GS.TS y khoa Nguyễn Văn Tuấn hiện là giáo sư của Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và Đại học Notre Dame Australia. Ngoài ra, ông còn nhận được nhiều lời mời giảng và hợp tác nghiên cứu từ các trường, viện của Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Tính đến nay, GS Tuấn đã có hơn 250 công trình khoa học công bố trên các tập san danh tiếng thế giới. Ông là một trong những giáo sư y khoa người Việt có được trích dẫn nhiều nhất đến thời điểm này.
Mặc dù sinh sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng ông chưa bao giờ là người ngoài cuộc trước các vấn đề thời sự của Việt Nam, nhất là những câu chuyện liên quan đến chuyên môn của mình.
Từ bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam Dioxin Việt Nam với cuốn sách “Chất độc da cam, dioxin”, những chia sẻ về kinh nghiệm viết và công bố báo khoa học… đến những tản mản nhẹ nhàng về một Sài Gòn qua hình ảnh và âm thanh,văn chương Nguyễn Ngọc Tư, mà mới đây nhất là câu chuyện về vấn đề thu nhập của nhân viên y tế.
Xoay quanh chủ đề về thu nhập của nhân viên y tế hiện nay, GS Tuấn thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình với Gia Đình Mới nhân một chuyến công tác của ông tại Hà Nội.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về mặt bằng thu nhập của bác sĩ hiện nay?
GS-TS Nguyễn Văn Tuấn: Theo tôi, thu nhập hiện nay của y bác sĩ Việt Nam quá thấp. Để biết được thu nhập của y bác sĩ hiện nay ở Việt Nam thấp như thế nào, tôi xin được so sánh với thu nhập của y bác sĩ nước ngoài, cụ thể là Úc.
Cục Thuế Úc mới công bố thu nhập bình quân của giới bác sĩ Úc trong năm qua. Thu nhập bình quân của toàn nước Úc là khoảng $60.000 (khoảng 1,3 tỷ VNĐ). Đứng đầu bảng là bác sĩ phẫu thuật, với thu nhập bình quân gần $400.000 (khoảng gần 7 tỷ VNĐ). Kế đến là bác sĩ gây mê, với thu nhập bình quân khoảng $360.000 (khoảng hơn 6 tỷ VNĐ). Đây là thu nhập đánh thuế, tức là thu nhập thật thì cao hơn con số này (nhưng họ đã chuyển sang các khoản khác).
Nhìn qua thu nhập trên và so sánh với bác sĩ ở Việt Nam thì thấy rất khác biệt. Bác sĩ mới ra trường ở Úc có lương khoảng $90.000 (khoảng 1,5 tỷ VNĐ), cao hơn thu nhập bình quân 1,5 lần. Nhưng bác sĩ mới ra trường ở Việt Nam thì chắc chẳng cao hơn bao nhiêu so với thu nhập bình quân của xã hội.
Do đó, nhân viên y tế có thể dùng những con số này để đòi Chính phủ phải tăng thu nhập, chứ không thể để tình trạng như hiện nay kéo dài mãi được.
Ông có thể nói rõ hơn tại sao nhân viên y tế Việt Nam nên dùng những con số này để đòi Chính phủ phải tăng thu nhập?
- Mặt bằng thu nhập của nhân viên y tế so với xã hội không tương xứng. Chúng ta nên nhìn nhận cả quá trình của một người bác sĩ.
Để trở thành bác sĩ, mỗi người phải là những ứng viên xuất sắc, được tuyển chọn kỹ lưỡng về trình độ bằng cách thi cử. Bởi phải là những người thực sự xuất sắc thì mới đỗ được vào các trường đại học y danh giá.
Năm 2017, điểm chuẩn cao nhất của trường Đại học Y Hà Nội là 29,25, ngành Y đa khoa, điểm trúng tuyển thấp nhất rơi vào ngành Y tế Công cộng với 23,75 điểm. Tương tự, điểm chuẩn của trường Đại học Y dược TP.HCM năm 2017 với ngành lấy cao nhất là y đa khoa với 29,25 điểm, ngành có điểm chuẩn thấp nhất là Y tế Công cộng với 22,25 điểm.
