Bệnh nhi bị hóc dị vật có những biểu hiện như ho sặc sụa, tím tái mặt mày, khó thở. Nếu cấp cứu chậm sẽ nguy hiểm đến tính mạng vì ngạt đường thở dễ dẫn đến tử vong!
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng thành phố tiếp nhận trường hợp bé Đ.T.H (5 tuổi, ở tại Đức Hoà, tỉnh Long An) trong khi ăn hồng xiêm (sa pô chê) bị sặc ho liên tục, tím tái…
Qua kết quả chụp X-quang và CT ngực, TS.BS Trịnh Hồng Nhiên, Trưởng khoa Hô Hấp - Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố phát hiện dị vật có màu đen, hình elip, kích thước khoảng 2 cm, trông giống hạt hồng xiêm.
Ngay sau đó, khi tiến hành gắp dị vật ra, do hạt hồng xiêm to, sắc nhọn 2 đầu kẹt không qua được thanh môn, BS Nhiên phải dụng kềm bóp vụn một phần hạt rồi gắp ra hết.
Sau đó, bác sĩ soi kiểm tra hút gắp sạch các mảnh vụn ở khí và phế quản hai bên. X-quang kiểm tra sau nội soi gắp dị vật, phổi bé thông khí tốt, viêm phổi cải thiện nhanh chóng, bé được cai máy thở, hết khó thở và sẽ được xuất viện vài ngày tới.
Các bác sĩ khuyến cáo nếu khi ăn uống, trẻ bị sặc, ho, có triệu chứng đau tức ngực, ho dữ dội, tím tái cần đi khám ngay, không nên làm các biện pháp cố lấy dị vật ra, nhất là khi dị vật đã đi vào đường hô hấp.
Nếu để lâu, điều này có thể dẫn tới viêm phổi tái phát nhiều lần.
Đặc biệt, phụ huynh không nên cho trẻ đùa nghịch, cười đùa, khóc to, sợ hãi khi ăn, hay chơi các đồ chơi nhỏ, vì trẻ nhỏ hay ngậm, mút đồ chơi, khiến chúng dễ rơi vào đường thở.
Cha mẹ cũng nên thận trọng với những thức ăn có thể làm cho trẻ mắc dị vật như: hạt đậu lạc, hạt trái cây to, ngô bắp, vỏ tôm, cua... để hạn chế những tai biến đáng tiếc xảy ra.