Mùa đông ở Nhật Bản rất lạnh, nhất là vào tháng Hai khiến cho không ít người bị cảm lạnh nhưng họ thường khỏi rất nhanh và ít khi uống thuốc.
Cùng Gia Đình Mới tìm hiểu những cách chữa cảm lạnh hiệu quả theo phương pháp dân gian của Nhật.
10. Trà xanh
Người Nhật uống rất nhiều trà xanh – nó có nhiều chất chống oxy hóa, hỗ trợ trao đổi chất, giúp bạn luôn trẻ trung, mảnh mai và khỏe mạnh.
Ngoài tác dụng phòng bệnh cảm, trà xanh cũng rất tốt cho những người đang ốm, giúp diệt mọi loại vi khuẩn.
9. Hành tây
Bạn có thể ăn sống hoặc nạo nhỏ rồi cho vào nước nóng cùng một nhúm gừng và chút mật ong.
Tác dụng giải cảm của loại nước này có thể đến từ các chất chống viêm, hàm lượng vitamin C cao và các chất flavonoid (có tác dụng chống oxy hóa).
Ngoài ra, mùi đặc trưng của hành tây sẽ giúp bạn thông mũi.
8. Nấm Shiitake (nấm hương)
Nấm Shiitake thường được dùng để tăng sức đề kháng. Điều tuyệt vời là bạn có nhiều cách để nấu loại nấm này.
Người Nhật thường nấu kèm canh rong biển miso, hấp hoặc xào với các loại rau khác.
7. Cải củ muối (Suguki)
Đây là một món ăn kèm rất được ưa chuộng ở Nhật, nhất là khi họ bị ốm.
Theo một nghiên cứu năm 2013, một loại khuẩn có trong củ cải muối làm giảm các triệu chứng cảm ở chuột.
6. Mận muối (Umeboshi)
Dù không phải ai cũng thích món này, umeboshi là một trong những phương thuốc dân gian được ưa chuộng nhất ở Nhật.
Bạn có thể ăn riêng hoặc nấu ở lửa nhỏ, hay thái nhỏ rồi cho vào trà. Để có tác dụng tốt hơn, hãy thử thêm chút gừng và chanh.
Mận cũng có chứa rất nhiều thành phần tốt cho sức khỏe, giúp giảm mệt mỏi, hỗ trợ hệ tiêu hóa và giải rượu.
5. Trà thanh yên (Trà Yuzu)
Yuzu hay còn gọi là quả thanh yên hoặc quýt Nhật thường được làm thành mứt và bán trong các lọ thủy tinh trong suốt.
Khi bị cảm lạnh, bạn chỉ cần cho một thìa đầy mứt yuzu vào nước nóng, bạn sẽ có một tách trà ngon, làm giảm viêm họng và trị ho rất tốt.
Bạn cũng có thể tự làm trà thanh yên ở nhà bằng cách để đông một vài quả thanh yên sau đó cho vào lọ, đổ đường vào một nửa lọ, xóc thật mạnh và đợi đường tan trước khi cho cả lọ vào tủ lạnh.
4. Củ cải trắng ngâm mật ong (Hachimitsu Daikon)
Củ cải trắng rất nhiều vitamin C và enzim giúp tiêu viêm – bạn có thể chế biến nó theo rất nhiều cách mà không làm mất chất: nạo ra ăn sống, áp chảo hoặc nấu canh.
Để trị cảm và viêm họng, người Nhật có một bài thuốc đặc biệt tên là hachimitsu daikon (củ cải trắng ngâm mật ong).
Để làm nó, bạn cắt nhỏ củ cải trắng ra rồi cho vào lọ, đổ đầy mật ong lên rồi để nguyên trong vài tiếng.
Khi nước củ cải tiết ra hòa với mật ong, bạn có thể dùng trực tiếp hoặc hòa với nước nóng để làm dịu cơn đau họng ngay lập tức.
Một điểm cộng nữa là củ cải trắng không hề đắt và bạn có thể mua nó rất dễ dàng.
3. Trà chanh gừng mật ong (Shoga-yu)
Trà chanh gừng mật ong hay còn gọi là shoga-yu là một cách trị cảm và viêm họng rất được người Nhật ưa chuộng.
Cả trà, chanh và gừng đều có những thành phần kháng sinh. Đặc biệt, gừng có hàm lượng mangan cao – một chất quan trọng với nhiều hệ cơ quan trong cơ thể.
2. Cháo trắng
Cháo trắng cho thêm muối, ăn cùng với hành lá, cá hồi hoặc gừng, thậm chí mận muối là ‘cặp đôi hoàn hảo’ giúp đẩy lùi cơn cảm lạnh.
Món cháo trắng này đặc biệt dùng cho những người ốm vì nó dễ ăn, dễ tiêu hóa và chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng.
Người già và trẻ tập cai sữa cũng thường ăn cháo trắng vì những lý do trên.
1. Trứng sake (Tamagozake)
Món ăn với tên gọi kỳ lạ này gồm có một lòng đỏ trứng, 180 ml rượu sake ấm, vài thìa cà phê mật ong (hoặc đường tùy ý), đánh lên cho đến khi được một hỗn hợp đặc mịn.
Trứng giúp tăng cường hệ miễn dịch, mật ong giúp bạn đỡ viêm họng còn rượu sake cho bạn một giấc ngủ ngon.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết 10 cách trị cảm lạnh hiệu quả theo phương pháp dân gian của người Nhật tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].