Hiện nhiều người không ăn mì chính vì cho rằng loại gia vị này không tốt cho sức khỏe, gây triệu chứng đau vai gáy, mệt, nhức đầu, buồn nôn… Đây có phải là sự thật?
Theo chia sẻ của bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, mì chính - Natri Glutamate, là muối của acid amin Glutamic, 1 trong 20 acid amin cơ bản trong tự nhiên.
Glutamic có nhiều trong tự nhiên, có sẵn trong protein của động vật và thực vật. Đặc biệt ở thịt, hải sản (nhất là con xá sùng, mực khô) nấm, cà chua chín... Đấy là lý do nấu canh mấy thứ ấy cứ ngọt lừ.
Glutamic đóng vai trò lớn trong chuyển hóa của cơ thể, đặc biệt ở gan và cơ. Khi tế bào gan bị tổn thương, men ALT thoát ra tăng lên là dẫn chất của Glutamic.
Ngoài ra Glutamic còn làm nguyên liệu tổng hợp các acid amin khác nữa. Đồng thời, tham gia tạo nên phần lớn Protein chất xám ở não, đóng vai trò quan trọng cho hệ thần kinh trung ương.
Ở Việt Nam, các nguồn nguyên liệu chính được sử dụng để lên men mì chính là đường mía, củ cải đường, tinh bột sắn (khoai mì).
Quá trình lên men tạo ra mì chính cũng tương tự như quá trình lên men tạo ra sữa chua, giấm và rượu.
Có rất nhiều nghiên cứu cho thấy dùng mì chính khá an toàn mà không gây hậu quả gì kéo dài. Sử dụng mì chính đúng cách với lượng vừa phải có thể làm tăng hương vị của món ăn, tăng tiết nước bọt, giúp một số người ăn ngon miệng hơn.
Việc nhiều người cho rằng ăn mì chính gây đau vai gáy, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn… bác sĩ Ngô Đức Hùng lý giải: “Câu chuyện xuất phát từ một báo cáo năm 1968 về một hội chứng Nhà hàng Trung Quốc (Chinese Restaurant Syndrome) về triệu chứng đau vai gáy, mệt, nhức đầu buồn nôn tức ngực hoặc cảm thấy như gần chết sau khi ăn ở đó. Và người ta đổ lỗi do... mì chính…
Về vấn đề này các nghiên cứu cũng không chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ nào giữa triệu chứng gặp phải với việc ăn mì chính. Nó đã trở thành giai thoại và ám ảnh vào đầu mỗi người”.
Bác sĩ Hùng chia sẻ tiếp, có 1 nghiên cứu thú vị, các nhà khoa học thí nghiệm cho người tình nguyện uống viên nang kín. Khi người uống không biết đó là mì chính thì hầu như không có triệu chứng gì.
Còn nhóm uống giả dược nhưng được nói là mì chính thì triệu chứng đau đầu mỏi vai gáy tê lưỡi... cũng xuất hiện.
Có triệu chứng đó là do ám thị. Cầm cốc nước tinh khiết, tự nghĩ rằng mình đang uống thuốc độc, thế là cũng có cảm giác rát cổ khé họng, đôi khi lăn đùng ra nhồi máu cơ tim rồi chết…
Tuy vậy, trong y khoa, viên nang acid glutamic được coi là chất dẫn truyền thần kinh, chỉ định dùng trong các trường hợp suy nhược thần kinh (mất ngủ, ù tai, chóng mặt, nhức đầu...).
Khi dùng có thể gây ra 1 số tác dụng phụ như: Nhức đầu chóng mặt tê, ngứa. Và vì nó là acidamin nên cũng có thể gây dị ứng và sốc phản vệ (giống như dị ứng với thực phẩm bơ, sữa, lạc...).
Vậy nên, truyền thuyết mì chính gây ung thư đột biến gen, có hại sức khỏe... đều không có cơ sở khoa học. Ăn mì chính không gây hại cho sức khỏe nhưng cũng nên vừa phải, không nên lạm dụng.
Nói về mì chính, các chuyên gia dinh dưỡng cũng cho biết, mì chính với khả năng mang lại vị umami, hỗ trợ thúc đẩy tiêu hóa các thực phẩm giàu protein và qua đó làm gia tăng cảm nhận cảm giác no khi thưởng thức món ăn. Điều này rất có ý nghĩa trong việc giúp chúng ta dừng ăn đúng lúc.
Đầu năm 2012, tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng của Mỹ cũng đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy glutamate (thành phần chính của mì chính) có thể có khả năng trong việc giúp trẻ nhận biết được cảm giác no tốt hơn và điểu chỉnh lượng thực phẩm ăn vào.
Ngoài ra, các nghiên cứu về mối liên quan giữa thừa cân béo phì và mì chính cũng cho thấy mì chính không phải là nguyên nhân gây thừa cân béo phì.
Từ đó có thể thấy, mì chính không chỉ làm món ăn ngon hơn, mà với chức năng mang lại vị umami, mì chính có thể giúp gia tăng cảm nhận "cảm giác no", từ đó hỗ trợ chúng ta điều chỉnh lượng thực phẩm ăn vào.
Mì chính sẽ chỉ gây hại đối với người dị ứng loại gia vị này và tiêu thụ trên 3g mì chính mỗi lần, không tiêu thụ cùng thức ăn. Tuy nhiên, lượng mì chính thông thường được thêm vào các món ăn chỉ là dưới 0,5 g, rất hiếm các trường hợp món ăn sử dụng trên 3g mì chính.