Cứ ngỡ bệnh đau dạ dày thường chỉ gặp ở người lớn. Thế nhưng hiện nay, căn bệnh này đang tấn công rất nhiều trẻ em. Đáng chú ý, có nhiều trẻ còn bị nhiễm vi khuẩn HP- mầm gây ung thư dạ dày
Ngày 21/06/2018, bệnh nhi N. H. G 11 tuổi vào viện khám với lý do đau bụng, ợ hơi, ợ chua nhiều. Bệnh nhân đã được bác sỹ chỉ định nội soi dạ dày để tìm rõ nguyên nhân. Kết quả nội soi dạ dày cho thấy hình ảnh toàn bộ niêm mạc dạ dày viêm xung huyết, vùng hang vị rải rác viêm.
Theo mẹ bệnh nhi chia sẻ, ở nhà bé ăn uống bình thường, đúng giờ nhưng gần đây hay kêu đau bụng và hay ợ chua, gia đình khá lo lắng nên đã đưa cháu đến bệnh viện thăm khám.
Ngoài chế độ ăn, mẹ bệnh nhi cho biết thêm, bé học tập cũng khá căng thẳng nên gia đình cũng thường xuyên tẩm bổ cho cháu, không nghĩ cháu nhỏ vậy mà đã bị viêm dạ dày nặng như vậy.
Ngoài trường hợp bệnh nhi G., trong ngày 21/06/2018 phòng nội soi tiêu hóa tiếp nhận liên tục bố trường hợp khác cũng tới khám với cùng biểu hiện và phát hiện bị viêm dạ dày ở nhiều mức độ.
Theo thống kê của Phòng nội soi tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, chỉ mới trong vòng nửa tháng có đến hơn 40 ca bệnh nhi bị viêm dạ dày.
Đặc biệt, phần lớn các bệnh nhi có nguyên nhân chính gây bệnh viêm dạ dày là nhiễm vi khuẩn Hp.
Bác sỹ Hà Văn Tước – trưởng khoa Thăm dò chức năng cho biết: "Trẻ em là đối tượng rất dễ bị vi khuẩn và bệnh lý bên ngoài tấn công, trong đó co bệnh đau dạ dày, bởi cơ thể trẻ chưa hoàn thiện hệ miễn dịch cũng như sức đề kháng còn kém. Thông thường, nguyên nhân gây bệnh đau dạ dày ở trẻ em cũng giống như ở người lớn và nhiễm vi khuẩn Hp chính là nguyên nhân gây bệnh cần liệt vào danh sách quan tâm hàng đầu.
Ngoài vi khuẩn Hp còn một số nguyên nhân dẫn đến bệnh đau dạ dày ở trẻ như: Do chế độ ăn uống thiếu nguyên tắc, yếu tố di truyền, căng thẳng, mệt mỏi do áp lực học hành”.
Theo bác sĩ, để phòng ngừa nhiễm vi khuẩn Hp, không chỉ trẻ nhỏ, mọi người cần tránh ăn chung, uống chung với dụng cụ cốc, bát thìa với người bị bệnh do nhiễm vi khuẩn Hp. Cha mẹ không nên nhai, mớm, thổi thức ăn cho trẻ
Đồng thời, gia đình cần giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ, ăn chín uống sôi và rửa tay bằng xà phòng trước khi cũng như sau khi đai tiện.
Đặc biệt, bác sĩ nhấn mạnh, khi trẻ có các biểu hiện đau bụng nhiều vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, chậm tăng cân,…cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sỹ thăm khám và tư vấn cụ thể.