Dịch cúm mùa: Người già, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ đặc biệt chú ý đề phòng biến chứng

‘Khi cúm, cha mẹ dùng kháng sinh cho trẻ là hoàn toàn sai mà chúng ta cần dùng thuốc điều trị virut. Phụ huynh dùng kháng sinh chỉ gây tốn kém và không có hiệu quả gì mà biến chứng vẫn có thể xảy ra’, PGS – TS Bùi Vũ Huy – Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương nhấn mạnh.

Số lượng mắc cúm ngày càng gia tăng mạnh và tập trung nhiều ở trẻ nhỏ

Mỗi ngày có hàng chục trẻ em nhiễm cúm

Được nhận định là bệnh dịch có mức độ lây lan rất cao, không có thuốc đặc trị, cúm mùa đang ‘hoành hành’ với con số bệnh nhân mắc bệnh đáng báo động. Đặc biệt là trẻ nhỏ – đối tượng có nhiều nguy cơ bị biến chứng do cúm.

Theo ghi nhận PV Gia Đình Mới ngày 18/1, tại Khoa Nhi – Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương, chỉ trong một buổi sáng, Khoa đã tiếp nhận đến 8 bệnh nhân với biểu hiện sốt kéo dài hơn 4 ngày, ho có đờm, sổ mũi. Cá biệt, có trường hợp trẻ nhỏ đi kèm với ho dai dẳng do viêm tiểu phế quản.

Mẹ bé Minh Anh (7 tuổi, Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ: ‘Mấy ngày đầu bé ho, hơi sụt sịt. Tôi nghĩ bé bị cảm lạnh nên mua kháng sinh, siro cho con uống. Tuy nhiên, triệu chứng ngày càng nặng, đặc biệt, cháu sốt liên tục 4 ngày. Vì vậy, tôi mới sốt ruột cho con đi khám và được chẩn đoán nhiễm cúm B’.

Cùng đến Khoa Nhi – Bệnh viện Nhiệt đới, bé Diệu Châu (2 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội) có biểu hiện nặng hơn rất nhiều. Bà của bé cho biết: ‘Cháu bị ốm 2 hôm, ho nhiều lắm, quấy khóc và chán ăn. Thấy cháu sốt quá, mắt mũi lúc nào cũng đỏ nên tôi cho cháu đi khám. Bác sĩ cho chụp X -quang và chẩn đoán cháu viêm tiểu phế quản bên phải. Gia đình đang đợi nốt kết quả xét nghiệm cúm vì bác sĩ nghi ngờ mắc cúm’.

Đây chỉ là hai trong số hàng trăm trẻ nhập viện khám mỗi ngày tại các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa nhi trong 2 tuần trở lại đây. Theo Bệnh viện Nhi Trung Ương  cho biết, viện này tiếp nhận 300 bệnh nhi mắc cúm. Trong đó, hơn 100 bệnh nhân phải nhập viện điều trị vì các biến chứng của cúm như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, khó thở, suy hô hấp…

Tại khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Nguyễn Thanh M (Hà Đông, Hà Nội) đang phải chăm cả 2 con nằm viện do mắc cúm. “Bạn lớn 4 tuổi, bạn nhỏ mới 8 tháng bị lây của chị gái. Trước đó cả 2 cháu đều có tình trạng ho, chảy nước mũi và sốt cao co giật, dùng thuốc hạ sốt nhưng không đỡ” – chị M cho hay.

Người dân cần nâng cao cảnh giác phòng dịch

Trao đổi về vấn đề này, Ths.Bs Đỗ Thiện Hải – Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung Ương cho biết, thời điểm mùa đông xuân với độ ẩm, nhiệt độ rất thuận lợi cho các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển. Khi trẻ mắc cúm, hệ thống miễn dịch bị giảm, nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh và chăm sóc, trẻ dễ bị bội nhiễm dẫn đến các biến chứng khác.

PGS TS Bùi Vũ Huy - Trưởng Khoa Nhi - Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương

Biểu hiện chung của bệnh nhân cúm là sốt cao, có thể sốt cao liên tục 39-40 độ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, viêm long đường hô hấp trên như: Chảy nước mũi, ho, trẻ lớn đau rát họng, đặc biệt khi khám thấy họng viêm đỏ rất rõ, một số trẻ có viêm phế quản.

Cùng ý kiến trên, trao đổi với Gia Đình Mới, PGS. TS Bùi Vũ Huy – Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương cho biết: ‘Cúm là loại bệnh xuất hiện hàng năm, về nguyên tắc, virut cúm lây theo đường hô hấp nên rất dễ lây lan. Ở Việt Nam, vào mùa lạnh, độ ẩm cao là điều kiện rất thuận lợi cho virut cúm phát triển.

Trong khi đó, ngày nay, do tăng cường giao lưu, kinh tế thương mại, du lịch nên nguy cơ người dân mắc bệnh cũng tăng. Chưa kể, mỗi năm, các chủng virut cúm có sự thay đổi trong khi vacxin chỉ có tác dụng trong từng năm’.

Thông thường trẻ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị. Nếu dùng các loại thuốc khác phải có chỉ định của nhân viên y tế. Gia đình cần chăm sóc tốt, vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác.

Tuy nhiên, trong cúm có nhiều khả năng biến chứng  như viêm phổi, suy hô hấp, viêm màng não…  ‘Ai cũng có thể mắc bệnh nhưng biến chứng hay gặp ở người già, phụ nữ có thai, trẻ nhỏ. Nhất là phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu vì có thể gây dị tật thai nhi’, PGS TS Bùi Vũ Huy nhấn mạnh.

Với nhóm đối tượng trên cần ưu tiên khám chữa kịp thời bằng thuốc kháng virut cúm. Riêng với trẻ nhỏ, khi có bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám, bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng… tránh biến chứng nặng gây tử vong’.

Đeo khẩu trang là cách hạn chế tối đa lây nhiễm cúm qua đường hô hấp

Theo bác sĩ Huy, để phòng cúm, tiêm chủng vacxin là cách tốt nhất nhưng giá thành lại khá cao. Chúng ta nên đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận biết được sự nguy hại để phòng tránh. Cùng với đó, trong khi đang có dịch, mọi người cần chủ động phòng tránh lây truyền bằng cách đeo khẩu trang, che miệng khi hắt hơi...’.

Ngoài ra, khi trẻ nằm viện thì nên hạn chế các tiếp xúc ko cần thiết như quá nhiều người thăm nom, mang mầm bệnh khác đến cho trẻ và mang viruts cúm ra cộng đồng.

‘Trẻ chỉ có chỉ định nhập viện trong trường hợp cúm gây viêm phổi, hoặc có tình trạng suy hô hấp, khó thở, mệt mỏi hoặc cúm gây viêm nhiễm đường hô hấp nặng hoặc mắc cúm trên những cơ địa mắc bệnh lý mạn tính nào đó’. – BS Hải nhấn mạnh.

Theo đó, bác sĩ cũng khuyến cáo, thuốc Oseltamivir không phải là thuốc bắt buộc phải có để điều trị trong những trường hợp cúm mùa thông thường và chỉ sử dụng trong một số trường hợp cúm nặng.

Nếu trẻ được chăm sóc tốt, không có bội nhiễm thì  tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ, tránh tình trạng kháng thuốc kháng sinh lan tràn.

‘Khi cúm, cha mẹ dùng kháng sinh cho trẻ là hoàn toàn sai mà chúng ta cần dùng thuốc điều trị virut. Phụ huynh dùng kháng sinh chỉ gây tốn kém và không có hiệu quả gì mà biến chứng vẫn có thể xảy ra’ PGS TS Bùi Vũ Huy nhấn mạnh.

Nhiều cha mẹ sử dụng siro cho trẻ khi thấy con có triệu chứng ho, có đờm.

PGS TS Nguyễn Tiến Dũng – Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Ho lại là phản xạ tốt để tống các dị vật đường thở ra ngoài. Vì vậy, không phải lúc nào ho chúng ta cũng dùng thuốc ho. Chỉ khi nào, ho quá nhiều làm ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe thì mới cần sử dụng.

 Hiện trên thị trường có nhiều loại siro chữa ho, song phổ biến được chia làm 2 phương thức chính: Đông y và Tây y.

- Với phương thứcTây y, có những loại thuốc ho dạng siro. Nó có nhiều loại và được coi là dạng thuốc điều trị triệu chứng ho.  Thuốc ho siro có 3 nhóm chính:

+ Nhóm ức chế trung tâm ho để không phát lệnh ho hoặc ho ít. Tuy nhiên, ức chế quá gây ngừng thở nên loại này cần được sử dụng rất cẩn thận.

+ Nhóm thuốc kích thích đường hô hấp (ví dụ nhóm kháng histamin) làm giảm ho. Tuy nhiên, thuốc thế hệ cũ có tác dụng phụ gây buồn ngủ, làm quánh đờm, khô đờm khiến người bệnh khó bật đờm. Nhất là với trẻ nhỏ. Vì vậy không nên dùng cho trẻ quá bé, người lái tàu xe... Tuy nhiên, nhóm thế hệ mới hiện nay có cải thiện tác dụng không gây buồn ngủ.

+ Nhóm làm loãng đờm với cơ chế làm đờm dãi loãng, thời gian đầu, bệnh nhân ho nhiều lên, hết đờm sẽ hết ho.

- Với phương thức Đông y, có các dạng siro có nguồn gốc thảo dược được các Cty dược phẩm sản xuất  và có loại siro do người dân tự làm theo cách thức dân gian truyền miệng. Với loại này, y học chưa rõ cơ chế tác động nhưng thực tế nó có tác dụng trong điều trị ho. Đáng chu ý, sử dụng siro theo phương thức Đông y hầu như không có tác dụng phụ.

Đặc biệt, hiện trên thị trường có nhiều loại siro có nguồn gốc thảo dược, song xu hướng là ngày càng có nhiều người  lựa chọn sản phẩm siro chữa ho đã có thương hiệu uy tín lâu đời trên thị trường hay chọn loại siro dùng  đường không năng lượng (đường sucralose) bởi sẽ ít gây nguy cơ sâu răng (khi dùng cho trẻ nhỏ) hoặc không làm ảnh hưởng đến nhóm người bị tiểu đường, béo phì và những người không thích đồ ngọt.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan