Dưới đây là những lời khuyên của TS.BS Phạm Thị Bích Đào (bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) về việc sử dụng phương pháp khí dung điều trị bệnh cho an toàn và hiệu quả.
Phương pháp khí dung là sử dụng máy bơm đẩy mạnh dung dịch thuốc được pha chế sẵn, chuyển thành các hạt khí nhỏ khoảng 50 micron vào xoang mũi của người bệnh.
Các hạt khí thuốc này bay trong khí hít thở để đến được mọi khe ngách ở mũi, vào được các xoang dễ dàng, thấm qua niêm mạc mũi xoang.
Phương pháp khí dung có hiệu quả trong điều trị viêm nhiễm đường hô hấp đặc biệt là bệnh lý mũi xoang và họng.
Lý do là bệnh lý tai mũi họng là bệnh lý của hệ thống niêm mạc nên cách đưa thuốc tiếp cận trực tiếp vào bộ phận bị bệnh.
Cách tiếp cận này vừa điều trị trực tiếp vừa hạn chế tác dụng phụ tới các cơ quan khác trong cơ thể đặc biệt là lên hệ tiêu hoá vì chỉ có 2 - 5% khí dung hấp thu toàn thân với các thuốc có nguồn gốc corticoid.
Ngoài ra, dùng các thuốc giãn phế quản bằng đường hít cũng làm giảm bớt phần nào những tác dụng phụ thường có khi uống hoặc tiêm như run tay, hồi hộp, nhịp tim nhanh...
Thuốc sẽ có tác dụng rất nhanh trong vòng 5 phút kể từ khi bắt đầu xông và rất hữu ích khi dùng để cấp cứu cắt cơn khó thở.
Trong khi dùng thuốc bằng đường tiêm phải mất từ 15 - 30 phút và đường uống từ 30 - 60 phút mới có tác dụng.
Tùy từng trường hợp bệnh, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc bằng đường hít khác nhau. Trong viêm mũi - xoang - họng dị ứng bị hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi... thì thường dùng thuốc xông dạng corticoid.
Nhưng nếu có nhiễm khuẩn, bội nhiễm có thể sẽ phải phối hợp thêm kháng sinh. Những trường hợp bị co thắt khí quản, phế quản trong viêm phế quản cấp, bệnh hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính... người ta cũng dùng phương pháp xông thuốc để làm giãn phế quản, giúp bệnh nhân dễ thở.
Ngoài ra, phương pháp khí dung để làm loãng đờm cho bệnh nhân trong chữa trị bệnh phổi.
Ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi dễ bị viêm tiểu phế quản do tắc đờm nhớt thì xông khí dung bằng nước muối rất tốt để làm loãng đờm, trẻ dễ ho và tống được đờm nhớt ra ngoài.
Bên cạnh đó, cũng có thể dùng tinh dầu thơm từ lá khuynh diệp, lá sả, bạc hà, lá chanh, lá tía tô... vào máy khí dung, giúp sát trùng và làm thông mũi - họng, giảm biểu hiện của viêm mũi gây nghẹt mũi, người bệnh sẽ dễ chịu.
Tuy nhiên, phải lưu ý là người bệnh không nên tự ý sử dụng kháng sinh để hạn chế các tác dụng phụ có thể xảy ra với người sử dụng do việc sử dụng thuốc (về loại thuốc và liều lượng dùng, cách pha thuốc) thì phải theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Không được tự ý dùng thuốc xông, nhất là các thuốc corticoid hay kháng sinh. Nếu dùng không đúng, không những không hết bệnh mà còn làm cho bệnh trầm trọng hơn.
Ngay cả các loại tinh dầu (hay ống hít bán sẵn làm thông mũi) cũng không được dùng cho trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ (dưới 18 tháng) vì có thể gây ức chế hô hấp; người lớn cũng không được lạm dụng bừa bãi vì sẽ gây nghiện và giảm khứu giác.
Khi sử dụng máy phun khí dung phải tuân thủ cách pha thuốc vì nếu pha không đúng liều lượng hoặc quá loãng hay quá đặc, các hạt phun sương không đúng kích thước sẽ không tác dụng vào bên trong phế quản, hoặc lơ lửng bám vào thành xoang, mũi, họng, chưa kịp xuống đến các phế quản.
Các tác dụng phụ khi sử dụng khí dung không đúng cách
- Dị ứng thuốc: ho cơn, khàn giọng.
- Nhiễm nấm vùng hầu họng, kích thích niêm mạc hầu họng hoặc kích thích do thuốc khí dung corticoid.
- Teo niêm mạc hầu họng do sử dụng corticoid kéo dài.
- Tổn thương toàn thân do tác dụng phụ của corticoid như loãng xương, giảm phát triển cơ, rối loạn tiêu hoá....
Liều 0,8 mg cho thấy làm giảm nồng độ cortisol huyết tương và bài tiết cortisol trong nước tiểu. Một liều hít 3,2 mg budesonide làm giảm nồng độ cortisol huyết tương tương đương với 10 mg prednisolone uống nên có thể gây suy thượng thận.
TS.BS Phạm Thị Bích ĐàoBạn đang xem bài viết Sử dụng phương pháp khí dung để điều trị bệnh đường hô hấp thế nào cho đúng? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].