Hành trình 10 năm từ bác sĩ thành bệnh nhân ung thư

‘Con là thằng có hiếu thì đừng chết trước cha’ - Câu nói của người cha đã thôi thúc Bác sĩ Nguyễn Lê dũng cảm chiến đấu với căn bệnh ung thư gan - và số phận trớ trêu, đó chính là bệnh anh đang điều trị hàng ngày cho bệnh nhân của mình.

Tháng 3 năm 2008, trong một lần tình cờ đưa bệnh nhân đi khám, Bác sĩ Nguyễn Lê siêu âm phát hiện một khối u mờ, nhỏ trong gan của mình.

Ngay lập tức, anh tới Bệnh viện Hữu nghị và Bệnh viện K để khám lại. Bác sĩ chẩn đoán anh chắc chắn có khối u kích thước khoảng gần 2 cm nằm trong gan và chỉ số ung thư gan tăng cao.

3 tuần sau, trong một chuyến công tác tại Bệnh viện Quân y 175, bác sĩ chuyên khoa nhìn phim chụp của anh, chắc nịch: ‘Độ tuần nữa tế bào ung thư lan toả thì tử vong’.

Lúc đó bác sĩ Nguyễn Lê xác định mình đã đối mặt với 'án tử hình'- như cách người ta thường gọi về bệnh ung thư. Khi đó, anh 38 tuổi.

 

‘Mình sẽ làm gì?’ là câu hỏi hiện lên trong đầu Thượng tá – bác sĩ Nguyễn Lê (Bệnh viện Quân Y 103, Giảng viên Học viện Quân Y) ngay khi nghe kết quả sét đánh đó.

Cùng thời điểm, bệnh viện nơi anh công tác có hai bác sĩ khác cũng bị ung thư gan. Một người mất sau 1 tháng, một người trụ được 3 tháng, dù đã làm nhiều biện pháp.

Hoảng loạn, bế tắc, anh Lê đứng trước hai lựa chọn: hoặc tham gia công cuộc điều trị với tỷ lệ sống còn 50/50 hoặc giữ nguyên như thế cho đến khi nguy kịch. Với cái đầu của bác sĩ, anh nhanh chóng quyết định lựa chọn phương án số hai sau một đêm trắng.

Anh muốn dành hết khoảng thời gian ít ỏi khi đang còn khoẻ để thu xếp ổn thoả cho những người ở lại, cho vợ con, bố mẹ và làm những điều còn dang dở.

 

Trong suốt gần 3 tháng kế tiếp, anh vừa sắp xếp công việc gia đình vừa nghiên cứu lựa chọn cách điều trị, xem xét phương án phù hợp với mình. Anh quyết tâm không bỏ lửng, nằm chờ chết.

Mọi thứ đều được tiến hành một cách âm thầm. Đó là 3 tháng khủng khiếp nhất trong suốt thời gian điều trị của anh.

Do có quá trình đi sâu tìm hiểu bệnh ung thư gan qua các tài liệu nước ngoài nên anh phát hiện điều đặc biệt về bệnh lý: Ung thư có hai thể diễn biến khác biệt.

Một là thể ác tính, có diễn biến rất nhanh, dù điều trị như thế nào cũng vẫn ra đi trong thời gian ngắn. Hai là thể tiến triển chậm, điều trị tốt thì cơ hội sống cho bệnh nhân có thể kéo dài thêm vài năm.

 

Anh theo dõi bệnh của mình suốt gần 3 tháng thấy xác suất rơi vào tiến triển chậm rất cao.

Đến tháng thứ 3, khối u rộng ra 3-4cm, anh nhận định bệnh lý của mình ở thể tiến triển chậm.

Là người trong nghề, bác sĩ Lê biết ung thư gan là loại ung thư ác tính nhất trong tất cả các loại ung thư.

Với kinh nghiệm và kiến thức trong nghề, bác sĩ Lê xác định bệnh nhân ung thư gan chỉ có thể sống 3- 6 tháng, lâu hơn là 1- 3 năm, sống qua được 3- 5 năm là một kỳ tích.

Anh quyết định nói cho mọi người biết mình bị ung thư gan sau 3 tháng âm thầm, nín lặng tìm hiểu thể bệnh của mình. 

Tuổi 38 của anh lúc đó, cả một tương lai sáng lạn hiện ra rõ rệt.

Anh chuẩn bị lên hàm Đại tá, thực hiện những khâu cuối cùng để bảo vệ luận án Tiến sỹ và đứa con thứ hai mới chào đời được 4 tháng.

Ngày vào thăm anh mổ, bố bác sĩ Lê vừa nắn bóp cho con vừa nói: ‘Con là thằng có hiếu thì đừng chết trước cha’. Cùng với động lực đó là quyết tâm phải cho thằng con thứ hai của anh biết mặt bố như thế nào.

Sau 1 tháng phẫu thuật cắt bỏ 1/3 gan, sức khoẻ hồi phục, anh quay lại Mỹ, nơi anh đã từng học tập để tìm hiểu biện pháp và thuốc thang tốt nhất và thu thập được nhiều sản phẩm cũng như phương pháp tốt cho mình.

Thời gian không còn nhiều, anh hối hả sang Singapore, Thái Lan, Trung Quốc… để tìm hiểu các biện pháp và lấy kinh nghiệm từ các bệnh nhân bị bệnh, gặp các chuyên gia hàng đầu về ung thư, tổng hợp và tìm ra biện pháp tối ưu nhất cho bệnh của mình.

Việc anh kiếm tìm, giành giật cơ hội sống cho chính mình cũng là thắp lên niềm tin, nuôi dưỡng hy vọng cho biết bao bệnh nhân khác.

10 năm nay, chưa một ngày bác sĩ Lê bỏ thuốc theo phác đồ điều trị. Cách đây 10 năm, bác sĩ Lê chỉ có 1- 2 sản phẩm để hỗ trợ.

Thế nhưng 2- 3 năm sau có những sản phẩm mới, cứ như vậy bác sĩ Lê tiếp cận, tìm hiểu để sử dụng phù hợp với sức khoẻ bản thân.

 

Về cơ bản, bác sĩ Lê đang duy trì các chỉ số khá tốt, chức năng gan, men gan và các chỉ số ung thư trong giá trị bình thường.

Đây là giai đoạn ổn định chứ tế bào ung thư vẫn còn tồn tại trong cơ thể anh.

Chính vì vậy anh phải luôn có thuốc kết hợp ăn uống, rèn luyện bản thân để ức chế tế bào ung thư.

Bác sĩ Lê đặt ra các mục tiêu rất rõ ràng và ví 4 mục tiêu điều trị của mình như 4 cái chân bàn, lúc nào cũng phải làm đồng thời, liên tục, không được bỏ qua mặt nào.

Tuỳ thuộc từng giai đoạn, bệnh nhân yếu mặt nào thì tăng cường mặt đó, nếu ổn định thì duy trì hay giảm bớt đi.

Trong quá trình điều trị bệnh, bác sĩ Lê thường xuyên kiểm tra chỉ số ung thư, xét nghiệm, chụp chiếu để biết được tình trạng bệnh của mình.

Bác sĩ Lê khẳng định bác sĩ số 1 của mình chính là bản thân mình, lắng nghe cơ thể mình, tự điều chỉnh chính xác và tự chắt lọc phù hợp.

 

Từ một bác sĩ Nguyễn Lê mỗi ngày khám hàng trăm ca bệnh, anh trở thành người mắc đúng căn bệnh mình điều trị cho bệnh nhân.

Cởi chiếc áo blouse trắng, anh khoác lên mình bộ quần áo bệnh nhân, điều mà anh chưa bao giờ ngờ tới.

Diễn biến tâm lý của bác sĩ Lê thay đổi rất nhiều khi mắc bệnh, từ quan điểm điều trị tới cách chăm sóc bệnh nhân.

Trước đây, anh không có thời gian tiếp xúc với bệnh nhân nhiều, mỗi ca bệnh chỉ khoảng 5-10 phút là nhiều.

Nhưng bây giờ, anh dành ít nhất 30-45 phút cho mỗi ca bệnh, để phân tích cho họ hiểu hết vấn đề, chuẩn bị tâm lý trong quá trình điều trị bệnh tình của mình và phương hướng điều trị ra sao.

Suốt 10 năm kể từ ngày anh biết mình bị ung thư gan, đó là một hành trình anh hiểu hơn về bệnh nhân, hiểu họ đang hoang mang điều gì, loay hoay ra sao và họ đang cần những gì.

Đồng cảm và trải qua nỗi đau ung thư như các bệnh nhân của mình, bác sĩ Lê dễ dàng trong việc lắng nghe những câu hỏi, những tâm tư, nguyện vọng của bệnh nhân. Điều mà trước kia anh khó lòng kiên nhẫn để làm.

 

Anh Lê rút ra: 'Bác sĩ cần lắng nghe bệnh nhân để tư vấn các bước tiếp theo họ nên làm gì. Tìm hiểu kỹ thể trạng, cơ địa và mức độ bệnh của mỗi người để có tư vấn điều trị cho người bệnh được phù hợp và hiệu quả'.

Theo bác sĩ Lê, tinh thần là cái quan trọng nhất, chiếm 70-80% trong việc quyết định bệnh lý.

Nếu có tinh thần vững vàng, có nhận thức tốt về căn bệnh ung thư thì chúng ta sẽ vượt qua nó.

Vì với bác sĩ Lê, có nhận thức tốt sẽ có ý chí chiến đấu ngoan cường. 

Nhiều bệnh nhân đến với bác sĩ Lê trong trạng thái suy sụp không phải do bị bệnh mà là vì tinh thần.

Khi đó, việc đầu tiên anh giúp mọi người là nâng tinh thần họ lên, cho họ thấy được niềm tin, tương lai và những phương án trước mắt có thể giải quyết được.

Có những bệnh nhân tìm đến anh nước mắt ngắn dài, bệnh viện họ trả về. Tinh thần bệnh nhân xuống, sức đề kháng giảm, ăn uống kém, ngủ nghỉ không tốt, khiến bệnh tình càng nặng thêm. Những bệnh nhân đó đã có ý định buông xuông, tuân theo số mệnh sắp đặt.

