Sở hữu nét hào hoa, phong cách thanh lịch, PGS. TS. Vũ Xuân Phú – Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Phổi Trung ương khiến cuộc trò chuyện với Gia Đình Mới giống như cuộc hàn huyên của những người tri kỷ lâu ngày mới gặp.
Từng vị trí công việc mà ông đảm trách trong quá trình công tác của mình đã được ông âm thầm tích luỹ, gói gọn cẩn thận và chuyển thành tình yêu thương vô bờ bến với những đứa con, đồng nghiệp và bệnh nhân của mình.
Căn phòng gắn biển “PGS.TS Vũ Xuân Phú – Phó Giám đốc” mở rộng cửa tiếp thân nhân của một bệnh nhân lớn tuổi vừa xuất viện không lâu. Họ tới cảm ơn bác sĩ Phú vì đã có sự chỉ đạo, giúp đỡ kịp thời trong quá trình cứu chữa người bố của họ. Như bao bệnh nhân và người nhà tới cảm ơn khác, họ biếu ông gói quà, trong đó có phong bì.
Ông nhất quyết không nhận và chuyển lời tới bố của họ qua dòng nhắn gửi đề trên phong bì cho gia đình yên tâm: “Tôi xin cảm ơn! Coi như tôi đã nhận, nhưng xin gửi lại bác để bồi dưỡng sức khoẻ!” và ký tên để người nhà cầm về cho cụ ông an tâm.
Bệnh nhân và người nhà muốn thông qua quà và phong bì như một cách trả ơn người đã cứu sống mình, để họ nhẹ lòng. Song ngay từ thời còn là sinh viên trường Y đến nay , “Tôi chưa từng nhận phong bì của bệnh nhân và sau này cũng sẽ kiên quyết không bao giờ nhận. Họ cố mang đặc sản quê nhà, từ chiếc chiếu cói Nga Sơn đến món ăn… để trả ơn thôi. Nhiều lúc tôi cũng áy náy, phải chăng, mình không nhận phong bì của khiến họ vất vả một chuyến xe, mang quà tặng mình?”.
Ông suy nghẫm, một phong bì của người nghèo có thể trả được một ngày viện phí, một chuyến xe đi lại hay như học viên là cả tháng tiền trọ,… Nhìn vào gánh nặng chi phí mà bệnh nhân và học viên phải chạy vạy để lo toan, ông không nỡ cầm đồng tiền họ phải chắt bóp, vay mượn mới có được.
“Phong bì của học viên hay bệnh nhân và người nhà của họ đưa chưa chắc giúp gì một người thầy thuốc,…nhưng như vậy người bác sĩ phải đánh đổi danh dự. Điều này thì rẻ quá! Tôi không mong mình có được sự giàu có từ đồng tiền đó. Ai kiên quyết không nhận phong bì thì người đó được chứ không mất gì! Chúng tôi cố gắng để nhân viên của bệnh viện không muốn cầm phong bì và không phụ thuộc vào phong bì của bệnh nhân và người nhà trong quá trình điều trị”, PGS. Phú quả quyết.
Cùng lãnh đạo bệnh viện, PGS.TS Vũ Xuân Phú luôn kêu gọi cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện đồng hành cùng bệnh nhân bằng cách quan tâm, kêu gọi quyên góp giúp bệnh nhân nghèo đủ tiền điều trị bệnh tật.
Cách đây không lâu, một bệnh nhân là nam sinh viên đang theo học tại một trường đại học ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng có bệnh lý về hô hấp và nhiễm trùng máu. Các bác sĩ hội chẩn, tập trung cả trí tuệ và sức lực với hy vọng cứu chữa được cho cậu sinh viên ấy.
Hoàn cảnh gia đình bệnh nhân khó khăn, bệnh viện đã kêu gọi sự hỗ trợ từ nhiều nguồn và của Bệnh viện cho bệnh nhân. Sau một thời gian dài nằm viện với phác đồ điều trị tổng chi phí khoảng hơn 300 triệu đồng, bệnh nhân đã hoàn toàn khỏi bệnh.
“Thế nhưng, quỹ cũng có hạn, không thể lo cho bệnh nhân chi phí lớn như thế, còn nhiều hoàn cảnh nữa cũng cần hỗ trợ. Những lúc này, những người trong Ban lãnh đạo bệnh viện phải đứng ra đi “xin” tiền của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp,… để cứu bệnh nhân”, PGS. TS Vũ Xuân Phú nhớ lại.
Ông cho biết, "Bệnh viện Phổi Trung ương không bao giờ từ chối bệnh nhân trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào. Chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân vô điều kiện, không phân biệt giàu nghèo, có thẻ bảo hiểm y tế hay không.
Nếu bệnh nhân và gia đình không đủ khả năng chi trả và không có bảo hiểm y tế, dù Luật Khám chữa bệnh không quy định, nhưng Bệnh viện thông qua Phòng Công tác xã hội - Truyền thông, chúng tôi kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, đối tác và sử dụng quỹ phúc lợi của Bệnh viện để giúp đỡ họ. Chúng tôi làm tất cả những gì có thể để tốt nhất cho bệnh nhân".
Các bệnh lý về hô hấp, bệnh lao, lao phổi đều là những bệnh hết sức nguy hiểm, rất dễ tử vong và cũng rất khó điều trị, điều trị dài ngày. Đối với các công thức điều trị thông thường, bệnh lao phải điều trị trung bình trong khoảng 8 tháng và tối thiểu ngắn hạn nhất phải từ 6 tháng, đối với bệnh nhân kháng thuốc phải sử dụng phác đồ đến 24 tháng.
Việc tuân thủ phác đồ và thời gian điều trị bệnh được xem như là một việc quan trọng và cần thiết nhất để điều trị bệnh lao. Nếu người bệnh không tuân thủ đúng thời gian điều trị sẽ khiến bệnh không được điều trị và trở thành kháng thuốc và là nguồn bệnh lây nhiễm cho những người xung quanh.
Vì thế, muốn điều trị lao thì bệnh nhân cần tiếp cận cơ sở y tế gần nhất rồi sẽ được hướng dẫn thăm khám và chữa ở những tuyến cao hơn nếu cần và nằm lại viện một thời gian khá dài. Điều đó đồng nghĩa với việc họ cần một khoản tiền lớn để chi trả viện phí, ăn uống có thể lên tới vài chục hay thậm chí vài trăm triệu.
Với đồng bào dân tộc thiểu số, họ cõng gánh hàng nặng trên vai, đi bộ từ bản xuống chợ cũng chỉ bán được chút tiền nhỏ, có khi chỉ đủ mua vài suất cơm hay nhiều thì chỉ có thể trả được vài ngày viện phí.
Hiểu được điều đó, PGS.TS Vũ Xuân Phú cùng toàn thể Bệnh viện kêu gọi thành lập “Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao - PASTB” với cách thức nhắn tin theo cú pháp TB gửi 1402.
Ông cho biết, mục đích cơ bản của Quỹ là hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho những người bệnh lao nghèo chưa có thẻ, giúp hỗ trợ cho người bệnh lao nghèo trong suốt thời gian điều trị và hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn để tất cả mọi người dân đều được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt bệnh lao.
PGS.TS Vũ Xuân Phú và lãnh đạo bệnh viện luôn dành tình yêu đặc biệt với đồng nghiệp của mình. Có những buổi trực, đêm muộn, ông đi các khoa phòng, một cảm giác nhói lên trong tim ông khi tận mắt chứng kiến bác sĩ, điều dưỡng ăn vội miếng cơm ngội lạnh mà phòng bên cạnh là bệnh nhân ho ra máu sét đánh, mất máu, tình trạng nguy kịch…
Người ta vẫn nói “Trời đánh tránh miếng ăn” nhưng với các y bác sĩ trực thì dù đang ăn cũng phải luôn trong tâm thế sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân.
Vì thế, có khi vừa ăn được mấy miếng cơm, nhận được tín hiệu cần cấp cứu, bác sĩ vội buông bát hộc tốc chạy về phía buồng bệnh. Vừa vào đến nơi, bệnh nhân ho, phun máu tươi ướt một mảng áo blouse.
Xử lý xong đâu đấy, bác sĩ quay lại về phòng trực, ngồi xuống bên suất ăn dở dang, cố gắng ăn để lấy sức chiến đấu tiếp. Những tình huống như vậy đã trở nên quen thuộc với y bác sĩ làm công việc điều trị bệnh nhân tại nơi đây.
Hay có những chị em điều dưỡng, mỗi ca trực họ chỉ được thêm khoảng 40.000đ /ca, những người bác sĩ khá khẩm hơn, được hơn 100.000 đồng/ca. “Tiền đó đâu có nhiều, nhưng vẫn phải làm, nhưng bệnh nhân, xã hội họ có thể không hiểu”.
Trái tim ấm nóng của người quản lý thêm một lần thổn thức khi thấy các nguy cơ phơi nhiễm mà y bác sĩ xông pha trên mặt trận cứu cữa chữa bệnh nhân bị bệnh lao phổi, bệnh nhân đồng nhiễm HIV và lao phổi hay thậm chí hứng chịu cảm xúc tiêu cực, kích động của những bệnh nhân bất mãn có tư tưởng truyền bệnh cho người khác,… Nhưng với trái tim của một người thầy thuốc, họ vẫn lăn xả cứu chữa người bệnh.
Trường hợp mới đây, Bệnh viện đã cứu sống cụ bà 77 tuổi bị dị vật khí quản là hạt ô mai gây bít tắc gần hoàn toàn khí quản, gây suy hô hấp cấp và đe dọa tính mạng người bệnh bằng phương pháp nội soi… là những niềm vui không gì lớn bằng của người thầy thuốc. Chính điều này đã giúp ông và đồng nghiệp của mình lấy lại thăng bằng trước nỗi buồn hay áp lực công việc.
May mắn được lớn lên trong một gia đình có nền tảng giáo dục tốt nên ngay từ nhỏ PSG.TS Vũ Xuân Phú đã được thừa hưởng sự thông minh, tư duy nhạy bén từ người cha và nét tinh tế, hào sảng từ người mẹ của mình.
Sau khi tốt nghiệp THPT, PGS.TS Vũ Xuân Phú lựa chọn thi ngành Y và đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội năm 1982. Sáu năm đèn sách miệt mài, ông ra trường và về Bộ Y tế tập sự tại Vụ Vệ sinh - Môi trường (nay là Cục Y tế dự phòng). Những kiến thức ông tích luỹ ở giảng đường đại học, kinh nghiệm làm việc tại các bệnh viện, tham gia nghiên cứu của Nhà trường, các bộ môn đã đến lúc có cơ hội thể hiện ở một môi trường mới.
Bên cạnh việc phát huy năng lực của bản thân, ông không ngừng học hỏi. Với ông, để phục vụ cộng đồng nhiều hơn và chất lượng hơn, không còn cách nào khác ngoài việc học.
Những cảm xúc vui, buồn, trăn trở trong ông đan cài vào nhau mỗi khi ông nghĩ tới bệnh nhân và đồng nghiệp của mình. Hình ảnh bệnh nhân gần tử vong, không đủ tiền thuê một chuyến xe về quê hay đồng nghiệp ăn suất cơm đã nguội lạnh,… đều khiến ông rớt nước mắt.
PGS.TS Vũ Xuân Phú luôn chú ý từng cử chỉ, hành động của mình với y bác sĩ, với bệnh nhân để họ có thể thoải mái bộc bạch bản thân. Bao giờ cũng vậy, khi đi vào phòng bệnh nào, ông đều chào hỏi cả phòng bệnh chứ không riêng gì cá nhân bệnh nhân quen nào. Theo ông, nếu “thiên vị” chỉ thăm một bệnh nhân trong phòng thì các bệnh nhân khác sẽ tủi thân.
Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh viện chuyên khoa tuyến cao nhất về lao và bệnh Phổi, trực thuộc Bộ Y tế. Bệnh viện là đơn vị thường trực điều hành và là đầu mối hợp tác quốc tế của dự án phòng chống lao, chương trình chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em, và là cơ sở thực hành đào tạo đại học và sau đại học trong lĩnh vực chuyên khoa.
Một trong những mục tiêu quan trọng của bệnh viện là tăng cường các chương trình chăm sóc sức khoẻ cộng đồng: Áp dụng các kỹ thuật phát hiện sớm bệnh lao, quản lý tốt và điều trị ngoại trú có hiệu quả, phát hiện sớm các bệnh phổi như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh hen phế quản.
Xây dựng đường lối chiến lược hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị phòng bệnh thống nhất trên toàn quốc những bệnh lao những bệnh lao và bệnh phổi ngoài lao.
PGS Phú cho biết, trong cuộc đời, có 2 chữ ký ông không muốn thực hiện nhưng quy định của nghề buộc ông phải hạ bút là ký giấy chứng tử và ký xác nhận kết quả xét nghiệm bệnh nhân bị chẩn đoán xác định HIV dương tính.
Ông nghẹn ngào, “Khi chứng kiến bất kỳ bệnh nhân nào tử vong với lý do gì, không một bác sĩ nào không trăn trở, trĩu nặng cảm xúc”. Những lần bất đắc dĩ phải ký vào tờ giấy chứng tử, nỗi đau xót dâng lên trong ông vì ông coi bệnh nhân như người nhà của mình.
Khi ký vào tờ kết quả xét nghiệm bệnh nhân bị chẩn đoán xác định HIV dương tính, tay ông nặng trịch như không hề muốn điều này xảy đến với bất kỳ người bệnh nào. Nhìn vào tờ giấy, ông đọc lần lượt: giới tính, năm sinh, họ và tên, quê quán.
Ông quan tâm nhất tới năm sinh của người bệnh. Bệnh nhân càng trẻ ông càng thương và thương hơn cả nếu đó là bệnh nhân nữ, vì nhiều người phụ nữ thậm chí không biết mình bị truyền bệnh.
Tròn 30 năm gắn bó với ngành Y, PGS.TS Vũ Xuân Phú đã để lại nhiều dấu ấn. “Sau ánh hào quang của tôi là những khổ đau, vất vả, là những khi bỏ bữa cơm ngon canh ngọt bên những người thân yêu của mình; từ chối những cuộc tán gẫu với bạn bè để tập trung thời gian học, trau dồi kiến thức.
“Trí tuệ trưởng thành trong tĩnh lặng, tính cách trưởng thành trong bão táp”. Song với tôi, điều thành công của mình là phải không làm tổn thương đến ai!"- PGS.TS Vũ Xuân Phú trải lòng.
30 năm gắn bó với ngành Y, PGS.TS.BS. Vũ Xuân Phú đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như:
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014
- 7 bằng khen của Bộ Y tế (2011, 2013, 2015, 2016, 2017, 2018), Bằng khen của Tổng hội Y học Việt Nam (2014)
- 2 Bằng khen của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam (tháng 1 và tháng 6/2015)
- 5 Bằng khen của BCH Công đoàn Y tế Việt Nam (2011, 2012, 2016, 2018)
- 2 lần đạt Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ (2012, 2016)
- Danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú (2017); Bác sĩ Cao cấp (2018)