Khi thấy con dâu khó sinh, mẹ chồng đã tự cầm dao rạch tầng sinh môn sản phụ để giúp bé ra ngoài. Song không ngờ, bà nội lại rạch trúng đầu cháu bé một vết thương dài 7cm, rộng 4cm.
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, đã đỡ đẻ thành công một trẻ sơ sinh trong tình trạng bị thủng đầu.
Bác sĩ Lê Minh Thủy, trưởng kíp trực ngoại sản Bệnh viện đa khoa Bảo Thắng, cho biết vào 4h ngày 2-3, bệnh viện tiếp nhận sản phụ 21 tuổi ở Cốc Pục, Xuân Quang, Bảo Thắng, Lào Cai trong tình trạng huyết động ổn, tầng sinh môn phù nề nhiều máu. Đầu thai nhi đã lọt qua eo dưới, thập thò ở âm hộ.
Sản phụ được hỗ trợ sinh thường. Sau sinh trẻ khóc ngay, không có dấu hiệu ngạt, không có dị tật ngoài.
Tuy nhiên, các bác sĩ phát hiện vùng đỉnh đầu có nhiều vết xây xát da, có một vết thương dài 7cm, rộng 4cm. Ngay lập tức trẻ được chuyển mổ khâu phục hồi các lớp.
Theo các bác sĩ tìm hiểu, nguyên nhân là do sản phụ tự sinh con tại nhà, được mẹ chồng đỡ đẻ nhưng do quá khó, không biết xử trí thế nào nên bà mẹ đã dùng dao rạch bộ phận sinh dục của con dâu. Kết quả rạch luôn vào da đầu bé với vết khá dài.
Sau phẫu thuật vết thương trên đầu em bé đã ổn định, vết mổ khô, không quấy khóc và được ra viện ngày 7-3.
Bác sĩ Hà Duy Bình, Giám đốc BV Đa khoa huyện Bảo Thắng cho biết, trước đây, người dân thường tự sinh con ở nhà, tự cắt rốn cho trẻ bằng dao, kéo, nứa… Hiện tại đã giảm đi tình trạng này nhưng vẫn còn.
Tuy em bé đã được đỡ đẻ thành công và vết thương cũng được kịp thời xử lý, nhưng trường hợp này cũng cho thấy việc sinh nở tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ như thế nào. Để làm rõ cơ sở khoa học cũng như mặt lợi, hại của việc sinh nở "tự nhiên" này, trao đổi với PV Gia Đình Mới bác sĩ CK II Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc cho rằng: “Ông bà ta vẫn nói, “chửa đẻ như cửa mả” như nói tới những nguy hiểm của chuyện sinh nở. Nhiều người nghĩ đẻ tự nhiên để giống với thời đại ngày xưa, nhưng họ không biết, ngay cả bây giờ, nhiều khu vực y học chưa phát triển, người dân tộc thiểu số vẫn sinh đẻ tại nhà. Nhưng điều đáng nói, số sản phụ, trẻ sơ sinh tử vong rất lớn. Vì vậy, Bộ Y tế phải hình thành mô hình cô đỡ thôn bản để giải quyết tình trạng trên”.