Người ta không yêu nhau vì để chứng minh sự tồn tại của nó, có lẽ vậy. Vậy thì người ta xem phim để thấy 'tình yêu phảng phất như tờ giấy rung' (Bùi Giáng) thôi.
Trong cuốn Lịch sử điện ảnh (NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 2007), hai tác giả Kristin Thompson và David Bordwell đánh giá phong cách điện ảnh của Wong Kar Wai (Vương Gia Vệ) là: "Thật sơ sài, lan man và đôi khi quá dễ dãi nhưng thường rất vui tươi. Diễn biến câu chuyện lúc thì rời rạc, lúc lại tập trung không thể lường được."
Thì với "Frist Love: The litter on the breeze" của Eric Kot Man Fai - học trò của Wong, cái phong cách "dễ dãi", "vui tươi" trong nhận xét trên đây còn được đẩy xa hơn nữa.
Eric Kot Man Fai kể hai câu chuyện về tình đầu (First love), và sau (After Love). Hai câu chuyện này chẳng dính dáng đến nhau nhưng bao giờ cũng được người xem đối chiếu kiểu như "Chungking Express" hay "Fallen Angels" của Wong. Nó rất chi là càm ràm, lộn xộn, điên khùng vì có Takeshi Kaneshiro đóng, và nó cũng rất chóng mặt và nên thơ vì có Christopher Doyle quay, dĩ nhiên.
Một nàng mộng du, quyết định gắn máy quay trên người để xem hàng đêm mình đi những đâu và khi xem lại băng thì nàng phát hiện ra mỗi đêm đều có một gã lang thang và "chơi" cùng mình. Gã đó chính là Takeshi, một tên nhặt rác chập cheng. Một gã bán hàng tạp hóa sống trong nỗi lo sợ: gia đình mình sẽ bị tàn sát bởi sự xuất hiện của người yêu cũ sau 10 năm không gặp, trong khi cô này chỉ đến cửa hàng của anh để mua 1 chai coca. Vậy thì yêu ở chỗ nào?
Được mua cách đây nhiều năm, được xem lại nhiều lần, cái tâm trạng khi điên này cũng chẳng khác cái tâm trạng khi yêu là mấy, vì thế nó là sự rủ rê xem của mình.
Người ta không yêu nhau vì để chứng minh sự tồn tại của nó, có lẽ vậy. Chắc chắn những nhà làm phim không làm phim để khai triển một luận đề về tình yêu, những nhà khác đã làm việc đó, luôn tốt hơn họ. Khán giả xem phim cũng không để học cách yêu từ kẻ khác, có mà điên. Vậy thì người ta xem phim để thấy "tình yêu phảng phất như tờ giấy rung" (Bùi Giáng) thôi.