Như vậy, để vào được các trường đào tạo y khoa thì đòi hỏi các thí sinh phải có học lực giỏi. Chưa kể đến việc, quá trình đào tạo một bác sĩ rất công phu với khối lượng kiến thức đồ sộ mà các bạn phải học trong trường.
Ngoài ra, thời gian đào tạo bác sĩ dài hơn các chuyên ngành khác, sinh viên y khoa sau khi học 6 năm tốt nghiệp ra trường được gọi là bác sĩ, nhưng chưa hành nghề được, phải làm việc khoảng 18 tháng tại một bệnh viện mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
Sau đó, muốn nâng cao trình độ chuyên môn, bác sĩ có thể chọn một trong hai hệ đào tạo, hoặc thực hành lâm sàng hoặc theo hướng nghiên cứu, để tiếp tục học thay vì 4-5 năm như các ngành khác.
Để rồi sau khi ra trường, các bác sĩ đi làm với mức lương khởi điểm ở bậc lương cơ bản. Tôi biết có những bác sĩ đi làm được 10 năm mà mức lương chưa được 10 triệu đồng. Tôi cho rằng, điều đó không tương xứng với những gì một bác sĩ phải bỏ ra. Phải chăng xã hội đang xem thường bác sĩ?
Trong một lần trả lời phỏng vấn của Gia Đình Mới, bác sĩ Trần Văn Phúc, bệnh viện Xanh Pôn chia sẻ, “Tôi ra trường đã gần 20 năm, hiện tại tính tổng cả tiền lương, tiền trực, tiền phụ cấp khoảng 6 triệu đồng. Nếu chỉ trông vào khoản tiền này, thì những người công tác trong bệnh viện như chúng tôi có chờ hết cả cuộc đời cũng không thể có được căn nhà đơn sơ để ở. Nhưng dư luận xã hội cho rằng, nhân viên y tế chúng tôi vẫn có cuộc sống thoải mái, thậm chí là sung túc, giàu có!”. Ông suy nghĩ như thế nào về chia sẻ của BS Phúc?
- Đó là dư luận xã hội mới đang nhìn vào một bộ phận nhỏ, nhìn vào đồng nghiệp của bác sĩ Phúc!
Ước tính, cán bộ y tế đang công tác ở những thành phố lớn chỉ chiếm chừng 1/20 đội ngũ cán bộ của toàn ngành y tế. Còn lại, 19/20 đội ngũ này chủ yếu ở tuyến huyện, tuyến xã. Họ đang hằng ngày chăm sóc sức khỏe cho hàng chục triệu người dân với mức thu nhập chỉ trông vào chế độ của Nhà nước.
Cho nên, dư luận xã hội đừng nhìn một bộ phận các bác sĩ có xe nọ, nhà kia mà hình dung ra toàn bộ đời sống của tất cả đội ngũ nhân viên y tế.
Như vậy, thu nhập của bác sĩ đang có sự chênh lệch đáng kể?
- Như ở Úc, thu nhập của bác sĩ ở các chuyên ngành khác nhau có sự chênh lệch. Cụ thể, bác sĩ tim mạch có thu nhập $266.805 (nữ) (khoảng 4,5 tỷ VNĐ), $484.086 (nam) (khoảng 8,3 tỷ VNĐ), đồng nghiệp điều trị bệnh ung thư của họ có thu nhập $216.821 (nữ) (khoảng 3,7 tỷ VNĐ), $339.109 (nam) (khoảng 5,8 tỷ VNĐ) còn bác sĩ ngực có thu nhập $198.392 (nữ) (khoảng 3,4 tỷ VNĐ), $333.696 (nam) (khoảng 5,7 tỷ VNĐ)…
Chênh lệch thu nhập của bác sĩ là không thể tránh khỏi. Mức thu nhập chênh lệch còn do trình độ tay nghề, năng lực chuyên môn khác nhau.
Theo ông, xã hội liệu có công bằng không nếu chỉ nhìn vào số ít bác sĩ mà đã vội kết luận tất cả nhân viên y tế đều có thu nhập cao và cao hơn so với các ngành nghề khác?
- Tôi thấy không công bằng! Ở Việt Nam, khi nghe tới bác sĩ là trong đầu nhiều người mặc định họ giàu có. Nhưng thực tế, bác sĩ là những người có tư chất tốt, được đào tạo bài bản, rèn luyện cực khổ, ra trường với mức lương thấp và dễ dàng bị hành hung… (cười)
Ông đã bao giờ chứng kiến hoặc lắng nghe tâm sự từ đồng nghiệp Việt của mình, muốn nghỉ việc chỉ vì thu nhập từ nghề y mang lại không đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống?
- Tôi cũng đã từng nghe và chứng kiến một số nhân viên y tế bỏ ngành đi làm công việc khác, tuy nhiên không nhiều.
Theo tôi được biết, hầu hết các nhân viên y tế đều cố gắng bám trụ với nghề, học hỏi kinh nghiệm đến khi đạt được một trình độ nhất định thì họ sẽ làm những công việc khác từ giá trị mà họ tích luỹ được trong quá khứ. Họ vẫn xoay xở để sống được với nghề nhưng đó là một cuộc sống chật vật, bộn bề lo toan kinh tế.
Theo ông, nếu thu nhập của ngành y tế quá thấp thì sẽ ảnh hưởng như thế nào tới ngành y tế nói riêng và xã hội nói chung?
- Nếu còn tiếp tục tình trạng mức lương như hiện nay, tôi nghĩ ngành y tế sẽ khó có thể thu hút được những người tốt nhất, có đầy đủ tố chất đáp ứng được yêu cầu của ngành.
Thứ hai, việc này vô tình đẩy nhân viên kiếm tiền bằng con đường phi chính thống, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế thị trường như hiện nay.
Thứ ba, nhiều bác sĩ còn kéo bệnh nhân từ trong viện ra phòng khám tư của mình, nhất là các bác sĩ có chuyên môn tốt.
Các bác sĩ đang vắt kiệt sức mình, tự bóc lột sức lao động của bản thân để mang lại đời sống tốt hơn về vật chất. Có những bác sĩ làm việc kín cả tuần, kể cả thứ 7 và chủ nhật, thay vì làm việc 40 giờ mỗi tuần thì họ làm tới 60 giờ, thậm chí là 80 giờ.
Thứ tư, nếu nhân viên y tế chỉ mãi được trả lương như vậy thì họ sẽ lao đầu kiếm tiền mà không có thời gian làm nghiên cứu khoa học. Họ cứ nghĩ lao đầu vào làm để có thêm kinh nghiệm, chuyên môn tiến bộ nhưng ở một khía cạnh nào đó thì hoàn toàn không đúng. Khi chỉ làm một công việc, họ sẽ mãi là “thợ” mà không làm được “thầy”, điều mà đa số bác sĩ Việt Nam đang làm.
Ông có nhắc tới việc bác sĩ kiếm tiền bằng con đường phi chính thống, đó có phải phong bì không?
- Đúng vậy! Đó là một trong những hậu quả của việc trả lương không đủ sống. Có thể chưa chắc nhân viên y tế “đòi” đâu nhưng người nhà bệnh nhân coi “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” nên họ đưa phong bì cho y bác sĩ. Tôi cho rằng, nhân viên y tế hư cũng vì lẽ đó.
Vậy theo ông, nhân viên y tế làm gì để tăng thu nhập và duy trì cuộc sống?
- Nhân viên y tế cũng là con người, họ cần kiếm tiền để đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình họ.
Cách phổ biến để giúp gia đình, cuộc sống tốt hơn mà các bác sĩ vẫn thực hiện là đi làm thêm ngoài giờ, việc này được pháp luật cho phép, được xã hội khuyến khích, và coi đó là sự năng động của bác sĩ.
Nhưng thực chất các bác sĩ đang vắt kiệt sức mình, tự bóc lột sức lao động của bản thân để mang lại đời sống tốt hơn về vật chất. Có những bác sĩ làm việc kín cả tuần, kể cả thứ 7 và chủ nhật, thay vì làm việc 40 giờ mỗi tuần thì họ làm tới 60 giờ, thậm chí là 80 giờ.
Với mức thu nhập thấp, làm thế nào nghề y níu giữ nhân viên y tế ở lại với nghề?
- Tiền lương là một gánh nặng với bác sĩ nhưng đa số bác sĩ không lựa chọn rời bỏ công việc của một người thầy thuốc. Một phần vì họ có đam mê với nghề, họ muốn cống hiến vì sức khoẻ cộng đồng, muốn phục vụ nhân dân. Một phần là do họ gánh trên vai niềm tự hào của cả gia đình và dòng họ.
Tôi có đứa em ở quê đỗ Đại học Y dược TP.HCM, cả gia đình và dòng họ tự hào với làng xóm, niềm hãnh diện đó lớn tới mức đứa em tôi không dám bỏ công việc bác sĩ đang làm dù rất muốn.
Tháng 3/2018, hơn 500 bác sĩ và trên 150 sinh viên y khoa ở Quebec, Canada đã cùng ký vào một bức thư công khai để phản đối việc tăng lương cho họ. Trong đó có viết, "Chúng tôi, những bác sĩ tin tưởng vào hệ thống ý tế công, phản đối việc tăng lương gần đây được thúc đẩy bởi công đoàn… Chúng tôi yêu cầu hoàn số tiền lương tăng thêm cho bác sĩ để phân phối lại cho những bệnh nhân là lao động cũng như đảm bảo chất lượng chăm sóc y tế cho người dân Canada". Ông suy nghĩ như thế nào về điều này?
- Con số thống kê gần đây cho thấy, chuyên viên y tế ở Quebec trung bình kiếm được 403.500 đô la Canada/năm (tương đương hơn 7 tỷ VNĐ), trong khi đó, với các bác sĩ gia đình, con số này là 255.000 đô la Canada (tương đương khoảng 4,5 tỷ VNĐ), chưa tính phụ phí.
Theo tôi, đó chỉ là một hành động mang tính biểu tượng và chỉ là một nhóm nhỏ thôi. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, bởi vì sức lao động họ bỏ ra chưa xứng đáng với khoản tiền khi được tăng nên họ phản đối việc tăng lương cho chính mình. Tôi đồng ý với quan điểm đồng lương phải đúng với giá trị sức lao động bỏ ra.
Theo ông, nghề y có cần thiết có một chế độ đãi ngộ đặc biệt?
- Chúng ta nên đưa y tế trở thành một ngành dịch vụ đặc biệt để đảm bảo đời sống của các y bác sĩ. Bởi vì, bệnh viện cũng giống một xã hội thu nhỏ, với đủ mọi thành phần. Còn có rất nhiều nhân viên y tế đang tiếp xúc với những bệnh nguy hiểm và hàng ngày phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm.
Ông nhắc tới mức thu nhập do trình độ tay nghề và năng lực chuyên môn khác nhau. Vậy thì, đào tạo bác sĩ ở Việt Nam cần thay đổi như thế nào để đánh giá đúng hơn năng lực chuyên môn của bác sĩ?
- Tôi nghĩ, chúng ta cần phải thay đổi cách tuyển sinh đào tạo bác sĩ. Thay vì chỉ cần vượt qua cuộc thi như hiện nay, các thí sinh cần qua hội đồng phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn là cơ hội để các thí sinh bộc lộ bản thân và cũng là để ban tuyển sinh đánh giá được chính xác hơn trình độ của họ.
Như hệ thống đào tạo bác sĩ ở nước Mỹ, con đường để trở thành một bác sĩ lại không hề đơn giản chút nào khi các bạn phải mất khoảng 11-15 năm đào tạo để chính thức trở thành một bác sĩ với giấy phép hành nghề.
Khoảng thời gian trên thường bao gồm cả 4 năm đào tạo cơ bản; phải vượt qua kỳ thi sát hạch của các trường Y khoa và 4 năm đào tạo Y khoa nếu trúng tuyển và cuối cùng là từ 3-7 năm tham gia chương trình bác sĩ nội trú tại các bệnh viện.
