Đại hội Thể thao châu Á 2018 Jakarta Palembang, Indonesia đã khép lại nhưng dư âm về kết quả, thành tích thi đấu của đoàn Việt Nam, nhất là đội tuyển Olympic bóng đá nam tại đấu trường thể thao lớn nhất Châu Á vẫn được nhiều người vẫn nhắc đến.
Vị tổ trưởng tổ y tế Asiad 2018 của đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) cởi mở, thoải mái chia sẻ về hành trình đồng hành cùng đoàn TTVN trong gần 20 ngày diễn ra và câu chuyện của một bác sĩ thể thao.
Một tuần sau khi trở về từ Asiad 2018 với vai trò tổ trưởng tổ y tế, điều gì khiến ông nhớ nhất?
- Có lẽ những khi nhớ nhất là ngày đoàn TTVN có thành tích. Khi chưa nhìn thấy bóng dáng của những tấm huy chương ở các bộ môn được kỳ vọng chưa thấy đâu, chúng tôi đều rất sốt ruột. Sau rất nhiều chờ đợi, đoàn TTVN đã giành được tấm huy chương vàng (HCV) đầu tiên tại Asiad 18 khi các tuyển thủ rowing về nhất ở nội dung thuyền 4 nữ mái chèo hạng nhẹ trong ngày thi đấu thứ 5.
Rồi 4 ngày sau, vận động viên (VĐV) Bùi Thị Thu Thảo đã xuất sắc giành tấm HCV ở nội dung nhảy xa. Đây là tấm HCV thứ 2 của đoàn TTVN ở Asiad 2018. Cùng ngày hôm đó, đội tuyển Olympic Việt Nam giành vé vào bán kết.
Tiếp theo, đoàn TTVN giành được 2 tấm HCV Pencak Silat, nâng tổng số HCV giành được tại Á vận hội lần này lên 4 và hoàn thành chỉ tiêu đề ra là giành ít nhất 3 HCV trước khi lên đường tham dự Đại hội.
Như vậy có thể nói, toàn đoàn cùng mong ngóng đến giờ phút cuối cùng?
- Đúng vậy! Trước khi bế mạc Asiad 2018 một ngày, chúng ta có trận thi đấu cuối cùng là chung kết cầu mây giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan. Chúng ta đều biết Thái Lan là một đối thủ mạnh, nếu không có sự may mắn thì khó có thể giành chiến thắng được. Chúng tôi vẫn đặt hy vọng: “Biết đâu có thể”.
Hay trong trận Bán kết giữa đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam gặp UAE, trong những thời khắc cuối cùng của loạt penalty, chúng tôi vẫn không ngừng hy vọng.
Khi cả đoàn mong có thể vượt chỉ tiêu, chúng tôi nghẹt thở. Lúc hoàn thành, chúng tôi như trút được gánh nặng. Tất cả đều rất đáng nhớ đối với chúng tôi.
Những khi Việt Nam đạt thành tích, niềm vui của các bác sĩ như thế nào?
- Chúng tôi đã cùng nhau trải qua giây phút mong chờ thành tích, mong đến mức kiệt sức rồi thì thành tích bất ngờ đến. Khi một VĐV đạt thành tích, chúng tôi như cảm nhận được sự hân hoan. Chúng tôi bày tỏ và lan toả niềm vui một cách hồn nhiên.
Đó là sự thành công rất gần, rất quen, là thành tích của VĐV nhưng cũng là của toàn đội. Dù là trưởng đoàn hay là bác sĩ, lúc đó, dường như chúng tôi chỉ đơn thuần là một người Việt Nam với tình yêu tổ quốc mãnh liệt, hãnh diện khi giành chiến thắng.
Đời người, khi trực tiếp có mặt chứng kiến lá cờ Việt Nam tung bay ở vị trí cao nhất tại các trận đấu là một điều hạnh phúc. Có thể khi nhìn vào một người bác sĩ, nhiều người sẽ nghĩ chúng tôi bản lĩnh, sắt đá nhưng vào thời khắc đặc biệt đó thì chúng tôi cũng đong đầy cảm xúc. Dù là người từng trải đến đâu, đứng trong khoảnh khắc đó thì khó kìm nén được.
Ông có thể chia sẻ một ngày làm việc tại Asiad của tổ y tế?
- Tổ y tế chúng tôi gồm: bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng, săn sóc viên đi theo phục vụ cho VĐV, huấn luyện viên… Lần này, tổ y tế có 16 người.
Trong đó có 2 người từ đội tuyển bóng đá nam, 2 người từ đội tuyển bóng đá nữ, Bệnh viện Thể thao Việt Nam có 7 người, 5 người của Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội và 3 người từ Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia 2 và Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch TP.HCM và Viện Khoa học Thể thao. Vì thi đấu ở hai nơi nên chúng tôi chia 3 người ở Palembang, còn lại ở Jakarta.
