Dùng điện thoại quá nhiều có thể gây mệt mỏi, thiếu ngủ, hại sức khỏe thể chất và tinh thần,...
Dưới đây là những lý do vì sao bạn không nên dùng điện thoại quá nhiều.
Dù không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy việc sử dụng điện thoại di động trong thời gian dài có thể dẫn đến tổn thương mắt vĩnh viễn, nhưng ai cũng biết rằng nó gây mỏi mắt và khó chịu.
Bên cạnh đó, điện thoại di động phát ra ánh sáng xanh (High Energy Visible Light - HEV) có bước sóng ngắn nhất trong quang phổ ánh sáng nhìn thấy, tạo ra lượng năng lượng cao có nguy cơ gây tổn thương mô cao hơn.
Bạn cũng có thể bị mỏi mắt do mở căng mắt liên tục, ít chớp mắt khi xem điện thoại.
Thực hiện theo quy tắc 20-20-20 có thể giúp bạn thư giãn mắt: cứ sau 20 phút nhìn điện thoại hoặc máy tính, hãy nhìn vào một vật nào đó ở cách xa 20 feet (6 m) trong 20 giây.
Hành động cầm điện thoại bằng một tay và dùng ngón cái để nhắn tin, lướt điện thoại lặp đi lặp lại thường xuyên mỗi ngày có thể gây viêm và các vấn đề về dây chằng ở cổ tay.
Ngón cái có phạm vi chuyển động hạn chế, vật nên dùng ngón cái lướt smartphone quá nhiều có thể gây hiện tượng "texting thumb" - đau ngón cái do ôm điện thoại quá nhiều.
Trung bình đầu người nặng từ 4,5 đến 5,5 kg. Cổ và cột sống được thiết kế để giữ đầu ở một góc nhất định.
Cúi đầu xuống góc 60 độ thường xuyên để nhìn điện thoại có thể tăng sức căng ở cổ lên tới 27 kg, gây đau cổ, ảnh hưởng tư thế.
Một trong những điều tồi tệ nhất khi sử dụng điện thoại di động ngay trước khi đi ngủ là nó làm gián đoạn chu kỳ ngủ tự nhiên của cơ thể bạn (còn được gọi là “nhịp sinh học”).
Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại có tác động như ánh sáng mặt trời, làm bạn tỉnh táo, đồng thời ức chế việc sản xuất melatonin - hormone gây buồn ngủ.
Điện thoại là một cái ổ nơi vi khuẩn phát triển. Hãy nghĩ xem lần cuối bạn lau, khử trùng điện thoại là khi nào. Bạn thường đặt điện thoại trên những bề mặt nào? Bạn có mang điện thoại vào nhà vệ sinh hay không?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vi khuẩn gây ra bệnh cúm, nhiễm trùng da, hội chứng sốc độc tố và ngộ độc thực phẩm có thể phát triển mạnh mẽ trên thiết bị cầm tay của bạn.
Hãy rửa tay bằng xà phòng và vệ sinh điện thoại thường xuyên (có thể dùng cồn pha loãng).
Không cần đến các nghiên cứu khoa học để chỉ ra rằng việc sử dụng điện thoại di động liên tục, đặc biệt là trong các tình huống xã giao sẽ khiến bạn bị nhìn nhận một cách tiêu cực.
Việc dùng điện thoại trước mặt người khác chứng tỏ nội dung trên điện thoại của bạn quan trọng hơn họ và rằng bạn đang từ chối tương tác trực tiếp với họ.
Một nghiên cứu của AIG Singapore cho thấy trong khi lái xe, 24% người lái xe ở Singapore lập trình GPS, 20% nhắn tin và 18% dùng hoặc kiểm tra điện thoại di động.
Dùng điện thoại khi lái xe làm tăng đáng kể khả năng xảy ra tai nạn.
Với người đi bộ, nhắn tin hoặc xem video bằng tai nghe trong khi đi bộ cũng nguy hại không kém. Trên thực tế, đây là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra tai nạn khi đi bộ thiếu tập trung.
Hiện tượng dựa dẫm quá mức vào điện thoại và sợ hãi khi không có điện thoại di động thực tế đã có tên riêng là nomophobia (no-mobile phone-phobia: hội chứng lo sợ khi không có điện thoại).
Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm không thể tắt điện thoại bất kỳ giây phút nào; không thể vào nhà vệ sinh mà không mang theo điện thoại; cực kỳ lo lắng hoặc đau khổ khi không có điện thoại bên mình; và kiểm tra điện thoại liên tục xem có cuộc gọi, thông báo, tin nhắn nhỡ hay không.
(Theo Wonderwall)