Ông thấy đào tạo y khoa ở Mỹ có ưu điểm gì hơn so với đào tạo y khoa tại Việt Nam hiện nay?
- Với hệ thống đào tạo y khoa của Mỹ, khi kết thúc các khoá đào tạo, cử nhân y khoa được cấp giấy phép hành nghề bác sĩ cũng là lúc họ đã gần 30 tuổi – độ tuổi đủ chín chắn và trưởng thành. Khi đó, họ có kiến thức và các kỹ năng mềm cần thiết để làm nghề.
Như vậy, ông đánh giá việc đào tạo kỹ năng mềm tương đương với đào tạo chuyên môn?
- Tôi cho rằng, kỹ năng mềm là một điều cần thiết với bất kể ngành nghề nào, đặc biệt là ngành y tế - ngành được xã hội coi là có nghĩa vụ phục vụ nhân dân.
Nhiệm vụ của bác sĩ không phải một mực thực hiện y lệnh của mình mà phải cùng với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trao đổi để đi tới quyết định cuối cùng. Vì thế, bác sĩ cũng cần có kỹ năng giải thích, tư vấn để cả hai bên cùng thoải mái.
Chúng ta vẫn biết niềm tin là chất keo của xã hội. Trong ngành y tế, niềm tin giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế được đặt lên hàng đầu. Ngành y tế cần niềm tin từ cả hai phía thì mới tạo ra một môi trường thoải mái để bác sĩ điều trị và người bệnh được điều trị.
Như ông chia sẻ, bác sĩ nào ở nước ngoài cũng học nội trú thay vì bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa cấp II như Việt Nam đào tạo hiện nay. Vậy sự khác biệt lớn do điều này mang lại là gì, thưa ông?
- Đây là khoảng thời gian được xem là quan trọng nhất. Trong thời gian này, các học viên phải đăng ký tham gia chương trình thực tập nội trú tại các cơ sở y tế như phòng khám hoặc bệnh viện trong thời gian từ 3-7 năm.
Học viên sẽ phải làm việc dưới sự giám sát và chỉ đạo trực tiếp của một bác sĩ tại đây và tập trung vào việc thực hành các kỹ năng y khoa cơ bản cũng như chuyên sâu được học trong trường. Sau đó, họ sẽ nhận được một tờ giấy nhận xét của người trực tiếp hướng dẫn mình.
Tờ nhận xét đó được xem là “thẻ xanh” để họ ứng tuyển vào một tổ chức. Vì vậy, trong khoảng thời gian thực tập này, hầu hết tất cả học viên đều chăm chỉ, chịu khó, miệt mài lao động để chứng tỏ năng lực bản thân.
Xin cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!
GS.TS Nguyễn Văn Tuấn sinh ra và lớn lên tại Kiên Giang. Ông sang Úc năm 1981, rồi sinh sống và làm việc tại đó từ năm 1982. Khi sang Úc định cư, ông bắt đầu bắc các công việc phụ bếp, rồi làm phụ tá trong phòng thí nghiệm sinh học tại Bệnh viện St. Vincent’s.
Từ năm 1987 đến năm 1997, ông lần lượt tốt nghiệp Thạc sĩ Thống kê Đại học Macquarie, Úc; Tiến sĩ y khoa Đại học New South Wales, Úc; nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại đại học Wright State, Mỹ và đại học Basle, Trung tâm nghiên cứu lâm sàng Sandoz, Thuỵ Sĩ và và Bệnh viện St.Thomas, Anh.
Năm 2009, ông được bổ nhiệm chức danh Giáo sư kiêm nhiệm tại Đại học New South Wales, Úc trong khi công việc chính vẫn là nghiên cứu viên chính của Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc.
Từ năm 2008 đến năm 2013, ông làm Nghiên cứu viên cao cấp Hội đồng quốc gia về nghiên cứu y khoa và y tế Úc.
Ngoài lĩnh vực Y khoa tạo nên tên tuổi, ông cũng dành thời gian viết về nghiên cứu văn học và báo chí, với những bài viết sắc sảo trên những tờ báo lớn ở Việt Nam.