GS.TS Trần Thiết Sơn - Người có đôi tay 'phù thuỷ' trong phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ

Hơn 30 năm làm nghề phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật thẩm mỹ, đôi tay 'phù thuỷ' của GS.TS Trần Thiết Sơn đã làm thay đổi nhiều số phận, con người.


Trong bộ trang phục màu xanh của phòng phẫu thuật, GS.TS Trần Thiết Sơn - Trưởng bộ môn phẫu thuật tạo hình Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thoải mái chia sẻ với Gia Đình Mới về quãng thời gian hơn 30 năm làm phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của mình.

Ông lôi cuốn người đối diện bằng giọng nói thân mật, ánh mắt luôn hấp háy nụ cười. Trong cuộc trò chuyện, đôi lúc giọng ông lắng lại khi chia sẻ nhiều về những ca bệnh điển hình hay chuyến phẫu thuật nhân đạo khắp mọi miền Tổ quốc…

Ông tự hào cho chúng tôi xem một tin báo: “Em chào Thầy ạ! Cách đây 3 năm, em là một bệnh nhân của bác sĩ. Nay em đã bước sang trang mới của cuộc đời. 14/7 tới em tổ chức đám cưới. Trong ngày vui này, em mong muốn có sự hiện diện của bác sĩ cùng êkip đã thực hiện ca mổ cho em ngày 6/8/2015.

Tận sâu trong tim em gửi lời cảm ơn sâu sắc tới bác sĩ, đã nghiên cứu và áp dụng thành công kỹ thuật để thay đổi cuộc đời của những bệnh nhân khiếm khuyết như em. Nhờ Thầy mà bệnh nhân như em có được cuộc sống hạnh phúc. Điều này lớn lao và ý nghĩa với em lắm Thầy ạ!”

GS Trần Thiết Sơn không nhớ nổi tên người đã gửi tin nhắn, viết hoa chữ “Thầy” trên là ai. Nhưng khi nhận được tin nhắn, niềm hạnh phúc của một người làm phẫu thuật tạo hình dâng lên ngập lòng.

GS Sơn càng vui hơn khi nhìn vào tấm ảnh cưới rạng rỡ của cô gái ấy bên người chồng tương lai của mình. Cô gái ấy, 3 năm trước, may mắn gặp được ông và đồng nghiệp của ông tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thực hiện phẫu thuật tạo hình âm đạo.

Không chỉ ưu ái chị em phụ nữ, GS Sơn còn rất thành công trong việc tái tạo “cậu nhỏ” cho đàn ông. Mới đây, ông và đồng nghiệp của mình đã tạo hình dương vật cho một nam thanh niên 20 tuổi bị chó ngoạm mất "của quý" từ khi hơn 1 tuổi. Sống trong sự mặc cảm, tự ti nhưng thật may mắn chàng trai này đã được ông cùng các đồng nghiệp tiến hành phẫu thuật tái tạo dương vật.

Bằng kỹ thuật vi phẫu tích (phẫu thuật dưới kính hiển vi) để làm mỏng vạt da vùng đùi trái, đồng thời tạo hình và nối với gốc dương vật, sau 6 giờ trên bàn mổ, người bệnh đã có một “cậu nhỏ” hoàn toàn mới. Điều đặc biệt, “cậu nhỏ” này có thể “chiến đấu” như bình thường.

Kỹ thuật tạo hình dương vật của GS Sơn mang màu sắc riêng của trường phái y học Việt nam và khác biệt với các kỹ tuật tạo hình dương vật hiện tại trên thế giới.

Cô gái được tạo hình âm đạo hay chàng trai được tạo hình dương vật chỉ là hai trong số rất nhiều người phụ nữ và đàn ông khiếm khuyết cơ quan sinh sản được GS Sơn “phù phép” để được “hạnh phúc là chính mình”.

Đôi bàn tay của người bác sĩ phẫu thuật lướt nhẹ qua từng bức hình được ghi lại trong những chuyến đi phẫu thuật nhân đạo. Bỗng GS Sơn khựng lại trước file ảnh có tên “Câu chuyện của bé người Dao”.

Bộ ảnh đó được ông thực hiện khi tham gia chuyến phẫu thuật nhân đạo tại tỉnh Hà Giang gần 6 năm trước. 80 bức hình kèm những dòng chữ vừa hóm hỉnh lại vừa nhẹ nhàng, sâu lắng hiện lên như một thước phim chầm chậm, đưa ông quay lại ca phẫu thuật nhân đạo năm nào.

Từng chứng kiến đứa trẻ bị bỏng nặng tới mức hai phần cơ thể trên và dưới bị dính gập vào nhau, không nhìn thấy mặt trời trong suốt 15 năm, GS Sơn càng thêm xót xa: “Mổ mãi vẫn chưa thể hết người bệnh”.

Vì vậy, GS Sơn dành 1/3 thời gian của mình cho những chuyến đi mổ nhân đạo khắp nẻo đường Tổ quốc. Hơn 20 năm qua, ông đã rong ruổi cùng các đoàn thiện nguyện khắp cả nước, từ Tây nguyên đến miền Trung, từ Đồng bằng Sông Cửu Long đến các tỉnh biên giới phía Bắc, để mổ cho các bệnh nhân bị hở hàm ếch, dị tật bẩm sinh đường sinh dục, di chứng chiến tranh, di chứng bỏng...

Nhiều năm trở lại đây, “bàn tay vàng” của ông dừng lại tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Mỗi lần đi như vậy là một lần ông trải nghiệm, chiêm nghiệm về đời sống, công việc để tự hun đúc cho mình lòng đam mê, nhiệt huyết để có thể thực hiện được nhiều hơn nữa những điều ý nghĩa giữa bộn bề, bon chen của cuộc sống.

GS Sơn nhớ mãi một cô gái ở tỉnh Sơn La bị cam tẩu mã “ăn” hết cả mặt đến nỗi hở cả một bên hàm, mất một bên mũi, vết thương bốc mùi. Trước khi gặp ông và đoàn phẫu thuật tạo hình nhân đạo, cô bị cộng đồng hắt hủi, phải sống một mình trong căn nhà tuềnh toàng giữa rừng. Khi gặp ông, cô vừa nói chuyện vừa lấy tay che mặt. Ông phải thuyết phục mãi, cô mới để ông thăm khám.

Nhận thấy đây là ca bệnh phải đưa về bệnh viện mới có thể phẫu thuật tạo hình được do cơ sở y tế tại địa phương không đủ điều kiện, cả đoàn quyết định đưa cô về Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Sau 2 đợt phẫu thuật với nhiều kíp phẫu thuật cùng lúc, cô đã trở lại cuộc sống bình thường và hòa nhập với mọi người xung quanh. Tất cả chi phí cho ca bệnh đó được miễn phí hoàn toàn.

“Càng đi, tôi càng thấy dân mình còn khổ quá! Có những kỹ thuật không quá khó nhưng bệnh nhân nghèo không thể tiếp cận, phần do không có điều kiện, phần do y tế cơ sở không thể thực hiện”, GS Sơn chia sẻ.

Đặt chân đến nơi cần mình, GS Sơn và cộng sự không chỉ phẫu thuật cho người bệnh mà còn đào tạo cho đội ngũ y bác sĩ tại cơ sở. Không dừng lại ở việc đến và đi, ông và cộng sự của mình còn trở đi trở lại nhiều lần để thăm hỏi, tái khám cho người bệnh.

Nói về xu hướng hay còn nói là “mốt” thẩm mỹ thời nay của nhiều người, GS Sơn cho biết, nhiều ông chồng không ủng hộ vợ thay đổi diện mạo nếu không cần thiết.

Theo GS Sơn, có nhiều lý do khiến các ông chồng không đồng ý cho vợ của họ phẫu thuật thẩm mỹ. Các ông chồng luôn nghĩ có thể xảy ra biến chứng, nguy hiểm tới tính mạng khi phẫu thuật thẩm mỹ. Đôi khi, không ít ông chồng còn mang suy nghĩ chắc vợ mình có người khác nên mới đi làm đẹp, sự ghen tuông khiến họ ích kỷ, cấm đoán vợ của mình phẫu thuật thẩm mỹ.

Vì vậy, GS Sơn có một nguyên tắc bất di bất dịch, “Chúng tôi luôn cần sự đồng ý của chồng người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ. Nếu các ông chồng không đồng ý thì chúng tôi sẽ không làm vì chúng tôi không muốn việc làm của mình ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình của người nào đó. Rất may, từ trước tới nay, các gia đình đều hạnh phúc hơn sau khi người vợ phẫu thuật thẩm mỹ”.

Mỗi người lại có một quan điểm về cái đẹp khác nhau. Cũng cùng một sự vật, một số người lại cho là đẹp, số khác lại không cho là chưa hoặc không đẹp. GS Sơn và đồng nghiệp của ông cũng nhiều lần rơi vào tình huống như vậy. Đôi khi, ông cho rằng bộ phận này của người có nhu cầu thẩm mỹ là đẹp, phù hợp với họ rồi nhưng chưa chắc điều này đã thoả mãn mong muốn của họ.

GS Sơn suy nghĩ, “Phụ nữ là phải đẹp. Nhưng vẻ đẹp của phụ nữ cần nhìn nhận dựa trên môi trường sống, văn hoá, công việc và điều kiện kinh tế. Ví dụ, người phụ nữ Việt Nam sống trong môi trường Châu Á thì chưa chắc đẹp nhưng khi sống ở các nước Châu Âu thì lại được cho là đẹp và ngược lại. 

Vẻ đẹp của phụ nữ trong mỗi môi trường làm việc cũng khác nhau. Chúng ta không thể lấy hoa hậu làm mẫu số chung để đánh giá vẻ đẹp của mọi phụ nữ được. Với tôi, người phụ nữ được đánh giá là đẹp cần dựa trên 3 yếu tố sức khoẻ, vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp bên trong”.

Vì vậy, với những người có nhu cầu làm đẹp tìm tới GS Sơn, điều đầu tiên ông luôn đặt ra là họ đang làm trong một môi trường như thế nào? Để từ đó đưa ra phương án và lựa chọn phù hợp nhất với họ.

GS Sơn cho biết: “Các bác sĩ luôn có sự thoả hiệp với bệnh nhân. Tôi luôn đặt mình vào vị trí của người bệnh để hiểu và cảm thông với họ. Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra phương án phù hợp với người bệnh. Nếu không đạt được thoả hiệp với người bệnh, chúng tôi sẽ không thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho người đó”.

Nói đến xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay, GS Sơn cho rằng, hiện có 2 nhóm đối tượng. Nhóm thứ nhất, họ thay đổi diện mạo để chứng tỏ tiềm lực tài chính, không quan tâm mất bao nhiêu tiền miễn là cơ thể thay đổi. Nhóm còn lại ngại nói đến phẫu thuật thẩm mỹ vì quan niệm chỉ có người xấu mới phải trông chờ vào bác sĩ.

Ông chia sẻ, mhững người cho rằng phẫu thuật thẩm mỹ có thể thay đổi diện mạo thành khuôn mẫu máy móc như Hàn Quốc với giá cả bình dân, chắc chắn sẽ thất vọng. "Phẫu thuật thẩm mỹ không phải là cây đũa thần với tất cả mọi người. Chúng ta cần biết mình có nhược điểm gì về diện mạo để khắc phục và hoàn thiện hơn nhưng không nên làm mất hoàn toàn ngoại hình của mình”, ông nói. 

Ngay từ khi mới bắt đầu bước chân vào nghề, GS Sơn đã là người cầm máy ảnh, ghi lại hình ảnh của người bệnh trước và sau khi được phẫu thuật. Đây đã trở thành quán tính làm việc của một người làm phẫu thuật tạo hình như ông.

Bao giờ cũng vậy, ông luôn đặt hai bức hình “trước” và “sau” của người bệnh sau một thời gian phẫu thuật để nhìn lại, suy xét những kỹ thuật mà ông đã sử dụng trong quá trình tạo hình cho bệnh nhân.

Hơn 30 năm làm nghề, kho lưu trữ của GS Sơn đã lên tới hơn 3 triệu ảnh, từ ảnh phim được rửa cho đến những bức hình được chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số phông trắng, phông xanh. Ông cẩn thận sắp xếp ngăn nắp mỗi bệnh nhân là một file riêng. Có thể ông không nhớ hết được tất cả tên, tuổi của người bệnh nhưng mỗi khi nhìn vào bất kỳ tấm ảnh nào, ngay lập tức giải phẫu bệnh của người bệnh hiển hiện ngay trước mắt ông.

GS Sơn thổ lộ, hơn 3 triệu bức hình như lời nhắc về các kỹ thuật tạo hình mà ông và đồng nghiệp của mình đã thực hiện trong mỗi ca mổ. Theo năm tháng, cùng sự tiến bộ và cập nhật các kỹ thuật mổ tiên tiến, ông và đồng nghiệp của mình có thêm cơ sở để so sánh.

Trong phòng làm việc của GS Sơn, chiếc máy ảnh luôn được đặt ở một vị trí dễ lấy nhất trên bàn làm việc, để ông có thể nhanh chóng thực hiện phản ứng đã trở thành tự nhiên của mình. Trong những chuyến đi thiện nguyện, bên cạnh dụng cụ y tế cần thiết thì chiếc máy ảnh là vật dụng không thể thiếu của ông. Nó gắn bó, đồng hành và giúp ông lưu giữ khoảnh khắc, nếp sinh hoạt bản địa.

Trong 28 năm là giảng viên của Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình Trường đại Học Y Hà Nội, GS Sơn cùng các đồng nghiệp của Bộ môn đào tạo cho nhiều thế hệ bác sĩ Phẫu thuật tạo hình của Việt Nam. Trong một thời gian dài, Trường Đại học Y Hà Nội là cơ sở duy nhất tại Việt Nam đạo tạo sau đại học các bác sỹ chuyên khoa Phẫu thuật Tạo hình cho cả nước, từ chuyên khoa sơ bộ đến bác sĩ nội trú, cao học, tiến sĩ. 

Với trách nhiệm của một máy cái đào tạo các bác sỹ chuyên khoa đạt tới trình độ y học thế giới nhưng vẫn phù hợp với hoàn cảnh thực tế Việt Nam, GS Sơn đã dành hết tâm huyết để xây dựng một chương trình giảng dạy mới và hiện đại cho các bác sỹ chuyên khoa.

Chương trình này được đúc kết kinh nghiệm từ những năm học tập và làm việc của GS Sơn tại Pháp, Mỹ, Nhật Bản…, từ việc trao đổi kinh nghiệm đào tạo với các GS đầu ngành của nhiều trường Đại học Y khoa trên thế giới. GS Sơn thổ lộ, một người thầy thuốc chưa thể coi là thành công khi không biết cách truyền nhiệt huyết và kinh nghiệm cho các thế hệ tiếp theo của mình.

Hơn nữa, cuộc đời của một bác sĩ giỏi phải được đánh dấu bởi những cuốn sách chuyên môn, những công trình nghiên cứu khoa học, những bản báo cáo trong các hội nghị quốc tế, đó là những nơi đòi hỏi tính nghiêm túc và hàn lâm là cao nhất. Cho đến nay, rất nhiều thế hệ học trò của GS Sơn đã có chỗ đứng vững chắc trong chuyên ngành Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ trên cả nước.

Bên cạnh việc giảng dạy cho các học trò trong nước, GS Sơn còn thực hiện nhiều chương trình trao đổi học tập giữa các bác sỹ trẻ trong nước với nước ngoài, đây là cơ sở để các bác sỹ nước ngoài được học tập những kỹ thuật tạo hình mới tại cơ sở làm việc của GS Sơn.

Với tay nghề sẵn có, đam mê và trách nhiệm nghề nghiệp đã thôi thúc GS Sơn lên đường, có mặt trong những chuyến xe mang tên mổ nhân đạo. Vậy là, cứ đến hẹn, ông lại lên đường với tâm thế giúp được càng nhiều người càng tốt vì một lý do đơn giản là khi chúng ta làm cho người khác hạnh phúc đó chính là hạnh phúc của chúng ta, của những người thầy thuốc chân chính.


Tin liên quan