Ca đỡ đẻ có một không hai trong đời làm điều dưỡng
Ca đỡ đẻ có một không hai trong đời làm điều dưỡng
Ngày 29/3, tại bệnh viện đa khoa huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang), 3 bác sĩ, điều dưỡng trong ê-kip đỡ đẻ thành công cho sản phụ Giàng Thị Thao (xã Lạc Nông) bị tai nạn dưới khe núi trong ngày 31/1 vui mừng, xúc động khi nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Đó là bác sĩ Nguyễn Thị Săm, điều dưỡng Nguyễn Thị Mẫn và điều dưỡng Phạm Viết Xuân.
Nhận Bằng khen và những lời chúc mừng từ ông Vũ Mạnh Cường và bà Hoàng Thị Thơm, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), nam điều dưỡng Phạm Viết Xuân (SN 1989, điều dưỡng khoa Ngoại - Sản) không giấu được sự xúc động: "Tôi và ê kíp rất vui khi được lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá, ghi nhận. Đỡ đẻ thành công cho sản phụ Giàng Thị Thao không may bị tai nạn rơi xuống khe núi sẽ là kỷ niệm sâu sắc trong sự nghiệp đối với cả ê-kíp".
Nam điều dưỡng Phạm Viết Xuân nhớ lại: Hôm đó là giáp Tết Âm lịch Kỷ Hợi, vừa tới bệnh viện làm công việc thường ngày, tôi cùng bác sĩ Nguyễn Thị Săm và điều dưỡng Nguyễn Thị mẫn nhận được chỉ đạo của Ban Giám đốc bệnh viện về việc có một sản phụ bị tai nạn rơi xuống khe núi khi trên đường lên bệnh viện để sinh em bé nên chúng tôi đã ngay lập tức chạy xe tới nơi sản phụ gặp tai nạn.
Đó là một khe núi sâu, ở phía mặt đường, cách bệnh viện huyện chừng 2km đường đèo. Đường khó đi nhưng việc trèo xuống vực sâu 10m còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Đêm hôm trước trời mưa, men lối đi xuống khe núi rất trơn, cỏ ướt nhẹp, rất nguy hiểm khi trèo xuống nhưng nghĩ tới sự an nguy của sản phụ, 3 người chúng tôi đều cố gắng tiếp cận bệnh nhân nhanh nhất có thể.
Xuống tới nơi, chúng tôi thấy sản phụ đang ở trong tình trạng chuyển dạ, đầu em bé đã thập thò ở tử cung nên đã gọi điện xin chỉ thị của Giám đốc Nguyễn Ngọc Chung để được đỡ đẻ tại chỗ.
Ê kíp đã mang sẵn bộ đỡ đẻ lưu động, dụng cụ hấp sấy nên nhanh chóng tiến hành đỡ đẻ cho thai phụ. Trong hoàn cảnh dưới khe núi ẩm ướt, cả ê kíp đều thống nhất làm sao vừa giúp sản phụ bình tĩnh để sinh con ra an toàn, vừa cẩn thận hết mức có thể để đảm bảo sự vô trùng cho cả mẹ và bé.
Chúng tôi trải ni lông mang sẵn, băng, gạc để cắn rốn, vệ sinh sạch sẽ cho mẹ và bé rồi cùng với người nhà dìu sản phụ lên đường. Bác sĩ Nguyễn Thị Săm phải bế cháu bé lên cao để tránh bị cỏ cào xước.
Khi được đưa tới bệnh viện đa khoa Bắc Mê, được sự chăm sóc của Giám đốc bệnh viện Nguyễn Ngọc Chung và bác sĩ, điều dưỡng khoa Ngoại - Sản, sức khỏe của 2 mẹ con sản phụ Giàng Thị Thao đã tiến triển tốt và được xuất viện về nhà đón Tết.
Luôn sẵn sàng lên đường đỡ đẻ lưu động
Chia sẻ với phóng viên Gia Đình Mới, điều dưỡng Phạm Viết Xuân cho hay: "Ở Bắc Mê, đa số là người dân tộc thiểu số sinh sống như Pà Thẻn, Lô Lô, La Chí, Pu Péo, Bố Y, Phù Lá...
Ngoài sự khó khăn về điều kiện kinh tế, việc đi lại giữa các thôn, bản tới bệnh viện huyện khó khăn, người dân của các dân tộc thiểu số còn có sự hạn chế về trình độ dân trí và còn nhiều phong tục lạc hậu nên các sản phụ hầu như đều sinh nở tại nhà.
Do đó, cán bộ, y bác sỹ, điều dưỡng của bệnh viện đa khoa Bắc Mê luôn trong tình trạng sẵn sàng lên đường vượt những cung đường đèo, cua, dốc để tới từng thôn, bản, thậm chí là ruộng đỡ đẻ, cấp cứu cho những sản phụ đẻ rơi, hoặc gặp biến chứng khi tự sinh ở nhà.
"Việc đỡ đẻ lưu động dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc bệnh viện đã trở thành một công việc quen thuộc. Các dụng cụ đỡ đẻ lưu động luôn được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng để chúng tôi lên đường.
Mỗi khi nhận được tin báo có sản phụ cần giúp đỡ, tôi cũng như tất cả cán bộ, y bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện đều cố gắng di chuyển nhanh nhất, vừa di chuyển vừa gọi điện liên tục cho người nhà bệnh nhân để nắm bắt tình hình và hướng dẫn để bệnh nhân được đảm bảo an toàn.
Có những trường hợp sản phụ ở mãi trong bản sâu, xe ô tô không di chuyển được nên chúng tôi chạy xe máy tới rồi đi bộ vài cây số để tới nơi bệnh nhân đang đợi. Và mỗi lần như vậy đều là những kỷ niệm rất đáng nhớ trong cuộc đời làm nghề y của tôi.
Điều dưỡng Phạm Viết Xuân công tác tại bệnh viện đa khoa huyện Bắc Mê đã 7 năm. Hỏi anh rằng những lúc mệt nhọc vì công việc ở một địa bàn vùng sâu đầy khó khăn, có khi nào anh muốn chuyển công tác tới một đơn vị khác điều kiện tốt hơn, nam điều dưỡng từ tốn: "Vì nơi đây khó khăn, người dân chưa thực sự hiểu về việc khám chữa bệnh, sinh con tại bệnh viện nhưng tôi mong muốn tiếp tục được đóng góp một phần nhỏ vào việc thay đổi quan niệm của người dân nơi đây để chăm sóc sức khỏe cho họ được tốt hơn.
Hơn nữa, với tôi, ngành Y là để cứu người nên làm việc ở đâu cũng vậy, càng ở nơi vùng sâu như Bắc Mê, càng cần có những cán bộ, y bác sỹ nỗ lực, cố gắng hết mình vì dân bản".
Việt LinhBạn đang xem bài viết Ca đỡ đẻ có một không hai trong đời ở khe núi Bắc Mê, Hà Giang của nam điều dưỡng tại chuyên mục Chân dung Bác sĩ của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].