Các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ mới thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy thai vô cùng đặc biệt trong tư thế Fowler (tư thế nửa nằm – nửa ngồi) cứu sống sản phụ bị bệnh lý cơ tim chu sinh với biến chứng phù phổi, suy tim, suy hô hấp.
Sản phụ Danh Thị Oanh N. (SN 1984, trú tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ) nhập viện trong tình trạng khó thở, tím tái, vã mồ hồi, huyết áp 150/100 mmHg, SPO2 87%, nhịp tim nhanh tần số, phổi ran ẩm nhiều 2 đáy, tiên lượng rất nặng, đe doạ đến tính mạng của hai mẹ con.
Ngay khi nhập viện, qua khai thác kỹ tiền sử, khám lâm sàng cẩn thận, kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ xác định đây là trường hợp mang con so, thai 36 tuần 5 ngày, ước lượng thai có cân nặng trên 4.500 gram.
Nguy hiểm hơn là thai phụ bị bệnh lý cơ tim chu sinh với biến chứng rất nặng, phù phổi cấp huyết động, suy tim cấp, suy hô hấp kết hợp tiền sản giật và đái tháo đường thai kỳ.
Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành mời hội chẩn viện và hội chẩn liên viện khẩn cấp với các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu bệnh viện và bác sĩ khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ và ra quyết định xử trí mổ lấy thai trong tư thế Fowler (tư thế nửa nằm nửa ngồi) với sự phối hợp của các bác sĩ chuyên khoa gồm: Sản khoa, Tim mạch, Gây mê hồi sức, Sơ sinh,… với đầy đủ phương tiện hồi sức cho mẹ và bé.
Sau hơn 1 giờ, ca phẫu thuật hy hữu và đặc biệt này đã thành công cứu sống được 2 mẹ con. Bé gái chào đời với cân nặng 4.500 gram nhanh chóng được chuyển lên phòng NICU (phòng chăm sóc trẻ sinh non) của khoa Sơ sinh để được theo dõi theo chế độ của trẻ sơ sinh non tháng, yếu tố nguy cơ cao.
Hiện tại, với hơn 18 ngày điều trị tích cực, sức khỏe mẹ, bé đã hồi phục và được xuất viện về nhà trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình sản phụ N. và các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ.
Đánh giá về trường hợp sản phụ bị bệnh lý tim chu sinh, bác sĩ chuyên khoa I Vũ Đăng Khoa cho biết, bệnh cơ tim chu sinh là một dạng của bệnh cơ tim dãn vô căn, xảy ra trong giai đoạn cuối của thai kỳ và giai đoạn hậu sản.
Để phòng ngừa suy tim liên quan đến thai sản, những phụ nữ chưa từng mắc bệnh tim hoặc có tiền sử bệnh tim, trong gia đình có người bệnh tim hay đã từng mắc bệnh trong lần mang thai trước cần phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ bởi các bác sĩ tim mạch và sản khoa trước khi có thai.
Bên cạnh đó, trong quá trình mang thai, sản phụ có bệnh lý tim mạch cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về thăm khám thai, chế độ dinh dưỡng, chế độ vận động, chế độ nghỉ ngơi và tầm soát các yếu tố nguy cơ trong thai kỳ như: tăng huyết áp, tiền sản giật... để phát hiện, xử trí kịp thời các triệu chứng và biến chứng.