Đặt vòng 8 năm thấy bị đau khi đi tiểu mới phát hiện... vòng tránh thai bị lạc

Bệnh nhân đột nhiên xuất hiện triệu chứng đái buốt, đái dắt, đến khi đi khám phát hiện vòng tránh thai đi lạc trong bàng quang.

Xem thêm

Các bác sĩ của khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị Phương L. (sinh năm 1985, ở xã Tuân lộ, Sơn Dương, Tuyên Quang) vào viện với chẩn đoán dụng cụ tránh thai trong bàng quang.

Qua khai thác bệnh sử thì được biết, bệnh nhân L. đặt dụng cụ tránh thai cách đây 8 năm, gần đây bệnh nhân bị đái buốt, đái dắt đi khám phát hiện vòng tránh thai trong bàng quang.

Bệnh nhân vào khoa được thăm khám làm các xét nghiệm cận lâm sàng: Siêu âm, X-quang thấy vòng tránh thai trong bàng quang.

Vòng tránh thai đi lạc vào bàng quang bệnh nhân L. sau 8 năm đặt vòng

Các bác sĩ đã hội chẩn thống nhất chẩn đoán vòng tránh thai trong bàng quang và tiến hành nội soi bàng quang gắp vòng.

Vòng tránh thai lạc chỗ trong bàng quang của bệnh nhân L. là một biến chứng hiếm gặp và nguy hiểm. Các bác sĩ khuyến cáo chị em khi áp dụng biện pháp đặt vòng tránh thai nên đi kiểm tra định kỳ tại cơ sở y tế để phát hiện sớm các biến chứng.

Theo các bác sĩ sản phụ khoa, đặt vòng tránh thai hay dụng cụ tử cung là một dụng cụ nhỏ hình chữ T được đặt vào trong lòng tử cung. Dụng cụ tử cung có thể đặt rất sớm sau sinh thường hay sinh mổ.

Có 2 loại dụng cụ tử cung, trong đó, dụng cụ tử cung có nội tiết phóng thích ra một lượng progestin và có thời hạn sử dụng từ 3 đến 5 năm, tùy loại. Còn dụng cụ tử cung chứa đồng phóng thích một lượng đồng vào trong tử cung, có thời hạn sử dụng trên 10 năm. Cả hai loại dụng cụ tử cung này đều ngừa thai bằng cách ngăn không cho trứng và tinh trùng gặp nhau.

Việc đặt vòng tránh thai không cản trở quan hệ tình dục hay các hoạt động hàng ngày. Một khi được đặt, chị em không cần làm thêm gì nữa để ngừa thai. Dụng cụ tử cung chứa nội tiết có thể làm giảm đau bụng kinh và giảm chảy máu kinh nhiều.

Tuy nhiên, việc đặt dụng cụ tử cung cũng gây ra một số nguy cơ và tác dụng phụ như:

- Dụng cụ tử cung có thể bị tụt ra ngoài tử cung. Xảy ra khoảng 5% trong năm đầu sử dụng. Biến chứng nhiễm trùng hay thủng tử cung là rất hiếm.

- Dụng cụ tử cung có nội tiết có thể làm ra máu âm đạo ít trong 3 đến 6 tháng đầu sử dụng. Các tác dụng phụ khác có thể xảy ra như đau đầu, nôn ói, đau vú…

- Dụng cụ tử cung chứa đồng có thể làm tăng đau bụng kinh và chảy máu kinh nhiều hơn. Thường xảy ra trong vài tháng đầu và giảm sau 1 năm sử dụng

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan