Tập tục đốt vàng mã khởi nguồn từ Trung Quốc từ xa xưa và tồn tại rất lâu trong cuộc sống của người Trung Hoa, sau đó du nhập vào Việt Nam và trở thành phong tục mà chúng ta ngày nay vẫn lưu giữ.
Đốt vàng mã (gồm nhà, xe, tiền vàng...) là tín ngưỡng dân gian đã tồn tại từ lâu trong cuộc sống của người Việt, được mặc định thành hình thức tâm linh rằng thông qua việc đốt vàng mã, ông bà tổ tiên và những người đã khuất trong gia đình sẽ nhận được và sử dụng ở thế giới bên kia.
Tuy nhiên, đi sâu tìm về cội nguồn lịch sử của tín ngưỡng dân gian này, nhiều người tin rằng nó xuất phát từ Trung Quốc và được du nhập vào Việt Nam.
Người Trung Quốc vẫn có phong tục đốt vàng mã vào dịp Tết, đặc biệt là tiết Thanh minh như một cách để thể hiện sự tưởng nhớ tới những người thân đã khuất.
Theo ý kiến của Cố Hòa thượng Thích Tố Liên, trong Kinh Dịch nhà Nho, người Trung Hoa thời thượng cổ thường đem người chết đi chôn mà không quan không ván, không có phần mộ. Đến đời Hoàng đế cho rằng việc mai táng cẩu thả là thiếu bổn phận nên từ đó sáng chế ra quan, quách để chôn cất.
Đến thời nhà Hạ, người Trung Quốc bắt đầu dùng đất sét nặn làm mâm bát, dùng tre gỗ làm nhạc khí, như chuông khánh, đàn sáo... cả bù nhìn bằng gỗ làm kẻ hầu hạ để chôn theo người chết.
Các đồ vật đó được gọi là minh khí, hoặc quý khí, tức là những đồ vật đem chôn theo cho thần hồn người chết dùng ở âm phủ. Lễ nhạc đối với người chết bắt đầu có từ đấy.
Đến đời nhà Ân, người ta không dùng đồ bằng đất và tre gỗ mà dùng toàn bộ đồ thật chôn theo người đã khuất.
Đời nhà Chu, người ta bắt đầu phân chia giai cấp sang hèn để thực hiện nghi lễ mai táng khác nhau. Vua và quan lớn được chôn theo cả đồ vật thật và đồ vật giả, còn sĩ phu và bình dân chỉ được chôn theo 1 thứ đồ giả mà thôi.
Không những thế, người ta còn nghĩ ra tục "tuẫn táng", nghĩa là khi vua, quan lớn chết, thê thiếp và thuộc hạ cùng những đồ quý của người chết đều phải được chôn theo để hầu hạ, sử dụng khi sang thế giới bên kia.
Về sau, nhận thức được hành động dã man này, tục chôn người sống theo người chết đã bị bỏ, nhưng lại làm ra nhà mồ để cho vợ, con, tôi, tớ người đã chết ra để ấp mộ. Duy chỉ tục chôn tài sản quý của người chết là vẫn giữ.
Từ đời Hán Hoa đến năm Nguyên Hưng nguyên niên (105), ông Thái Lĩnh bắt đầu lấy cỏ cây dó và vải rách, lưới rách đem chế ra giấy. Đã có giấy, ông Vương Dũ liền chế ra vàng bạc, quần áo... đều bằng đồ giấy để cúng rồi đốt đi để thay thế cho vàng bạc và đồ dùng thật trong khi tang ma, tế lễ.
Sách Thông Giám cương mục chép: "Vì vua Huyền Tôn mê thuật quỷ thần mới dùng ông Vương Dũ làm quan Thái thường bác sỹ để coi việc chế vàng mã dùng trong khi nhà vua có tế lễ. Chúng ta có thể liệt Vương Dũ vào hàng thủy tổ nghề vàng mã được".
Từ đó người Trung Quốc bắt đầu có truyền thống đốt vàng mã khi mai táng, tế lễ, thờ cúng người chết.
Tuy nhiên, phật giáo Trung Quốc đã phản đối việc đốt vàng mã bởi theo quan điểm Phật giáo tồn tại 6 cõi luân hồi, con người chết đi có thể tái sinh vào một trong 6 cõi trời, thần, người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Khi đó hoạt động thờ cúng, chăm sóc phần mộ, đốt vàng mã không còn ý nghĩa gì đối với người chết đã tái sinh.
Như vậy, việc đốt vàng mã không những không có tác dụng như những gì chúng ta vẫn tin tưởng, mà còn phí phạm tài sản, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe, gia tăng nguy cơ cháy nổ...
Ở Trung Quốc và cả Việt Nam đã có nhiều vụ việc đốt vàng mã gây cháy nhà, cháy rừng... gây nguy hiểm cho con người và thiệt hại tài sản rất đáng tiếc.
Tại Trung Quốc, người dân đã bắt đầu ý thức và nói "không" với tập tục đốt vàng mã. Những năm gần đây, nhiều người dân Trung Quốc đã từ bỏ thói quen này bởi họ coi đó là tập tục lạc hậu, lãng phí, ảnh hưởng xấu đến xã hội và môi trường.
Đầu năm, người Trung Quốc đi lễ chùa không dâng vàng mã mà chỉ thắp những nén hương với tấm lòng thành kính để cầu mong một năm mới dồi dào sức khỏe và an lành cho bản thân và gia đình.
Những năm gần đây, chính quyền nhiều thành phố tại Trung Quốc đã ban hành các quy định cấm đốt vàng mã tại nơi công cộng, khu dân cư, danh lam thắng cảnh, cấm sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển vàng mã và các đồ tế lễ mang tính mê tín, khuyến khích các hình thức tế lễ văn minh như sử dụng hoa tươi, thậm chí tế lễ qua nhà tang lễ “ảo” trên mạng, đồng thời xử phạt nghiêm những người vi phạm...
Do đó, đốt vàng mã hiện nay đã không còn xuất hiện nhiều ở các khu dân cư thuộc các tỉnh, thành phố lớn của Trung Quốc.