Mức đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động là bao nhiêu?

Chính phủ đã ban hành Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN).

Qui định về mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Chính phủ đã ban hành Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN).

Theo đó, người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật An toàn, vệ sinh lao động với mức như sau: 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật BHXH, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình; 0,5% trên mức lương cơ sở đối với NLĐ được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật BHXH.

Người sử dụng lao động là DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng là 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật BHXH, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.

Căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN nêu trên từ ngày 01/01/2020.

Các quy định tại Điều 4 và khoản 1 Điều 34 của Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm TNLĐ, BNN bắt buộc hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Riêng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng, việc đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 của Nghị định này được áp dụng từ ngày 01/01/2018.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ 01/6/2017.

Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) là một trong 05 chế độ BHXH bắt buộc được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội.

Quy định về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Về đối tượng áp dụng:

- Bổ sung đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

- Ngoài đối tượng áp dụng theo quy định BHXH bắt buộc, Luật ATVSLĐ còn khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện về TNLĐ.

Điều kiện hưởng chế độ TNLĐ

Cơ bản các quy định về điều kiện hưởng chế độ TNLĐ không thay đổi, tuy nhiên có bổ sung và luật hóa một số nội dung.

- Bổ sung quy định chi tiết đối với 2 trường hợp bị TNLĐ:

+ Trường hợp bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc: Bổ sung, diễn giải nội dung tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, bao gồm kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh.

+ Trường hợp bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động: Bổ sung, diễn giải nội dung hoặc được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động.

- Bổ sung điều khoản quy định trường hợp người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN chi trả nếu bị tai nạn thuộc một trong các nguyên nhân:

+ Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

+ Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

+ Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

Theo quy định hiện hành thì điều kiện hưởng chế độ TNLĐ là bị tai nạn tại nơi làm việc, trong giờ làm việc hoặc ngoài nơi làm việc, ngoài giờ làm việc khi được sự phân công của người sử dụng lao động mà không quy định điều kiện loại trừ nên trong một số trường hợp đã gây ra những vướng mắc trong quá trình giải quyết. Để hạn chế vướng mắc Luật ATVSLĐ đã quy định cụ thể những trường hợp không được hưởng chế độ TNLĐ, cũng nhằm đảm bảo tính công bằng cho đối tượng hưởng.

M.C(t/h)GIADINHMOI.VN/giadinhmoi.vn

Tin liên quan