Delta H Innovations, công ty khởi nghiệp trụ sở tại London (Anh), tuyên bố phát triển lon nhôm tự làm lạnh đầu tiên trên thế giới, được gọi là Cool Can.
Nhìn bề ngoài, Cool Can trông không khác một lon nước giải khát bình thường, ngoại trừ nút “nguồn” dưới đáy. Phần đáy của lon hoạt động như một bình chứa nước ẩn, và khi nhấn nút nguồn, nước được giải phóng vào khoảng rỗng giữa lóp vỏ hai lớp của lon. Giữa các lớp vỏ là những loại muối đặc biệt và khi phản ứng với nước, chúng nhanh chóng làm lạnh đồ uống bên trong.

Lon tự làm lạnh Cool Can. (Ảnh: Daily Mail)
James Vyse, nhà sáng lập của Delta H Innovations, cho biết Cool Can chỉ cần khoảng 10 phút để làm mát đồ uống xuống mức 6 - 7 độ C, tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường xung quanh.
Đồng thời, nhờ thiết kế hai lớp của lon, chất lỏng bên trong sẽ duy trì độ mát trong khoảng 45 phút. Để giúp người dùng nhận biết đồ uống đã đủ lạnh, Cool Can được trang bị một dấu hoa tuyết thông minh, chuyển từ màu trắng sang xanh khi quá trình làm mát hoàn tất.
Alex Pell của tờ Evening Standard đã có cơ hội thử nghiệm trực tiếp Cool Can. Anh mô ta sau khi nhấn nút ở đáy lon và lật ngược để nước trộn lẫn với muối giữa 2 lớp vỏ lon, chiếc lon dần dần mát lạnh và hơi nước ngưng tụ xuất hiện trên bề mặt. Mặc dù không đo nhiệt độ chính xác của đồ uống bên trong, nhưng nhà báo này khẳng định thức uống rất lạnh.
Mặc dù Cool Can vẫn đang chờ cấp bằng sáng chế, Delta H Innovations cho biết họ đã đàm phán với các thương hiệu lớn như Coca-Cola và Red Bull để có thể điều chỉnh quy trình đóng lon của họ tích hợp công nghệ tự làm lạnh mới này.
Theo Daily Mail, khoảng 20 năm trước, Coca-Cola đã đầu tư hàng triệu USD để phát triển lon tự làm lạnh nhưng từ bỏ khi không đạt được kết quả.
Trong khi đó, sản phẩm Chillcan 500ml – do Joseph Company ở California chế tạo – chưa bao giờ được thương mại hóa.
Còn quá sớm để nhận định Cool Can phải là bước đột phá lớn tiếp theo trong ngành công nghiệp đồ uống hay không, nhưng rất nhiều người đã tỏ ra hào hứng với sản phẩm này.
Vyse tin rằng chi phí thêm vào cho người tiêu dùng sẽ không đáng kể, đặc biệt khi Cool Can có thể giúp giảm đáng kể chi phí làm lạnh, hoàn toàn có thể tái chế và có thể sử dụng gần như ở bất cứ đâu. Nhược điểm duy nhất là một lon cỡ 500ml chỉ có thể chứa 70% dung tích của một lon thông thường cùng kích thước.
Sau các thử nghiệm tại London vào mùa hè năm nay, Vyse hy vọng sản phẩm sẽ xuất hiện trên thị trường vào năm 2026.
Anh Thịnh (Theo Daily Mail)Bạn đang xem bài viết Lon nước có thể tự làm lạnh đầu tiên trên thế giới tại chuyên mục Nghiên cứu Khoa học của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: bankhoahoc@giadinhmoi.vn.
Tin liên quan
