Người giữ lửa nghề ở làng hương lâu đời nhất Việt Nam: Tôi yêu nghề và mùi hương nhà mình

Trong suốt cả cuộc đời gắn bó với làng hương thôn Cao (Bảo Khê, Hưng Yên), cụ bà Ứng Thị Thể đã truyền và giữ lửa cho “cái nôi” của nghề làm hương Việt Nam.

Trong những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025, chúng tôi đã có dịp ghé thăm làng hương thôn Cao, xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên. Tại đây, phóng viên bắt gặp một cụ già với dáng người nhỏ bé nhưng ánh mắt tinh anh, chân tay rất nhanh nhẹn đang say mê với một mẻ hương se tay mới ra lò.

Đó là cụ Ứng Thị Thể, năm nay 78 tuổi, là một trong những người lớn tuổi nhất trong làng đến nay vẫn còn làm nghề. Nhớ lại nguồn gốc của nghề nghiệp mình đã gắn bó suốt cả cuộc đời, cụ Thể chia sẻ:

“Trước khi bác sinh ra nghề này đã có lâu rồi nên nghề làm hương đã gắn bó với dân làng hàng trăm năm nay. Từ thời xưa, làng có một cụ bà đi sang Trung Quốc buôn bán và học được nghề làm hương, khi trở về đã truyền dạy lại cho người dân trong làng. Đó cũng là cụ tổ truyền nghề cho dân làng, là người khai sinh cho nghề làm hương Thôn Cao. Vì vậy, ngày 22/8 âm lịch hằng năm, được coi là ngày giỗ tổ của làng, cũng như là ngày tưởng nhớ công ơn lớn lao của cụ tổ đã truyền nghề cho con cháu”.

Cụ Ứng Thị Thể (78 tuổi) là một trong những người lớn tuổi nhất trong làng đến nay vẫn còn làm nghề hương tại Thông Cao.

Cụ Ứng Thị Thể (78 tuổi) là một trong những người lớn tuổi nhất trong làng đến nay vẫn còn làm nghề hương tại Thông Cao.

Cụ Ứng Thị Thể từng có cơ hội trở thành một giáo viên nhưng cụ đã từ bỏ để gắn bó với nghề truyền thống của quê hương trong suốt cả cuộc đời: Trước đây là tôi đi học văn hoá. Lúc học xong thì được điều lên miền ngược dạy học nhưng tôi không đi. Thế nên là tôi ở nhà và học nghề. Tôi đi theo cái truyền thống của bố mẹ để lại. Lúc trước tôi còn ngoài ra làm ruộng thêm nhưng giờ kiếm sống được bằng nghề này nên cứ theo đó mà tập trung gìn giữ nghề truyền thống tổ tiên để lại”.

Nghề làm hương đã nuôi sống cả làng chính vì vậy từ trẻ nhỏ đến người lớn trong làng, ai ai cũng đều biết ơn và muốn giữ gìn nghề truyền thống của quê hương. Thành phố Hưng Yên cũng công nhận nơi đây là làng văn hoá làng nghề.

Thôn Cao không chỉ là cái nôi sản sinh ra nghề làm hương của Việt Nam mà nơi đây còn là nơi hiếm hoi vẫn giữ được nghề se hương bằng tay. Và cụ Ứng Thị Thể là một trong những người giữ gìn được nghề truyền thống đặc biệt này.

Thôn Cao chính là cái nôi sản sinh ra nghề làm hương của Việt Nam.

Thôn Cao chính là cái nôi sản sinh ra nghề làm hương của Việt Nam.

Hương se tay là loại hương đặc biệt của Thôn Cao. Se tay công phu hơn se máy rất nhiều. Cùng một loại hương nhưng se tay và se máy cũng có nhiều điểm khác biệt. Se tay công 500.000 một vạn hương còn xe máy chỉ 70.000 một vạn thôi. Se máy thì người ta làm có thể một ngày được 4-5 vạn. Nhưng gia đình tôi se tay phải đến 5 hôm mới được một vạn. Vì thế gia thành cũng gấp đôi, gấp 3 lên.

Se tay cần cân đo đong đếm chính xác các nguyên liệu, cẩn thận trong từng công đoạn vì vậy mùi hương và giá thành cũng cao hơn se máy. Những nguyên liệu để làm hương se tay cũng có những yêu cầu đặc biệt, đó là những nguyên liệu từ thuốc bắc, là thảo mộc, là những nguyên liệu từ thiên nhiên không có phụ gia. Chính vì vậy mùi hương hoàn toàn là thơm tự nhiên chứ không phải hoá chất”, cụ chia sẻ.

Thông Cao là nơi hiếm hoi vẫn giữ và phát triển sản phẩm hương se tay.

Thông Cao là nơi hiếm hoi vẫn giữ và phát triển sản phẩm hương se tay.

Cũng nhờ sự đặc biệt này mà nhiều người biết đến sản phẩm và truyền tai nhau đến mua hương của gia đình của cụ cũng như hương thôn Cao. Có cả những khách hàng từ Hà Nội, Hải Phòng, thậm chí nước ngoài cũng đến mua hương bởi mùi thơm và không độc hại.

Nói chuyện với chúng tôi, đôi mắt cụ long lanh đầy tự hào khi nói về tình yêu với nghề làm hương, với nghề truyền thống, với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của cụ: “Tôi yêu cái nghề và cái mùi hương nhà mình. Sáng, trưa, tối mỗi buổi tôi đều thắp 3 nén hương vừa ấm áp nhưng cũng vừa tĩnh tâm, yên bình. Tôi đã già rồi, mai sau tôi có không theo nghề được nữa thì con cái tôi, con trai, con dâu vẫn phải gìn giữ nghề này. Đó là nghề truyền thống của tổ tiên để lại, không thể lãng quên được. Đã là truyền thống thì phải có sự kế thừa. Ở đâu cũng phải có kế thừa và phát huy. Đó là nhiệm vụ nhưng cũng là sự tự hào”.

Ở tuổi gần đất, xa trời, cụ Thể chỉ có một mong ước: “Tôi mong cả làng sẽ chung thuỷ, sẽ gắn bó với nghề làm hương này. Nhưng làm phải chất lượng, phải uy tín, lương thiện thì mới phát giữ gìn và phát triển nghề truyền thống mà tổ tiên để lại. Đó là mong ước lớn nhất và duy nhất của tôi”.

Khánh Linh

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính