nhà về vì không đủ kinh phí chi trả nằm viện do không có bảo hiểm.
Ở Việt Nam mình thời điểm hiện tại, những trường hợp phát hiện bệnh muộn đang là tình trạng khá phổ biến. Đó là một nỗi buồn và cá nhân bác sĩ nghĩ, tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm để làm thay đổi điều đó.
Luôn có bảo hộ lao động khi đi làm, không đắt đỏ những sẽ phát huy giá trị lúc tình huống tai nạn xảy ra. Tôi chứng kiến quá nhiều những công trường mà công nhân hàn xì, khoan đục, xây trát trên tầng 3, tầng 4 nhưng không đai lưng, không mũ bảo hộ, không găng tay, không kính…
Thậm chí cả quản lý khi vào thăm công trường, mũ bảo hộ lao động cũng không đeo. Vô tình viên gạch, thanh xà... trên cao rơi vào đầu thì sẽ ra sao?
Tại sao lại tự đưa mình vào một tình huống có nguy cơ rủi ro cao trong khi tự mình có thể loại bỏ được điều đó.
Các nước phát triển không phải vô cớ mà luôn đặt ưu tiên bảo đảm an toàn cho công nhân và cho mọi người là ưu tiên số một, vì với họ, mạng người không bị coi nhẹ như ở đất nước mình.
Trở lại với dự án trên Youtube, anh kỳ vọng điều gì?
- Tôi mong càng nhiều người biết tới kiến thức y học thường thức càng tốt. Tôi cũng chỉ mong muốn mọi người hãy xem những kênh sức khoẻ của tôi là một kênh để tham khảo, nếu thấy giá trị thì hãy chia sẻ để cộng đồng được biết đến nhiều hơn. Vì mọi sự lan toả những gì có giá trị đều là những điều tuyệt vời.
Tôi cố gắng tạo ra hệ thống kênh cung cấp thông tin về sức khoẻ cho cộng đồng.
Bận bịu với công việc tại bệnh viện, tại phòng khám và các chương trình khám bệnh thiện nguyện, đã bao nhiêu cuối tuần rồi anh không ở lại Hà Nội?
- Đã 3 cuối tuần liên tiếp tôi không ở lại Hà Nội. Cứ chiều Thứ 6 tôi lên đường về quê nhà ở miền Trung, tối Chủ Nhật lại lên đường ra Hà Nội, sáng Thứ 2 đi làm bình thường.
Khoảng thời gian này, tôi đang gấp rút chuẩn bị cho sự ra mắt ‘Quỹ phẫu thuật bệnh nhân nghèo’ trên mảnh đất quê hương nên tôi di chuyển nhiều.
Xuất phát từ đâu mà anh có suy nghĩ xây dựng Quỹ phẫu thuật bệnh nhân nghèo?
- Là một phẫu thuật viên, được làm việc ở một bệnh viện ngoại khoa lớn của cả nước, tôi đã chứng kiến và trực tiếp tham gia phẫu thuật cho rất nhiều người bệnh có hoàn cảnh thực sự khó khăn, không lối thoát. Trong đó, có rất nhiều những trường hợp ám ảnh tôi suốt một thời gian dài.
Ngày tháng trôi qua, tôi cứ đau đáu một giải pháp nhằm có thể hỗ trợ được phần nào những mảnh đời không may mắn, mang đến cho bệnh nhân những niềm tin được hồi sinh thêm một lần nữa, khi cơ hội y học vẫn đang còn. Xuất phát từ đó, ‘Quỹ phẫu thuật bệnh nhân nghèo’ đã ra đời.
Bác sĩ đã bị ám ảnh bởi những trường hợp như thế nào?
- Rất nhiều bạn ạ. Đó là tai nạn của những người khi cùng đi trên một chuyến xe, cả gia đình bị thương. Là một thầy giáo dạy thể dục ở một trường cấp 3 miền núi vừa được nhận vào biên chế thì bị tai nạn phải cắt cụt chân.
Hay một cháu bé mới hơn 10 tuổi với đôi mắt hồn nhiên của trẻ thơ nhưng đã mang trong mình những căn bệnh khủng khiếp mà ở tuổi cháu chưa hình dung ra được.
Là hai chị em người dân tộc bị bệnh tim bẩm sinh, da tím tái, không có tiền phẫu thuật vì người mẹ quá nghèo, chỉ biết nằm thoi thóp thở.
Mỗi hoàn cảnh, mỗi mảnh đời đi qua cuộc đời tôi là một lần ám ảnh...
Chắc hẳn trước khi có suy nghĩ thành lập quỹ, anh cũng đã có hành động để cứu giúp những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn?
- Ngày trước, mỗi lần gặp những hoàn cảnh như vậy, tôi thường kêu gọi báo chí viết bài về những trường hợp này, cũng được mấy chục triệu.
Hoặc có những lần khác, tôi liên hệ với những bạn bè thân thiết và mỗi người một ít để quyên góp ủng hộ cho bệnh nhân được phẫu thuật.
Nhưng cũng có những lần chẳng làm được gì nữa thì đó là một nắm tay thật chặt và những lời động viên, vì tôi cũng hiểu rằng, một lời hỏi thăm động viên chia sẻ của người thầy thuốc mang lại rất nhiều niềm tin và hy vọng cho bệnh nhân…
Bệnh nhân mà quỹ sẽ hỗ trợ từ các bệnh viện nào là chủ yếu?
- Chúng tôi tập trung vào các Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và các bệnh viện tim trên địa bàn Hà Nội.
Có vẻ như anh hướng tới đối tượng chủ yếu là các bệnh nhi?
- Tôi sẽ ưu tiên trẻ em nhiều hơn so với các độ tuổi khác.
Vì trẻ em là mầm non của đất nước, tâm hồn các em như những tờ giấy trắng và chưa đáng bị cướp đi cuộc sống, chưa đáng bị tật nguyền. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hỗ trợ các ca mổ thuộc diện cực kỳ khó khăn, những tai nạn hàng loạt.
Quỹ đang đi được đến bước nào rồi, thưa bác sĩ?
- Chúng tôi dự kiến tổ chức hai đêm nhạc gây quỹ trong năm nay, một đêm thực hiện ở tỉnh Hà Tĩnh và một đêm ở Hà Nội.
Tôi hy vọng, đầu năm 2018, quỹ sẽ đi vào hoạt động chính thức để các bệnh nhân nghèo phải phẫu thuật sẽ được hỗ trợ phần nào.
Tôi kêu gọi nguồn hỗ trợ từ bạn bè, người thân, các doanh nghiệp, các tập đoàn và các ngân hàng... Và tôi cũng hy vọng sau hai đêm nhạc ở Hà Tĩnh và Hà Nội thì quỹ sẽ huy động được trên dưới 1 tỷ đồng, như vậy quỹ có thể hỗ trợ cho được gần 100 ca mổ trong năm 2018.
Tôi cũng đã thành lập đường dây nóng giữa tôi với hơn 10 mạnh thường quân để có thể hỗ trợ, giúp đỡ thêm cho những trường hợp đặc biệt, cần nhiều tiền hơn để phẫu thuật.
Kết thúc đêm nhạc ra mắt 'Quỹ phẫu thuật bệnh nhân nghèo' diễn ra rại tỉnh Hà Tĩnh tối ngày 9/12, quỹ tạm tính thu được 700 triệu đồng từ các nhà hảo tâm.
Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp trao 60 triệu trích từ quỹ cho 3 trường hợp khó khăn do bác sĩ Trần Quốc Khánh kêu gọi.
Tức là từ đầu năm 2018 thì quỹ mới bắt đầu giúp đỡ các bệnh nhân hay có nhiều ca mổ đã được thực hiện trước rồi?
- Thực tế, quỹ đã tài trợ cho hai ca bệnh cần phẫu thuật, mỗi ca 10 triệu đồng. Một ca là cháu bé quê Bắc Ninh đã mổ u não 9 lần, một ca là cháu bé 10 tuổi người dân tộc Mường quê Hoà Bình bị trượt đốt sống cổ. Cả hai bệnh nhân đều điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn.
Thực sự, với mỗi ca bệnh, quỹ chỉ hỗ trợ một phần nào đó, trong mỗi bệnh viện đều có phòng công tác xã hội cũng như nhiều tấm lòng khác chung tay giúp đỡ.
Chi phí mỗi ca mổ khác nhau. Anh có xây dựng quy định tài trợ khoản tiền nhất định cho mỗi ca bệnh không hay tuỳ vào từng trường hợp để xử lý?
- Thông thường, giới hạn hỗ trợ mỗi ca mổ của quỹ rơi vào khoảng từ 10 đến 20 triệu đồng. Nếu ca mổ đặc biệt cần nhiều tiền hơn thì chúng tôi sẽ xem xét để tài trợ thêm.
Anh nghĩ sự hữu ích của quỹ này là gì?
- Với quỹ này, tôi và các nhà tài trợ có thể chủ động hơn trong việc hỗ trợ cho những ca mổ bệnh nhân nghèo.
Những tấm lòng hảo tâm có thêm một địa chỉ để tìm đến, là nơi con người tìm đến với nhau vì có cùng chung một trái tim ấm áp và tâm hồn hướng thiện.
Tôi hy vọng quỹ sẽ là cầu nối giữa những tấm lòng từ bi với những bệnh nhân nghèo cần được mổ.
Một người cần giúp đỡ và một người muốn cho đi nếu họ gặp nhau đúng thời điểm thì thật tuyệt vời, và mọi sự giúp đỡ dù nhỏ nhoi nhưng khi được hội tụ cùng nhau sẽ làm nên những điều kỳ diệu. Tôi luôn tin vào điều đó.
Hiện nay, câu chuyện từ thiện gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng. Anh làm thế nào để minh bạch quỹ của mình?
- Cuối mỗi tháng, mỗi quý, quỹ sẽ tổng kết và cung cấp thông tin, hình ảnh về những trường hợp được hỗ trợ, kết quả phẫu thuật và bình phục của bệnh nhân cho tất cả những tấm lòng vàng.
Tất cả thông tin sẽ được thông báo rộng rãi trên website chính thức của quỹ: https://songlachodi.com và fanpage: Quỹ phẫu thuật bệnh nhân nghèo.
Ngoài ra, quỹ cũng sẽ gửi những thông tin này đến những tấm lòng nhân ái đã và đang đồng hành cùng quỹ qua email. Vì tôi biết rằng, nhận và đọc những dòng tin đó là niềm vui mỗi ngày của những tấm lòng nhân ái.
Cuối mỗi năm, quỹ sẽ đều tổ chức hai đêm nhạc để tổng kết hoạt động một năm qua của quỹ cũng như gây quỹ cho năm mới.
Ngoài việc cung cấp cho cộng đồng các kênh youtube, facebook, website, anh còn tư vấn cho các đối tượng khác qua hình thức nào?
- Tháng 1/2018, tôi và các nghệ sĩ đoàn ca múa nhạc Việt Nam sẽ đi một chuyến Tây Bắc để khám chữa cho trẻ em dân tộc. Các nghệ sĩ sẽ huy động nguồn áo len, quần len, ủng cho các trẻ em.
Còn tôi và bác sĩ khác vừa đi khám vừa kêu gọi thuốc men cho các cháu. Vì chúng tôi chỉ đi hai ngày cuối tuần, thời gian ít nên cũng phải lựa chọn điểm dừng chân hợp lý.
Trong năm 2018, tôi đã nhận lời viết bài về sức khoẻ - dinh dưỡng cho các cháu thiếu niên ở vùng biên giới và hải đảo trên tập san chuyên về biên giới - hải đảo của chính phủ.
Tôi cũng hợp tác với báo Thiếu niên Tiền phong để mỗi năm sẽ có vài chuyến đi tới trường các cháu học, chia sẻ về sức khoẻ - dinh dưỡng và giúp nuôi dưỡng ước mơ, hy vọng cho các cháu. Có thể tôi sẽ mời một số chuyên gia nhi khoa nữa cùng đồng hành với tôi.
Anh và cộng sự của mình đã có chiến lược như thế nào để các dự án của mình lan toả được tới cộng đồng?
- Tôi nghĩ cứ phải làm đã, nếu như nó tốt và có giá trị thì bản thân nó sẽ tự lan toả trong cộng đồng.
Trong năm 2018, tôi sẽ làm đầy đặn kênh youtube ‘Sống khoẻ cho bạn’ và duy trì ‘live stream’ trên mạng xã hội. Thêm vào đó, tôi sẽ mời các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực để tư vấn sức khoẻ cho mọi người.
Anh suy nghĩ như thế nào trước và trong quá trình thực hiện các dự án cho cộng đồng của mình?
- Sống một cuộc sống cho riêng mình thì đơn giản quá, tôi nghĩ vậy. Với suy nghĩ đó, tôi luôn mong muốn chung tay làm được nhiều điều hơn nữa cho cộng đồng, cho những mảnh đời chưa được may mắn, ít nhất là những người bệnh cần phẫu thuật, để tình người với người được ấm áp hơn, để cuộc sống nhân gian ngày càng đẹp và nhân văn hơn, để cứ mỗi sáng mai thực dậy, ta thấy cuộc đời thật đẹp và đáng sống, phải không bạn?
Sống là cho đi – Cho đi là còn mãi.
Xin cảm ơn anh!