Các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ vừa tiến hành điều trị phẫu thuật cấp cứu bảo tồn tử cung thành công một trường hợp thai bám ở sẹo mổ lấy thai.
Bệnh nhân Bùi Thị Tr., sinh năm 1979, ngụ tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ nhập viện trong tình trạng đau bụng nhiều kèm theo tình trạng rong huyết gây thiếu máu sau hút thai ngoại viện 3 tuần.
Sau khi nhập viện, Chị Tr. được thăm khám, siêu âm qua ngả âm đạo và xét nghiệm đánh giá mức độ thiếu máu một cách nhanh chóng.
Nhận định ban đầu cho thấy đây là một trường hợp thai bám ở sẹo mổ lấy thai có biến chứng gây rong huyết dẫn đến thiếu máu và là một trường hợp khó do bệnh nhân có vết mổ cũ lấy thai hai lần, hình ảnh trên siêu âm thấy khối nhau thai to, xâm lấn hết cơ tử cung vùng vết mổ, có nhiều mạch máu tăng sinh, tiên lượng có thể có tổn thương bàng quang.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn liên viện khẩn cấp và quyết định phẫu thuật để bóc khối thai bám sẹo mổ cũ.
Chiều ngày 22/2, ekip các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ đã tiến hành phẫu thuật bóc khối thai bám sẹo mổ cũ cho chị Tr. với sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều bác sĩ chuyên khoa gồm.
Sau 1 giờ 20 phút phẫu thuật, các bác sĩ đã bóc trọn khối thai với đường kính 6cm ra khỏi sẹo mổ cũ, khâu phục hồi sẹo mổ và bảo tồn được tử cung cho bệnh nhân.
Bệnh nhân đã được truyền 2 khối hồng cầu trước mổ để ổn định tình trạng thiếu máu. Hiện tại, Chi Tr. hết đau bụng, hết chảy máu và đang hồi phục tốt.
Theo BSCKII. Huỳnh Thanh Liêm – Trưởng khoa Sinh - Phẫu thuật viên chính trong Ekip cho biết: “Đây là một trường hợp nguy hiểm, khối thai bám sẹo mổ cũ có kích thước khá lớn xâm lấn đến lớp thanh mạc tử cung, mạch máu tăng sinh nhiều, không thể điều trị nội khoa bảo tồn và nguy cơ mất máu nhiều trong phẫu thuật rất cao.
Việc chẩn đoán và xử trí cần phải hết sức thận trọng cả về kỹ thuật khâu cầm máu xung quanh khối thai, bóc tách khối thai đồng thời phải đảm bảo phương tiện hồi sức tốt tại chỗ, ngân hàng máu phải sẵn sàng cho cuộc phẫu thuật”.
Bên cạnh đó, bác sĩ Liêm cũng chia sẻ thêm: “Thai bám vết mổ cũ được định nghĩa là sự làm tổ bất thường của túi thai tại sẹo mổ lấy thai trước đó.
Trước đây, tỉ lệ thai bám vết mổ cũ khoảng 1/2500 – 1/1800. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, tỉ lệ này ngày càng tăng cùng với sự gia tăng của tỷ lệ mổ lấy thai.
Thai bám vết mổ cũ nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn tới nhiều biến chứng nặng nề như vỡ tử cung, xuất huyết ồ ạt phải cắt tử cung và có thể nguy hiểm tính mạng.
Vì vậy, tất cả các thai kỳ có vết mổ cũ ở tử cung cần được đánh giá cẩn thận, kiểm tra và theo dõi tại các bệnh viện chuyên khoa có uy tín chất lượng sẽ giúp phát hiện kịp thời và xử trí sớm.
Khi đã chẩn đoán thai bám vết mổ cũ, bệnh nhân phải được điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa có đầy đủ điều kiện, cùng với sự phối hợp của các bác sĩ nhiều kinh nghiệm nhằm tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra.
Đối với những thai phụ có tiền căn mổ lấy thai nhiều lần ngoài nguy cơ thai bám sẹo mổ còn tăng nhiều nguy cơ sản khoa khác như nhau tiền đạo, nhau cài răng lược gây chảy máu phải cắt tử cung cấp cứu, nứt vết mổ, vỡ tử cung ở những trường hợp có sẹo mỏng trong 3 tháng cuối thai kỳ, tăng nguy cơ tổn thương các cơ quan như ruột, bàng quang trong cuộc mổ.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo các thai phụ và thân nhân không nên xin mổ lấy thai trong những trường hợp không cần thiết để tránh những hậu quả đáng tiếc cho những lần mang thai sau.