Theo bác sĩ cho biết, trước đây khoảng 10 năm, bệnh nhân nam (40 tuổi, Hà Nội) nặng 130 kg và được chỉ định thắt đai điều trị giảm béo. Trong 2 năm sau khi thắt đai, có thời điểm cân nặng của bệnh nhân giảm xuống còn 69 kg. Tuy nhiên, do chế độ sinh hoạt của bệnh nhân và hội chứng trào ngược nên bệnh nhân nhiều lần được nới đai giảm béo.
Tại thời điểm phẫu thuật, nam bệnh nhân này nặng 115 kg và được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt dạ dày giảm béo. Với phương pháp này các thầy thuốc sẽ phẫu thuật nội soi để lại phần dạ dày nuôi dưỡng cơ thể nhưng đảm bảo việc giảm béo về lâu dài.
Trước ca bệnh này, các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức cũng phẫu thuật nội soi để lại phần dạ dày nuôi dưỡng cơ thể nhưng đảm bảo việc giảm béo về lâu dài của nam bệnh nhân N.V.N. (30 tuổi, Nghệ An) với cân nặng 120 kg.
Trước đó, dù bệnh nhân đã sử dụng nhiều biện pháp giảm cân như tập luyện thể thao, uống thuốc giảm cân nhưng đều không hiệu quả. Chính điều này khiến bệnh nhân càng chán nản và ngại giao tiếp với mọi người. Bệnh nhân còn mắc thêm chứng trầm cảm.
Theo các chuyên gia, việc chỉ định phẫu thuật nội soi tái tạo dạ dày giảm béo này chỉ dành cho những bệnh nhân béo phì không thể giảm cân bằng các phương pháp khác hoặc kèm theo một bệnh lý khác.
Thông thường, người bị béo phì thường có rất nhiều rối loạn chuyển hoá trong đó tỉ lệ bị đái tháo đường rất cao và nặng. Những năm gần đây, trên thế giới có một xu hướng rất mới đó là sử dụng phương pháp phẫu thuật nội soi để điều trị các bệnh chuyển hoá, đặc biệt là bệnh đái tháo đường. Hiện kỹ thuật này được chỉ định cho những trường hợp thừa cân kèm theo đái đường chứ không đơn thuần là béo phì.
Nói riêng về hiệu quả của phương pháp này, chuyên gia cho biết, dự trên các kết quả đánh giá trên bệnh nhân phẫu thuật béo phì tại Bệnh viện Việt Đức cho thấy, cân nặng trung bình của mỗi người sau phẫu thuật một năm giảm khoảng 35 kg. Có trường hợp sau 2 năm cân nặng đã giảm từ 160 kg xuống còn 78 kg. Nhiều người sau phẫu thuật giảm béo thì các bệnh phối hợp gần như biến mất. Đặc biệt, 2 bệnh nhân nữ lập gia đình nhiều năm không có con nhưng 2 năm sau phẫu thuật đều đã làm mẹ.
GS.TS Trần Bình Giang cho biết, trước đây người ta thường không nghĩ béo phì là bệnh, tuy nhiên đây lại là một bệnh lý cần được điều trị. Chữa bệnh béo phì có nhiều phương pháp, như giảm chế độ ăn, tập luyện cường độ cao, dùng thuốc. Tuy nhiên, các phương pháp này không có tác dụng về mặt lâu dài. Với các phương pháp này, béo phì có thể giảm xuống trong một vài tháng đến 1-2 năm nhưng sau 5 năm có tới 95% các trường hợp béo phì này quay trở lại cân nặng lúc ban đầu thậm chí tăng hơn.
Chính vì vậy việc điều trị ngoại khoa nếu xét về lâu dài có kết quả rất khả quan.
Tiên Huyền/GiaDinhMoi.VnBạn đang xem bài viết 'Cắt' dạ dày để giảm béo phì tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].