Ho là một triệu chứng mà người cao tuổi hay gặp. Họ đến gặp thầy thuốc với một bộ mặt thiểu não, mệt mỏi do mất ngủ vì ho.
Vậy đâu là nguyên nhân gây ho ở người cao tuổi và cách điều trị thế nào? Trong bài viết này, chuyên gia tai mũi họng TS.BS Phạm Thị Bích Đào (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) sẽ chỉ ra những nguyên nhân gây ho ở người cao tuổi và cách điều trị bệnh hiệu quả.
Người cao tuổi mang trong người rất nhiều bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm phế quản… đồng hành với đó là sự suy giảm chức năng của các cơ quan trọng yếu trong cơ thể như gan, thận.
Họ thường xuyên phải sử dụng rất nhiều loại thuốc phối hợp như cơm hàng ngày vì thế mỗi khi họ bị các bệnh cấp tính khác thường rất khó khăn khi dùng thuốc trị bệnh.
Người cao tuổi thường ho nhiều và ho thành cơn, thậm chí ho không kiểm soát được tiểu tiện.
Ho là một phản xạ bảo vệ đường thở khi có những kích thích dạng hơi hoặc dạng dịch, dạng rắn... tác động vào vùng họng – thanh quản.
Ho cũng là phản xạ có lợi để bảo vệ phổi, chính vì thế người ta tìm nguyên nhân ho để chữa mà không phải cắt cơn ho trừ những trường hợp ho thành từng cơn ảnh hưởng tới sinh hoạt và hoạt động hàng ngày của người bệnh.
Một số nguyên nhân gây ho ở người cao tuổi gồm:
Tình trạng viêm mũi xoang, viêm họng, viêm phế quản… đều gây ho cho người bệnh.
Hơn nữa, do sức đề kháng của người cao tuổi đã giảm nên khi đã chẩn đoán họ bị ho do nhiễm khuẩn thì cần phải sử dụng kháng sinh sớm và nhóm kháng sinh được lựa chọn an toàn nhất là nhóm beeta lactam.
Tuy nhiên, khi sử dụng kháng sinh để điều trị ho cho người cao tuổi cần cẩn trọng trong việc sử dụng thuốc.
Bởi, các bộ phận cơ thể người già lão hóa theo tuổi, mức độ hấp thu thuốc kháng sinh lại giảm, việc thải độc qua gan thận đều giảm, nhất là các loại thuốc kháng sinh thuộc nhóm amynoglycoside, sulfamide, co-trimoxazol… do hiện tượng suy giảm nephron kéo theo suy giảm chức năng của thận.
Mặt khác, nếu dùng kháng sinh đào thải qua đường ruột quá nhiều sẽ làm tăng hấp thu digoxin và làm cho nồng độ digoxin trong huyết tương tăng cao, làm độc tính cũng tăng theo.
Chức năng thận đã suy giảm nên kháng sinh dễ gây độc cho gan nên cần phải giảm liều. Nên chọn dùng một loại kháng sinh cho người cao tuổi.
Nếu cần phối hợp thuốc, phải cân nhắc tính đối kháng hay tính hợp đồng của thuốc. Nắm vững cơ địa, tiền sử bệnh và các thuốc đang sử dụng của người bệnh.
Nhiều người cao tuổi bị ho do kích ứng niêm mạc họng khi sử dụng một số thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp nhất là Coversyl. Hiện tượng ho khan thành cơn khi sử dụng Coversyl chiếm tới 1/3 số người sử dụng thuốc.
Việc điều trị cắt cơn ho sẽ khó khăn nếu không phát hiện ra nguyên nhân này, có bệnh nhân đã phải chịu đựng cơn ho tới hàng năm.
Biện pháp xử trí trong trường hợp này là phải đổi thuốc điều trị huyết áp kết hợp với sử dụng thuốc ức chế cơn ho và chống dị ứng trong giai đoạn đầu.
Thuốc ức chế cơn ho có Codein, giúp giảm ho do tác dụng ức chế trung tâm hô hấp. Tuy nhiên, cần lưu ý là không sử dụng thuốc này cho những người có tiền sử hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người cao tuổi.
Thuốc kháng histamine H1 được hấp thu nhanh sau khi uống và đều có chuyển hóa trong gan, thời gian bán thải ở người cao tuổi kéo dài hơn nên thường phải giảm liều và sử dụng trong thời gian ngắn.
Người cao tuổi thường bị ho có thể do bị trào ngược dạ dày – thực quản. Với trường hợp này có thể sử dụng thuốc kháng histamine H2 như cimetidin, ranitidin, famotidin, nizatidin… để điều trị.
Các thuốc nhóm này ức chế cạnh tranh với histamin tại thụ thể H2 ở tế bào thành dạ dày, nên ức chế bài tiết cả dịch acid cơ bản (khi đói) và dịch acid do kích thích (bởi thức ăn, histamin, cafein, insulin…).
Ngoài ra, các thuốc nhóm này có tác dụng làm liền các vết loét dạ dày và tá tràng, làm giảm bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.
Loại ho do bệnh lý này thường giảm khi dùng thuốc ức chế cơn ho nhưng không bao giờ hết triệu chứng do đó phải kết hợp với loại bỏ khối u nếu có thể.
Ngoài việc dùng thuốc để chữa ho, người cao tuổi cũng có thể sử dụng một số phương pháp dân gian như ngậm ô mai để làm dịu họng và giảm ho.
Theo Đông y, ô mai có tác dụng sinh tân, chỉ khát (tăng tiết nước bọt) nên chống khô họng, làm dịu niêm mạc họng.
Ngoài ra, ô mai cũng là vị thuốc giảm ho ‘ô mai có vị chua, tính liễm, có thể thăng, có thể giáng, giúp thuận khí chỉ ho’.
Bên cạnh đó, việc người cao tuổi sử dụng mật ong cũng giúp làm giảm đồng thời nhiều triệu chứng khó chịu ở họng như giúp giảm viêm họng do có hoạt tính kháng sinh tự nhiên; lại giúp dịu họng nhanh chóng nhờ vị ngọt khá đậm đặc.
Mật ong giúp mau lành các tổn thương ở niêm mạc họng do kích thích tái tạo tế bào mới.
Tuy nhiên, khi sử dụng mật ong phải pha loãng nếu không sẽ có hiện tượng kích ứng niêm mạc.
Các loại thảo dược như xuyên bối mẫu, tỳ bà diệp, sa sâm, cát cánh, bán hạ, gừng tươi, tinh dầu bạc hà... cũng rất tốt trong việc bổ phế, trừ ho hiệu quả, giúp dịu họng, giảm ngứa rát họng…
Người cao tuổi, nhất là những người có bệnh lý khác kèm theo khi muốn sử dụng các loại thảo dược để chữa ho cần tham khảo ý kiến bác Đông y để phòng ngừa những tác dụng không mong muốn.