Trên nền tảng TikTok, tài khoản “Thúy trên bản” gây ấn tượng với câu chuyện về hành trình đi học đầy nghị lực. Sinh năm 2004, Thúy may mắn nhận được sự hỗ trợ của dân bản, giúp cô có cơ hội lên Hà Nội theo học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Sinh ra và lớn lên trong một thôn nghèo thuộc xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Thúy không chọn con đường lấy chồng sớm hay gắn bó với nương rẫy như nhiều cô gái khác.
Thay vào đó, cô quyết tâm theo đuổi việc học để tìm kiếm cơ hội đổi đời. Hiện tại, “Thúy trên bản” là sinh viên năm ba, ngành Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa. Hành trình vượt khó vươn lên của cô gái Mường đã thu hút sự quan tâm và động viên từ đông đảo người theo dõi trên mạng xã hội.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Phùng Thị Thúy để hiểu rõ hơn về ước mơ, hoài bão và dự định của cô trong việc trở về quê hương, góp phần xây dựng bản làng.

Phùng Thị Thúy hiện đang là sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Khoảnh khắc nào khiến Thúy nhớ về quê hương nhất? 3 từ miêu tả cảm giác của Thúy khi nhớ về quê nhà là gì?
Phùng Thị Thúy: Có lẽ là lúc mình bị đói. Mình nhớ mãi có lần đói nhưng không dám xin tiền bố mẹ, chỉ dám cố ngủ qua cơn đói. Lúc đó mình vừa tủi thân vừa nhớ quê nhất. Ba từ miêu tả cảm giác đó là: Nhớ nhung, hy vọng, thương. Nhớ quê hương không chỉ là nỗi nhớ, mà còn là hy vọng rằng tương lai sẽ tốt hơn, cuộc sống bà con trên bản cũng sẽ ổn định hơn.
Thúy có thể kể về nét văn hóa ở quê hương và món ăn yêu thích nhất của bạn không?
Phùng Thị Thúy: Mình là người Mường nhưng mà biết nhiều về văn hóa của người dân tộc Mông vì mình sống giữa người dân tộc Mường và Dao. Người Mường có tục cúng ma khô.
Nghe thì nó lạ vì đây là tục sau khi người mất 15 ngày, cái này tùy theo từng gia đình. Người dân tộc Kinh sẽ là giỗ, còn người dân tộc Mông sau lễ cúng ma khô thì không có lễ nào nữa. Đó là tiễn người khuất về với tổ tiên.
Món ăn yêu thích nhất ở quê mình đó là rau dớn. Ở Hà Nội mình chưa thấy hàng nào bán rau dớn. Đây là một món ăn gắn bó với mình ở trên bản mà mình rất nhớ mỗi khi xuống Hà Nội.
Nếu bây giờ cho bạn lựa chọn giữa việc ở lại Hà Nội và về quê, Bạn sẽ chọn hướng nào? Một điều ở thành phố mà bạn thấy thú vị nhất?
Phùng Thị Thúy: Một điều mình thấy thú vị nhưng cũng sợ hãi đó chính là giao thông. Đến tận bây giờ khi đã là sinh viên năm 3 rồi nhưng mình vẫn không dám qua đường một mình. Đấy là điều mình bị sốc văn hóa khi xuống Hà Nội. Ở trên bản của mình thì không có chuyện này xảy ra, đường xe cộ cứ nườm nượp ấy.
Với định hướng trước mắt của mình thì sẽ ở lại Hà Nội trong một khoảng thời gian nhất định và sẽ quay về quê hương để phát triển bản làng.
Để về quê lập nghiệp, thiếu thốn về tài chính là thực tế rất khó khăn. Nếu về quê, trước mắt mình muốn phát triển mô hình trồng rau sạch hoặc phát triển củ sâm đất. Nếu có nguồn vốn trước tiên sẽ đầu tư vào sâm đất, điều đang có sẵn phát triển sẽ đỡ hơn là khui ra một cái mới.


Thúy mong muốn sau này sẽ quay về quê hương để phát triển bản làng.
Người truyền cảm hứng cho bạn về quê làm giàu là ai?
Phùng Thị Thúy: Mình rất ngưỡng mộ chị Chảo Yến. Bây giờ mình thấy chị Chảo Yến đang làm rất tốt trong việc phát triển nông sản địa phương. Nếu là người đi đầu tiên chắc chắn sẽ rất khó khăn và nghi ngờ bản thân, không biết có làm được hay không. Nhưng có tiền bối trong nghề đi trước rồi thì mình nghĩ đó là tấm gương. Mặc dù con đường của chị Chảo Yến không phải gọi là trải toàn hoa hồng đâu cũng có khó khăn. Mình nghĩ rằng sẽ được tiếp thêm động lực, sức mạnh từ chị Chảo Yến.
Ngoài chị Chảo Yến, một thành viên trong gia đình truyền cảm hứng cho mình đó chính là bố của mình. Bố có nói với mình trước khi đi học là: “Bố chỉ học hết lớp 3. Bố rất là ít chữ nên mong con có nhiều chữ hơn”. Câu nói đơn giản nhưng chứa đựng nhiều hy vọng, niềm tin vào mình để sau này có thể nên người, tạo ra giá trị để giúp đỡ cộng đồng.
Trong một video về cuộc sống trên Tiktok, có bạn Trung An bình luận: “Lớp trưởng của tôi đó, Xinh, giỏi và siêu nghị lực”. Thúy có thể chia sẻ về kinh nghiệm làm lớp trưởng của mình không?
Phùng Thị Thúy: Thực ra, từ cấp hai, cấp ba mình đã từng làm lớp trưởng rồi, nhưng khi lên đại học thì lại là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Lúc mới vào trường, mình có phần lo lắng vì môi trường mới, nhưng may mắn thầy giáo chủ nhiệm nhìn thấy tiềm năng và trao cho mình cơ hội đảm nhận vị trí lớp trưởng.
Ban đầu cũng có nhiều người thắc mắc tại sao một cô bé dân tộc thiểu số lại được chọn làm lớp trưởng trong khi có rất nhiều bạn khác giỏi giang. Chính điều đó khiến mình có chút áp lực và nghi ngờ bản thân. May mắn là bạn bè trong lớp rất tốt, họ không bỏ rơi mình mà còn hỗ trợ rất nhiều. Nhờ vậy, mình có động lực để cố gắng và không từ bỏ.
Có thời điểm mình cảm thấy quá áp lực và đã nghĩ đến chuyện từ bỏ, một người bạn trong lớp đã động viên: “Trước khi trở thành lớp trưởng, bạn đã rất tự tin, vậy tại sao bây giờ lại từ bỏ?” Chính câu nói đó khiến mình suy nghĩ và quyết định tiếp tục cố gắng. Giờ nhìn lại, mình thực sự biết ơn những người đã động viên mình không bỏ cuộc.
Có một bình luận khác rằng: “Thúy thật may mắn vì có bố mẹ ủng hộ. Mình học hết lớp 9 thì phải nghỉ, vì gia đình không có tiền cho đi học. Mình đã khóc rất nhiều”. Bạn nghĩ gì về vấn đề này?
Phùng Thị Thúy: Mình thực sự đồng cảm với bạn ấy. Ở quê mình cũng vậy, rất nhiều bạn phải nghỉ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình. Mình thấy may mắn khi được bố mẹ tạo điều kiện để học tiếp. Mình nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta không từ bỏ hy vọng. Nếu có thể, mình mong muốn truyền động lực để các bạn khác cố gắng vươn lên, tìm kiếm cơ hội tiếp tục học tập.
Trong một video khác, có bạn hỏi rằng nếu gia đình bạn nuôi trâu thay vì nuôi lợn thì bố mẹ có bán trâu cho bạn đi học không?
Phùng Thị Thúy: Mình nghĩ là có. Ngày trước, nhà mình nuôi lợn nhưng nhiều khi bán không được vì lợn còn quá nhỏ. Nhưng dù hoàn cảnh thế nào, bố mẹ vẫn luôn muốn mình học hành đến nơi đến chốn. Họ tin rằng giáo dục là con đường giúp mình có tương lai tốt hơn.
Bạn có thể chia sẻ về những kỷ niệm “lần đầu tiên” khi lên thành phố học.
Phùng Thị Thúy: Chắc kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần đầu tiên mình dùng thang máy trong ký túc xá. Mình chưa bao giờ tiếp xúc với thang máy trước đó, nên khi bước vào thang máy, mình thực sự bối rối. Mình cứ bấm loạn xạ mà không biết làm thế nào, đến mức một chị cùng phòng phải đến hướng dẫn. Lúc đó vừa xấu hổ vừa buồn cười, nhưng bây giờ nghĩ lại, đó là một trải nghiệm thú vị.
Nhiều người trên TikTok gọi bạn là “Khánh Vy thứ hai” và hỏi liệu Thúy có muốn trở thành MC hoặc biên tập viên truyền hình không?
Phùng Thị Thúy: Trước đây, mình chỉ biết đến nghề biên tập viên truyền hình qua sách vở và chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể theo đuổi nó. Hồi cấp hai, cấp ba, mình thích đứng trên sân khấu nhưng chưa từng nghĩ rằng mình sẽ làm nghề này.
Tuy nhiên, khi vào đại học, mình tham gia các câu lạc bộ và được tiếp xúc nhiều hơn với công việc này. Dần dần, mình thấy nó không quá xa vời và mình có thể làm được. Mình hy vọng qua hành trình của mình, mọi người cũng sẽ thấy rằng nếu cố gắng, ai cũng có thể đạt được ước mơ của mình.

Thúy có ước mơ muốn trở thành MC, biên tập viên truyền hình.
Chỉ có mình Thúy là học đại học đúng không? Thúy nghĩ thế nào về việc này và Thúy có thể làm gì để tạo động lực cho các bạn khác đến trường?
Phùng Thị Thúy: Đúng vậy, trong nhóm bạn của mình, chỉ có mình mình tiếp tục học đại học. Điều này làm mình suy nghĩ rất nhiều. Mình luôn mong muốn các mình nhỏ sau này có cơ hội học cao hơn, không chỉ dừng lại ở cấp ba rồi đi làm ngay. Bởi vì tương lai của cả bản làng chính là các em nhỏ. Nếu chỉ nhìn vào trước mắt để kiếm tiền, thì về lâu dài sẽ rất khó khăn.
Mình không dám nhận là mình có thể truyền động lực sâu sắc, nhưng mình nghĩ nếu mình làm được, các bạn ấy cũng có thể làm được. Mình hy vọng câu chuyện của mình sẽ tiếp thêm niềm tin cho mọi người.
Xin cảm ơn những chia sẻ rất thú vị từ bạn Phùng Thị Thúy!
Lương Hiền - Thanh HuyềnBạn đang xem bài viết “Thúy trên bản”: Nhớ quê hương không chỉ là nỗi nhớ, mà còn là hy vọng tại chuyên mục Sống Hạnh Phúc của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: bankhoahoc@giadinhmoi.vn.
Tin liên quan