Giờ giấc tại Asiad của tổ y tế phụ thuộc vào giờ thi đấu và tập luyện của VĐV. Có những môn 7 giờ thi đấu thì 5 giờ, mọi người lục đục dậy chuẩn bị khởi hành cùng VĐV tới địa điểm thi đấu.
Có những ngày, 23 giờ, chúng tôi vẫn còn ở địa điểm thi đấu. Ai về trước thì xử trí chấn thương cho VĐV tại phòng điều trị lưu động tại nơi nghỉ.
Khối lượng làm việc và áp lực với tổ y tế lớn đến thế nào, thưa ông?
- Áp lực với chúng tôi là đương nhiên. Chúng tôi hiểu với chỉ tiêu đề ra, VĐV phải gắng sức thực hiện để đạt được. Chúng tôi hỗ trợ VĐV để làm được điều đó.
Càng thi các giải nhỏ thì VĐV lại càng áp lực thành tích. Chúng tôi có kinh nghiệm trong việc chịu đựng áp lực đó. Trước mỗi kỳ đại hội lớn, chúng tôi đều tập huấn để các bác sĩ và nhân viên hiểu công việc của mình như thế nào trong điều kiện ra sao…
Khi mỗi đợt thi đấu qua đi, chúng tôi chợt nhận ra mình vừa thoát ra khỏi một điều gì đó vô cùng phức tạp mà không lường trước được.
Nhưng lúc đó, không có ai dừng lại mà chỉ có một điều duy nhất là làm tốt nhất những gì có thể cho vận VĐV và đội tuyển. Bởi nếu dừng lại, chúng ta sẽ không có gì.
Vậy còn những khi VĐV không đạt được như kỳ vọng thì sao?
- Bất cứ trận thi đấu nào cũng có thành công và thất bại. Nếu thành công thì chúng ta sẽ dễ dàng với nhau hơn. Nhưng không may mắn, nếu thất bại thì cần ngồi xuống xem xét nguyên nhân.
20 năm nay, đã có không ít sự “đổ lỗi” khi VĐV thất bại. Trước đây, chúng ta đổ lỗi cho nhiều thứ, trong đó có y tế. Từ 2010 trở lại đây, chúng tôi nhìn nhận sự thất bại đến từ yếu tố khách quan và khoa học.
Tôi cho rằng đây là điều tích cực, chúng ta đã thoát khỏi vòng luẩn quẩn của việc đổ lỗi. Nhờ điều này mà thành tích của đoàn thể thao Việt Nam ngày một tốt hơn.
Chúng ta phải biết chấp nhận thất bại. Chúng tôi cũng vậy, không phải lúc nào cũng có thể khắc phục được tất cả chấn thương của VĐV trong quá trình thi đấu.
Chúng ta không thể kỳ vọng khắc phục được chấn thương chỉ trong vài tiếng hay một hai ngày khi nó đã được chứng minh phải mất cả tháng trời. Chúng tôi không bất chấp đưa VĐV vào tình thế nguy hiểm mà phải tìm cách bảo vệ sức khoẻ của VĐV.
Các bác sĩ có sự cảm nhận như thế nào với VĐV?
- VĐV có mặt tại các giải đấu để thi đấu chứ không phải giao lưu. Khi gặp đối thủ mà phải tranh giành huy chương thì sự nỗ lực đó phản ánh trong từng cử chỉ, nét mặt, ánh mắt.
Còn 10, 15 giây nữa thôi, VĐV sẽ bước lên sàn thi đấu với một đối thủ nặng ký, chúng tôi nhìn thấy tâm tư của họ phản chiếu qua ánh mắt. Có điều gì đó vô thức cứ thế dìu dặt vào suy nghĩ, là sự quyết tâm cao độ của VĐV. Nếu càng cảm nhận được điều đó sắc nét thì sự đồng điệu của mình với VĐV càng lớn.
Ông có thể chia sẻ tình huống bảo vệ sức khoẻ của VĐV?
- Tại Olympic Rio de Janeiro 2016, đô vật Vũ Thị Hằng ở nội dung 48 kg đã không thể thi đấu do chấn thương.
Dù đã có mặt tại Brazil, đã nỗ lực rất nhiều trong tập luyện để mang vinh quang về cho Tổ quốc nhưng đô vật Vũ Thị Hằng đã được bộ phận y tế của Đoàn Thể thao Việt Nam và Tiểu ban y tế của BTC môn Vật xác nhận bị tái phát chấn thương cột sống, thắt lưng.
Chúng tôi cân nhắc: Trình độ của VĐV tại Olympic chênh lệch nhiều, đến mức chỉ cần một cú đánh của đối phương cũng làm cuộc đời của VĐV thay đổi. Và cuối cùng phải đưa ra quyết định Hằng không được phép thi đấu vì có thể dẫn đến nguy hiểm.