Bác sĩ Lê vẫn thường xuyên nói với các bệnh nhân: người bệnh ung thư sống được không phải do bác sĩ giỏi vì không có bác sĩ nào giỏi tất cả mà bệnh ung thư phải chữa toàn diện, không phải do thuốc tốt vì cho tới nay chưa có thuốc nào có thể ức chế hoàn toàn được tế bào ung thư, mà là do chính bản thân người bệnh.

 

Đó là tinh thần vững vàng để đối điện và chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác.

Anh tư vấn cho họ hiểu bệnh của họ đang ở mức độ nào? Con đường tiếp theo sẽ ra sao kèm các biện pháp giải quyết cụ thể cho họ. Khi bệnh nhân hiểu được điều đó thì họ sẽ có niềm tin và giúp tinh thần họ phấn chấn hơn.

Khi thấy bất kì người bệnh nào xuống tinh thần, anh chỉ hỏi họ 1 điều ‘Anh/ chị có muốn sống không? Nếu muốn sống thì điều đầu tiên anh chị làm là phải giữ vững tinh thần đó thật tốt. Vì nếu mất đi cái đó thì thuốc thang, mọi thứ đều không có ý nghĩa gì’.

 

Bác sĩ Lê không chỉ vực tinh thần người bệnh mà anh còn cho họ thấy được tương lai. Một bầu trời hy vọng với khoa học công nghệ phát triển, liên tục tìm ra những phương thuốc mới…

Cứ thêm 1 năm là ta lại được tiếp cận với hàng loạt những biện pháp mới, phương pháp chữa trị tiên tiến hơn, chúng ta sẽ sống thêm. Chúng ta có khả năng chết vì già chứ không chết vì bệnh.

'Chúng ta bị ung thư, cứ coi như chúng ta đã chết rồi đi. Ngày mai, ngày kia, mình sống thêm được ngày nào thì hãy vui vẻ ngày đó.

Sống trọn vẹn như một ngày cuối cùng của chúng ta trên cõi đời này. Hãy vui vẻ với mọi người, vợ con, bạn bè, người thân, tất cả mọi người xung quanh, với chính bản thân mình thay vì u buồn. Hãy ra ngoài đi chơi với tất cả mọi người', anh lan toả sự năng lượng tích cực của mình tới người bệnh.

 

Các bệnh nhân của anh Lê thường xuyên kết nối với nhau qua mạng xã hội. Anh nhắn tin, gọi video cho bệnh nhân của mình để họ nhìn thấy hình ảnh vui vẻ, lạc quan của anh mà có niềm tin phấn đấu hơn.

‘Anh đang là chỗ dựa tinh thần và hình tượng của bọn em. Anh mà làm sao thì bọn em đi hết nên anh đừng có bị làm sao?’, bệnh nhân của bác sĩ Lê thường đùa với anh như vậy.

Vì thế, anh Lê coi đó là trách nhiệm nặng nề mình giữ không chỉ cho mình mà còn cho mọi người nữa. Để chứng mình ung thư không phải làm bản án tử hình, không phải là dấu chấm hết.

 

‘Tôi bị bệnh. Đấy là một điều may mắn’, bác sĩ Nguyễn Lê cười.

Anh đã chiến đấu với căn bệnh ung thư gan như một chiến binh dũng cảm, để rồi: 'Tôi mua đất ở nghĩa trang Vĩnh Hằng, viết di chúc rồi thôi'.

Giờ đây, anh giành nhiều thời gian cho những điều giản dị xung quanh hơn. Anh thấy mình hạnh phúc thực sự, thấy những người xung quanh mình: vợ con, bố mẹ, bạn bè cũng hạnh phúc. Đó là thứ hạnh phúc lan toả.

Trước khi biết mình bị bệnh, bác sĩ Lê làm việc như một cái máy. Thời gian biểu của anh chỉ xoay quanh các công việc: sáng điều trị cho bệnh nhân, chiều lên lớp giảng bài, tối nghiên cứu khoa học.

 

Anh không có thời gian cho chính bản thân mình, cho gia đình, những người thân của mình và bạn bè. Bố mẹ anh Lê ở cách nhà anh 2 km nhưng có khi vài tháng anh không qua thăm.

Anh Lê nhận ra, điều hạnh phúc, giá trị cuộc sống không nằm ở tiền bạc, địa vị, quyền chức mà nó chính là điều giản đơn hiện diện trong cuộc sống thường ngày của anh – cái mà anh vẫn coi đó là điều hiển nhiên, bình thường.

Anh có những người bạn rất giàu có, rất thành đạt nhưng nằm trên giường bệnh, họ nói: ‘Tớ cho cậu tất. Chỉ muốn cậu làm sao cho tôi được về nhà ăn cơm với vợ con, bố mẹ 1 bữa thôi’.

Nhưng tất cả tiền bạc đó cũng không đổi được nữa, vì đã quá muộn'.

 
Tú Anh - Phạm Tùng /giadinhmoi.vn