Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Mang thai ở tuổi vị thành niên: Ảnh hưởng sức khỏe mẹ, tai biến thai kỳ cao

Bình luận

Mang thai ở tuổi vị thành niên, sản phụ dễ gặp các nguy cơ dọa sảy, đẻ non. Chưa kể, do cơ thể mẹ chưa phát triển hoàn thiện dễ dẫn đến tình trạng thiếu máu, thai kém phát triển hoặc sinh con thiếu cân, con suy dinh dưỡng cao.

Bác sĩ Trần Vũ Quang đang siêu âm cho một sản phụ

Bác sĩ Trần Vũ Quang đang siêu âm cho một sản phụ

Tỉ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên ngày càng gia tăng

Mới đây, (ngày 15/1), Bệnh viện Phụ sản Trung Ương tiếp nhận một trường hợp thai phụ (18 tuổi) mang thai tuần thứ 39 đến khám thai định kỳ. Theo bác sĩ Trần Vũ Quang - Khoa Phụ sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mặc dù thai lớn nhưng thai phụ vẫn hồn nhiên đi lại tung tăng, không có dấu hiệu bất thường.

Chỉ đến khi siêu âm, chạy máy monitor theo dõi cơn co, tim thai, bác sĩ phát hiện ra thai phụ đã có cơn co tử cung nhẹ. Qua thăm khám, bác sĩ cho biết đã phát hiện tử cung mở 3 cm, nước ối bắt đầu phồng – dấu hiệu của sự chuyển dạ.

Tuy nhiên, thai to nên sản  phụ được chỉ định đẻ mổ cấp cứu. Ca mổ thành công, bé trai chào đời nặng 3,8 kg. Bác sĩ mổ cũng phát hiện ra  tình trạng dây rốn của thai nhi bị thắt một nút rất chặt.

Theo bác sĩ, nếu dây rốn thắt nút lại sẽ có nguy cơ gây mất tim thai nhi bất cứ lúc nào. May mắn sức khỏe của bé hoàn toàn bình thường.

Theo bác sĩ Trần Vũ Quang, trên thực tế, ngày càng ghi nhận có nhiều trường hợp mang thai ở độ tuổi còn rất trẻ (Chưa kể tới, mỗi năm có khoảng 300.000 ca phá thai trong độ tuổi vị thành niên).  

Tỉ lệ người mang thai ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam khá cao và con số này có xu hướng ngày càng tăng. Có những trường hợp cá biệt, bé gái mang thai khi chỉ 12 – 13 tuổi.

Song trao đổi với Gia Đình Mới, bác sĩ Trần Vũ Quang cho biết: 'Đối với các bạn nữ, bắt đầu từ độ tuổi 18 trở đi, cấu tạo của cơ quan sinh dục đã đủ để mang thai, sinh nở. Tuy nhiên, độ tuổi này, nội tiết phái nữ chưa ổn định. Vì vậy, từ độ tuổi 23 trở đi mới là độ tuổi trưởng thành toàn diện đủ cho thiên chức làm mẹ'.

Nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi

Nói về những nguy cơ khi mang thai trong độ tuổi vị thành niên, theo bác sĩ Quang, tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) có cấu tạo bộ phận sinh sản chưa hoàn thiện về chức năng.

Vì vậy, mang thai ở tuổi này, sản phụ dễ gặp các nguy cơ dọa sảy, đẻ non. Làm mẹ khi quá trẻ, cơ thể chưa phát triển đầy đủ dẫn đến thiếu máu, thai kém phát triển, dễ bị chết lưu hoặc  sinh con thiếu cân, con suy dinh dưỡng cao.

mang-thai

Ngoài ra, không ít trường hợp có bất thường về bệnh lí hệ thống (do chưa tầm soát) nên không có khả năng phát hiện những nguy cơ biến chứng trong quá trình thai kỳ.

Chưa kể ở độ tuổi này, kiến thức hiểu biết làm mẹ của không ít các bạn nữ còn hạn chế nên chưa biết dự phòng, không tự đánh giá được những nguy cơ có thể gây nên biến chứng cho cơ thể trong lúc mang thai.

‘Ngay như với trường hợp bà mẹ 18 tuổi trên, khi vào viện, sản phụ chỉ biết mình chửa to nên nghĩ bị tức bụng là chuyện đương nhiên. Các em không biết mô tả rõ ràng những dấu hiệu bất thường gây khó khăn cho bác sĩ trong việc chẩn đoán. Từ đó có thể dẫn tới những tai biến khó lường trước’, bác sĩ Quang nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Quang, ở độ tuổi quá trẻ, bộ khung xương châu của bạn nữ chưa giãn nở như người trưởng thành gây cản trở quá trình chuyển dạ dẫn tới đẻ khó, phải chỉ định mổ. Và sản phụ có thể rách tầng sinh môn do chưa đủ độ đàn hồi.

Ngoài ra, ‘nạo phá thai ở độ tuổi này có rất nhiều nguy hiểm, có thể dẫn tới tình trạng chảy máu, nhiễm trùng, thủng tử cung. Đôi khi, sản  phụ 'nhí' có thể bị viêm nhiễm phụ khoa gây vô sinh rất cao'- Bác sĩ Quang nhấn mạnh.

Nhiều trường hợp tuổi vị thành niên lạm dụng chuyện sinh nở như: không ít sản phụ sau đẻ chỉ vài tháng đã lại mang thai tiếp. Nó khiến cho tử cung chưa kịp đàn hồi lại phải ‘làm việc’ tiếp, từ đó dễ dẫn tới tổn thương cao.

Chính sự thiếu hiểu biết khoa học trong giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản là nguyên nhân chính thúc đẩy sự gia tăng của tình trạng mang thai tuổi dạy thì. Vì lẽ đó, để hạn chế tối đa tình trạng báo động trên, bác sĩ cho rằng, đối tượng tuổi vị thành niên nên chủ động tìm hiểu sâu kiến thức về giới tính và sinh sản.

‘Các em nên cởi mở với gia đình về vấn đề trên, đặc biệt nên giải thích với bạn tình những tác hại nguy hiểm, nguy cơ khi quan hệ không dùng biện pháp tránh thai. Không chỉ bị mang thai ngoài ý muốn, cả 2 còn có thể bị viêm nhiễm, lây lan bệnh qua đường tình dục. Nhất là trẻ cần tìm hiểu luật pháp để tránh cả 2 rơi vào vòng lao lí’.

'Tuy nhiên, trong vấn đề này, trách nhiệm, sự quan tâm của gia đình, nhà trường có vai trò vô cùng quan trọng. Vì thế, không chỉ chia sẻ kiến thức, cha mẹ, thầy cô nên có sự định hướng đúng cho trẻ để tránh hậu quả đáng tiếc có điều kiện xảy ra' - bác sĩ Quang khuyến cáo.

Bạn đang xem bài viết Mang thai ở tuổi vị thành niên: Ảnh hưởng sức khỏe mẹ, tai biến thai kỳ cao tại chuyên mục Mang thai của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Hồng Ngọc