Thiếu ngủ khiến trẻ thèm ăn đồ ăn vặt, ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập... Vì vậy hãy đảm bảo thói quen ngủ lành mạnh để trẻ phát triển tốt nhất.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho biết, trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên nếu ngủ ít hơn 8 tiếng một ngày sẽ dễ tích mỡ bụng trên và giảm độ nhạy insulin, từ đó tăng nguy cơ mắc tiểu đường.
Theo chuyên gia thuộc Phòng thí nghiệm Chuyển hóa và bệnh tiểu đường thuộc trường Đại học Campinas, Sao Paulo, Brasil cho biết: "Các nghiên cứu từ trước chứng minh rằng, thiếu ngủ có thể gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đồng thời khiến trẻ dễ béo phì và tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường. Thời gian ngủ mỗi ngày bị giảm xuống 2 giờ sẽ làm giảm độ nhạy insulin."
Vì thế, trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên cần đảm bảo giấc ngủ từ 9-10 tiếng/ngày.
Thức khuya, thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đên sức khỏe, tinh thần mà còn ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của trẻ và khiến trẻ thích ăn đồ ăn vặt hơn.
Một nghiên cứu của Khoa Y trường Đại học Stony Brook, Hoa Kỳ chứng minh rằng, trẻ nhỏ ngủ không đủ giấc sẽ trở nên thích đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh và không có hứng thú với những thực phẩm tốt cho sức khỏe như rau củ quả.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện điều tra ngẫu nhiên đối với 13.000 thiếu niên ở độ tuổi 16 tuổi, kết quả cho thấy thói quen ngủ và thói quen ăn uống của trẻ có sự liên quan mật thiết với nhau. Có 18% thanh thiếu niên ngủ không đủ 7 tiếng/ngày, số thanh thiếu niên này cũng có tỉ lệ thích ăn vặt cao hơn.
Một nghiên cứu tại trường Đại học Y khoa Trung Quốc Thường Xuân tìm hiểu mối liên quan giữa giấc ngủ của học sinh với thành tích học tập. Nghiên cứu đã điều tra 956 học sinh cấp 1, cấp 2 về thói quen ngủ và những khó khăn khi ngủ của trẻ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, thành tích học tập của trẻ sẽ giảm sút nếu trẻ ngủ không đủ giấc và ngược lại. Như vậy, giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với khả năng tiếp thu, sự tỉnh táo và tinh thần học tập của trẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích học tập.
- Giúp tinh thần minh mẫn, hoạt bát.
- Giúp trẻ nâng cao khả năng tiếp thu và sự năng động.
- Giảm căng thẳng và nâng cao khả năng tập trung.
- Bổ sung dinh dưỡng và oxy cho làn da, đồng thời bài tiết các chất có hại trong cơ thể.
- Thúc đẩy sự sinh trưởng của trẻ.
- Giảm nguy cơ tăng cân, béo phì, tiểu đường và các bệnh tim mạch.
- Khôi phục lại sức lực đã tiêu hao, giữ cho thần kinh được cân bằng.
- Việc thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất là một trong những nguyên nhân gây mất ngủ ở trẻ. Để hạn chế trẻ thiếu hụt các vitamin này, các mẹ nên cung cấp đầy đủ các loại rau củ quả tươi trong thực đơn hàng ngày, tránh mua các thức ăn nhanh hoặc chế biến sẵn, ngoài ra mẹ cũng có thể bổ sung dưới dạng thực phẩm bổ sung như siro, cốm,…
- Tập cho trẻ thói quen đi ngủ sớm: cha mẹ nên định giờ ngủ cho trẻ thời gian ngủ thích hợp đối với trẻ là 21h30 và thời gian thức giấc nên là 6h30. Có như vậy mới đảm bảo được giấc ngủ cho trẻ.
- Không nên cho trẻ chơi các trò chơi điện tử vào buổi tối. Luôn đảm bảo phòng ngủ thoáng mát, yên tĩnh và hạn chế ánh sáng, tiếng ồn khi ngủ.
- Không nên cho trẻ đi ngủ trong tình trạng quá no hoặc quá đói.
Hãy quan tâm đến sức khỏe, giấc ngủ trẻ em để các em có một sức khỏe tốt nhất.