Ông có thể chia sẻ một tình huống cụ thể?
- “Khi nào tôi có thể quay lại thi đấu được?” hoặc “Liệu ngày mai tôi thi đấu có đảm bảo được kết quả như mong muốn không” là những câu hỏi khó, vô hình trung gắn với công tác chuyên môn của tổ y tế.
Trả lời “Có”, nếu ngày mai VĐV vừa khởi động đã bị đau thì sao? Mà trả lời là “Không” thì có thể VĐV không thoả đáng với biết bao công sức đã đầu tư với sự chuẩn bị bao nhiêu ngày tháng, chờ đợi cơ hội được thi đấu.
Khi gắn với bệnh lý có thể bị nguy hiểm khi thi đấu là một bài toán khó mà đôi khi cần cả hội đồng y học. Nhưng với đại hội thể thao, việc có hội đồng y khoa là điều không thể. Vì vậy, các y bác sĩ đi theo đoàn chính là người trả lời câu hỏi đó.
Trong thời khắc cùng đưa ra quyết định tạm ngừng thi đấu của vận động viên nào đó, ông nghĩ tới điều gì?
- Chúng tôi hiểu tâm lý của VĐV, di chuyển từ Việt Nam tới Brazil sau thời gian dài tập luyện, phấn đấu để có mặt thi đấu 1 giờ để trước khi trận đấu bắt đầu vài phút thì thông báo sức khoẻ không cho phép họ thi đấu. Đó là cú sốc lớn với vận động viên? 4 năm nữa, 8 năm nữa, 12 năm nữa hay không bao giờ?
VĐV có sự hoảng loạn: chấn thương có giải pháp xử lý không? Liệu khi mình mất thời gian chữa trị thì có được quay lại thi đấu ở các giải khác nữa không?
Chính chúng tôi phải cân nhắc thông tin chính xác và có lợi cho VĐV chứ không sẽ đẩy vận động viên vào tuyệt vọng, không thể sửa chữa được. Đó là tâm lý thi đấu thể thao chuyên nghiệp, ảnh hưởng tới các VĐV khác…
Trải nghiệm trong thể thao chuyên nghiệp đã cho chúng tôi kinh nghiệm điều hoà 3 điều đó. Ở đây không phải là chỗ của bác sĩ thiếu kinh nghiệm bởi không thể lấy lại được những cái đã nói.
Chúng tôi có quy định: với mức độ chấn thương có tiên lượng ngừng thi đấu hoặc ảnh hưởng thành tích, chúng tôi là người trực tiếp ý kiến và có trao đổi trong nhóm bác sĩ hàng đầu với nhau.
Trải nghiệm trong thể thao chuyên nghiệp đã cho chúng tôi kinh nghiệm điều hoà 3 điều đó. Ở đây không phải là chỗ của bác sĩ thiếu kinh nghiệm bởi không thể lấy lại được những cái đã nói. Chúng tôi có quy định: với mức độ chấn thương có tiên lượng ngừng thi đấu hoặc ảnh hưởng thành tích, chúng tôi là người trực tiếp ý kiến và có trao đổi trong nhóm bác sĩ hàng đầu với nhau.
Còn về công tác chuyên môn thì sao, thưa ông?
- Khi chuẩn bị gặp đối thủ, chúng tôi hiểu câu chuyện thể lực, chấn thương, cái gì đã giải quyết được cho VĐV và cái gì còn tồn tại. Khi VĐV thất bại thì việc đầu tiên là chúng tôi rà soát ngay.
Vì để vài ngày sau hoặc khi trở về thì đã quá muộn rồi, mọi thứ chỉ là mơ màng. Chúng tôi tích luỹ 5 năm 10 năm nhiều năm để nhận lại bài học cho các cuộc sau này.
Là một bác sĩ, ông có sự chia sẻ như thế nào với VĐV thi đấu thất bại hoặc phải ngừng thi đấu?
- Khi VĐV thi đấu thất bại hoặc buộc phải ngừng thi đấu, họ trở nên trống rỗng, vô cảm và không quan tâm đến cái gì khác. Đây không phải là nỗi buồn có thể khóc toáng lên rồi thôi. Đó là sự thay đổi lớn về mặt tâm lý.
Tôi cho rằng, thay vì lúc đó đến vỗ vai an ủi vận động viên, nói họ cố gắng lên thì nên im lặng. Chỉ những người theo sát và gắn bó thì mới dễ dàng mở lời.
Lúc đó, với trách nhiệm của người bác sĩ thì cần cho vận động viên biết thời điểm nào họ có thể quay trở lại thi đấu được. Làm gì để thành tích của họ quay trở lại – điều mà họ vừa mất đi.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Tú AnhBạn đang xem bài viết Bác sĩ Việt Nam tại Asiad 2018: Mong đến mức kiệt sức rồi thì thành tích bất ngờ đến tại chuyên mục Chân dung Bác sĩ của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].