Đang đá bóng, bác sĩ trẻ bất ngờ ngã và hôn mê

Trong lúc đang chơi bóng đá, một bác sĩ trẻ đã bất ngờ bị đột quỵ ngã, rơi vào hôn mê và tử vong.

Xem thêm

Đó là một trường hợp diễn biến nhanh, nghiêm trọng, dù đã được cấp cứu không chậm trễ nhưng bệnh nhân sớm rơi vào hôn mê do tổn thương quá lớn.

Nói về trường hợp bệnh nhân này, bác sĩ của khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chơi bóng và thời tiết nắng nóng không phải là nguyên nhân gây ra đột quỵ cho bệnh nhân, nhưng có thể là yếu tố thuận lợi trên nền có bất thường mạch não.

PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, các yếu tố thuận lợi gây nên đột quỵ gồm: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, loạn nhịp tim, bệnh lý máu, người hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, hội chứng chuyển hóa…

Nếu không dự phòng tốt thì yếu tố thuận lợi kể trên sẽ đẩy bệnh nhân vào nguy cơ đột quỵ.

Nắng nóng làm nhiều bệnh nhân nhập viện vì Shock nhiệt. Ảnh minh họa

Khi nhắc đến yếu tố thời tiết có tác động gì đến đột quỵ, PGS Nguyễn Văn Chi giải thích thêm, tình trạng bất ổn của thời tiết không phải là nguyên nhân nhưng là yếu tố thuận lợi khiến các yếu tố nguy cơ phát triển thành bệnh.

Nắng nóng, chế độ sinh hoạt thường ngày không tuân thủ điều trị như không uống thuốc huyết áp, ăn mặn, không vận động, suốt ngày khó chịu căng thẳng dẫn đến huyết áp tăng, nguy cơ đột quỵ tăng.

Trong những ngày nắng vừa qua, số ca đột quỵ đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai tăng lên đáng kể, với vài chục bệnh nhân/ngày, tăng khoảng 20%.

Số lượng bệnh nhân tăng lên đương nhiên, bởi nắng nóng làm người mang yếu tố nguy cơ dễ đột quỵ hơn.

Nguy hiểm hơn là trước đây tỷ lệ người lớn tuổi bị đột quỵ cao, nhưng hiện nay tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cao hơn.

Nhiều người cứ nghĩ rằng, mùa đông lạnh mới cần quan tâm đến chỉ số huyết áp hơn mùa hè để tránh nguy cơ đột quỵ. Nhưng điều này là hoàn toàn sai lầm, mùa nào cũng phải kiểm soát huyết áp.

Những người mắc các bệnh lý về tim mạch, huyết áp cần đảm bảo 3 yếu tố: ăn uống, sinh hoạt nghỉ ngơi, thuốc điều trị nhằm đạt mục tiêu đạt huyết áp ổn định.

Để giữ gìn sức khỏe trong những ngày thời tiết nắng nóng, PGS.TS Nguyễn Văn Chi khuyến cáo, môi trường có nhiệt đột cao hơn cơ thể sẽ dễ xảy ra nhiều biến cố “Shock nhiệt” dễ rơi vào tình trạng hôn mê.

Vậy nên, những người làm việc trong môi trường nắng nóng phải tự bảo vệ mình, phải tạm dừng nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể.

Đặc biệt, thời điểm 12 – 16 giờ là nhiệt độ cao nhất do vậy không lao động ngoài trời ở khoảng thời gian này. Bởi khi cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, có nguy cơ xảy ra nhiều biến cố nguy hiểm.

Đồng thời, cần đảm bảo uống đủ nước, chuẩn bị các phương tiện bảo hộ nhằm giảm bớt tác động của nhiệt và tia tử ngoại, môi trường làm việc cần đảm bảo thông thoáng, kiểm soát môi trường lao động.

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan